Sự việc đôi co nảy lửa giữa sinh viên ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) với ông Đ.T.T., giám đốc một công ty sự kiện cách đây vài ngày hiện vẫn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Sự việc bắt đầu từ phản hồi của một sinh viên trên diễn đàn về diễn giả Đ.T.T. sau chương trình khởi nghiệp tổ chức tại trường.
Theo đó, sinh viên bức xúc khi ông T. trong vai trò diễn giả nhưng đi trễ cả tiếng đồng hồ để hàng trăm người chờ. Trong chương trình, theo sinh viên phản ánh ông T. nói: "Trong 30 nhân viên của anh, không ai có tấm bằng đại học. Vậy tụi em học đại học làm gì rồi sau này cũng đi làm thuê cho người ta?".
Cũng theo thông tin từ người dự khán, vị diễn giả có thái độ miệt thị ngoại hình khi nói "da trắng nhuộm tóc được còn những bạn da đen nhuộm tóc... nhìn rất dơ". Nhiều sinh viên bất bình với những phát ngôn như vậy đã bỏ về giữa buổi nói chuyện.
Ngay sau phản hồi này của sinh viên, ông T. cũng lên tiếng "đáp trả" bằng những đôi co tranh cãi qua lại qua mạng xã hội TikTok và comment (bình luận) trên Facebook.
Theo đại diện Trường HUFLIT, khi hội thảo diễn ra được tầm 20 phút, Hội sinh viên trường đã nghe phản ánh của sinh viên. Thế nên, sau khi ông Đ.T.T kết thúc phần nói chuyện, ban tổ chức đã cắt phần giao lưu, kết thúc sớm chương trình.
Sau sự việc tranh cãi gây xôn xao, đơn vị tổ chức là Nhà văn hóa sinh viên TPHCM lên tiếng, mong được thông cảm và chia sẻ cùng lời cam kết sẽ rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và thống nhất nội dung với các đơn vị, khách mời cho các chương trình khác.
Từ những chia sẻ của vị Giám đốc tại chương trình cho đến phần "đấu khẩu" qua lại với sinh viên trong sự việc này, nhiều người không khỏi giật mình về câu chuyện diễn giả bước vào trường học. Bởi, sự cố này không phải là lần đầu mà trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ giám đốc, diễn giả tha "rác" vào trường học gây bàng hoàng, sửng sốt.
Tại buổi tư vấn cho trường THPT Trần Phú, TPHCM cách đây không lâu, nữ thạc sĩ N.T.M., là giám đốc của một công ty về lĩnh vực giáo dục có những phát ngôn về vấn đề đồng tính làm cộng đồng không khỏi tức giận.
Trước học sinh, bà giám đốc nói rằng trào lưu quan hệ đồng tính hiện nay đang phát triển và nhấn mạnh "đồng tính là một căn bệnh" hay "đó là tâm bệnh chứ không phải là bệnh về mặt sinh lý, nên vẫn có thể chữa được nếu như muốn