Sau rất nhiều năm, Đỗ Bảo mới tiếp tục có một liveshow của riêng mình vào năm 2023, nhưng giờ anh lại nhận lời "đứng cạnh" nhạc sĩ Phú Quang trong hai đêm nhạc "Hà Nội – Mùa chuyển", đồng thời nhận lời làm Giám đốc âm nhạc của chương trình. Vậy liveshow riêng của anh thì sao và lý do nào anh lại nhận lời tham gia chương trình này?
- Sau 3 năm dịch Covid-19, tôi vẫn làm nhạc và đã tích cóp, dành dụm được một số tác phẩm để quay trở lại sân khấu. Năm nay là tròn 10 năm để tôi tiếp tục làm livesow riêng của mình, tôi đã có kế hoạch làm liveshow riêng với hai đêm tại Nhà hát Hoà Bình ở Sài Gòn và Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Tôi đã làm việc với các bạn trẻ, bàn bạc lên chương trình, tuy nhiên khi nhận lời tham gia "Hà Nội – Mùa chuyển", tôi phải tạm gác lại chương trình của mình đến cuối năm.
Đây là một chương trình rất đặc biệt, là một ý tưởng táo bạo. Tôi đánh giá rất cao các anh chị trong Ban tổ chức đã tin tưởng chương trình này. Tôi cũng có một chút áp lực ở chương trình lần này, bởi đây là lần đầu tiên được làm và "đứng cạnh" nhạc sĩ Phú Quang, một người đã hoàn thành sứ mệnh một cách trọn vẹn, đã được ghi nhận, trong khi tôi còn cả một chặng đường đang còn phải đi tiếp.
Thế nhưng tôi nghĩ, mỗi người nhạc sĩ đã có một quá trình làm nghề đủ sâu, đủ cháy bỏng với nghề. Ví dụ, tôi cũng đã được 30 năm làm nghề, thì ở chừng mực nào đấy, người nhạc sĩ cũng nhận thức rất rõ về cái tôi âm nhạc. Đó là cái tôi mạnh mẽ, không lay chuyển, có niềm tin rất lớn đối với bản thân, về âm nhạc của mình, về sứ mệnh của mình, nên chặng đường trước mắt sẽ không làm tôi ngại hay sợ.
Tôi nghĩ các thế hệ nhạc sĩ tiền bối, lớp thế hệ như tôi hay trẻ hơn tất cả đều là những con thuyền sẽ ra khơi, có con thuyền ra khơi trước thì cập bờ trước, có những nhạc sĩ ra khơi sau thì cập bờ sau. Chỉ có điều, mỗi hành trình là khác nhau, mỗi người, mỗi con thuyền mang một sứ mệnh khác nhau.
Trong chương trình lần này, tôi sẽ tiếp cận, giống như là cố gắng tách mình khỏi ý nghĩ mình là một trong hai tác giả của đêm nhạc và tôi mong rằng với cách tiếp cận như thế, tôi sẽ có cách diễn giải bằng âm nhạc để đêm diễn được diễn ra thật đẹp.
Chú Phú Quang phần lớn viết các tác phẩm phổ từ những bài thơ hay và viết ở gam thứ, tôi lại rất hiếm khi phổ thơ và phần lớn tác phẩm viết gam trưởng. Chú Phú Quang trung thành với khuynh hướng ca khúc trữ tình, các bản hòa âm bán cổ điển, còn tôi ở thế hệ khi đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, viết pha trộn đa phong cách, thì âm nhạc của chú và của tôi có không ít những điểm tương đồng.
Cảm xúc lãng mạn, cảm xúc gắn với mùa đông Hà Nội, về các mùa khác, cách sử dụng những chùm ba trong giai điệu, các tiết nhịp cho giọng hát ở đó đề cao cảm xúc mà không quá chú trọng đến thị hiếu thị trường đã và đang du nhập là một số điểm mà tôi nhất thời nghĩ đến.
Đã có một thời gian khá dài, anh đã "lặn" khỏi làng nhạc Việt, trong khi với đa phần, những người sáng tác, nghệ sĩ lại thường nạp năng lượng khi xuất hiện ở showbiz hoặc tham gia nhiều các sự kiện âm nhạc lớn. Có vẻ anh đi ngược với xu thế chung?
- Tôi nghĩ, ngành nghề sáng tạo nào cũng cần làm việc ở những nơi độc lập sẽ hay hơn những chỗ đông người như giới showbiz. Showbiz chỉ là bề nổi, sẽ gây xao nhãng hoặc khiến cho người ta có những tật xấu, những thói mới, thói lạ mà ảnh hưởng tới cái tôi nghệ thuật của người nghệ sĩ. Làm thay đổi quan điểm của người nghệ sĩ đó, thậm chí làm biến đổi màu sắc, quan điểm mà vốn dĩ người nghệ sĩ đã mất nhiều công để xây dựng.
Từ năm 17 tuổi tôi đã có may mắn được làm việc với các bậc tiền bối cha chú như nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ hay với chị Thanh Lam. Tôi đã làm việc với chị Lam trên sàn nhảy năm tôi 16 tuổi. Tôi quan sát và định hình nhân sinh quan để biết mặt trái của cuộc sống là gì, tránh những điều không nên vướng vào.
Là thế hệ đi trước với hành trình 30 năm sáng tác âm nhạc, anh đánh giá thế nào về các bạn trẻ bây giờ?
- Tôi không theo dõi một cách nhiệt thành về các bạn trẻ cũng như âm nhạc giải trí, bởi với một người làm âm nhạc lâu năm như tôi thường có thói quen nghe thoáng qua để biết và cái gì không hợp sẽ bị đẩy ra khỏi đầu, còn những ca khúc tôi thấy hay thì tôi sẽ nghe lại. Có lẽ tôi là người thành kiến và điều này không tốt. Có thể, một số ca khúc giải trí có lý do nào đó mới tồn tại được trong xã hội, nhưng nó không phải là thế giới của tôi vì vậy tôi không quan tâm lắm.
Tuy nhiên, không phủ nhận, tôi cũng thấy có một vài đốm sáng trong âm nhạc giải trí mà tôi để ý và thích. Nhưng, quan điểm của tôi cũng hơi khác một chút, đó là tôi phải thấy thích con người đấy trước, rồi mới để ý tới ca khúc của họ. Tôi không nói đó là đúng hay sai. Tôi cho rằng, người nghệ sĩ đấy phải là người tốt, một con người phù hợp cho công việc đó.
Anh có nói, giữa âm nhạc của anh với âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang có điểm tương đồng, vậy với hai đêm "Hà Nội – Mùa chuyển" anh làm thế nào để các ca khúc tương đồng đó không bị đều đều, gây nhàm chán cho khán giả?
- Tôi soạn nhạc theo một tuyến của chương trình. Ví dụ, tôi soạn bài một đến bài thứ hai mà thấy hai bài nhạc tương đồng với nhau, dễ gây nhàm chán, dễ gây buồn tẻ thì tôi sẽ phải sửa phần phối khí làm sao để khán giả không bị lặp lại cảm xúc vừa trải qua trước đó.
Tất nhiên, về mặt lý thuyết thì là như vậy, còn thực tế có đạt được như tôi nói hay không thì cũng phải chờ đến khi đêm nhạc diễn ra và khán giả đến xem tự cảm nhận. Nhưng cũng sẽ có những bài của cả hai tác giả là những bài chậm. Đây là điều không thể tránh khỏi bởi các ca khúc của cả hai đều như thế. Đây là điều tôi khá băn khoăn, chính vì vậy, khi sắp xếp các bài hát, phối khí... tôi sẽ cố gắng để khán giả không rơi vào cảm giác chì, chậm.
Âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang mọi người đã hiểu rõ, vậy với hai đêm nhạc nay anh sẽ phải làm như thế nào, khai thác góc nhìn nào để khán giả thấy một Phú Quang khác so với các đêm nhạc trước?
- Yêu cầu làm khác đi so với các đêm nhạc trước có thể sẽ đúng đâu đó ở trong thế giới giải trí, sẽ đúng đâu đấy ở trong đòi hỏi của thị trường, nhưng không chắc đã đúng với người nghệ sĩ như chú Phú Quang. Ví dụ, nếu nói chú là một người bảo thủ và cực đoan thì có lẽ sẽ đúng, khi còn sống chú Phú Quang không bao giờ muốn bài hát của chú bị phối khác đi.
Trong chương trình lần này, cũng có những bài được phối khí khác đi một chút nhưng có những bài thì vẫn giữ nguyên, giữ đúng là nhạc của nhạc sĩ Phú Quang nhất. Tất nhiên khán giả cũng sẽ thấy một nhạc sĩ Phú Quang qua một lăng kính của Đỗ Bảo, của đội ngũ sản xuất. Tôi nghĩ như vậy là đủ.
Anh có chia sẻ, anh từng làm việc rất nhiều lần với nhạc sĩ Phú Quang, vậy anh hiểu nhạc sĩ đến đâu?
Chương trình đêm nhạc "Hà Nội – Mùa chuyển" của nhạc sĩ Phú Quang và Đỗ Bảo.
Chương trình âm nhạc được với sự tham gia của các giọng ca Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh 3A và Hà Trần. Tổng đạo diễn: Phạm Hoàng Nam; Giám đốc âm nhạc: Đỗ Bảo; Giám đốc mỹ thuật: Lê Thiết Cương; Giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Cố vấn âm nhạc: Nguyễn Thụy Kha; Cố vấn nội dung: Trinh Hương; Chủ nhiệm chương trình: Chu Anh Hùng.
Chương trình diễn ra vào 20h ngày 21 và 22/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Tôi từng lớn lên trong những năm tháng mà ở đó những câu hát câu nhạc của nhạc sĩ Phú Quang đã là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Sau này trong những năm 1990-2000, tôi có nhiều dịp được làm việc với chú trong những sự kiện mà chú tổ chức, lúc là trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần. Nhạc sĩ Phú Quang là người đam mê, là người tận tụy với âm nhạc. Chú chấp nhận cuộc sống một cõi riêng, thậm chí là sự cô đơn riêng của người nghệ sĩ.
Nhạc sĩ cũng là người nghiêm túc khắt khe, đòi hỏi cầu toàn theo cách của chú, từ bản phối bài không được đánh sai nốt này, nốt kia, không được hát sai câu này, câu kia. Nhưng ông cũng là người rất hóm hỉnh, sắc sảo, hoạt ngôn. Chú có cách kể chuyện rất hấp dẫn và lôi cuốn, tôi rất thích điều này ở chú.
Tôi hiểu được ít nhiều và thực sự trân trọng cuộc đời âm nhạc, những thành công cũng như cách mà âm nhạc của chú đã sống được trong lòng công chúng. Nhà nhạc sĩ Phú Quang cũng rất gần nhà tôi, nhưng hai chú cháu rất ít giao tiếp trò chuyện ngoài đời.
Vậy trong những lần làm việc thì cả hai đã từng xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng nào chưa?
- Tôi và chú Phú Quang cũng có những kỷ niệm tương đối căng thẳng, đụng nhau "toé lửa". Tôi nghĩ là người nghệ sĩ thường có cái tôi rất lớn, kể cả thế hệ cha chú, tới thế hệ trẻ. Với người trẻ, cái tôi của họ được thể hiện khi họ tự tin, biết mình đang làm gì và họ sẽ giữ nguyên tắc, quan điểm rất rõ. Tôi nhớ, cũng có lần hai chú cháu xảy ra căng thẳng rồi cũng giận nhau, nhưng cái giận nhau đấy là những cái thoáng qua, là đời thường người ta phải giận nhau, giống như phương cách để hóa giải câu chuyện đã xảy ra, không phải giận nhau để thiếu đi sự tôn trọng nhau.
Tôi rất trân trọng nhạc sĩ Phú Quang, ông đã hoàn thành sứ mệnh đáng quý của mình. Vì vậy dù có bất cứ điều gì ở ông tôi cũng không suy nghĩ đến. Còn chuyện đời, những cung bậc, những góc khuất thì ai cũng có, điều đấy đối với tôi không thành vấn đề, trở thành vô sự trong nhận thức của tôi.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Bảo!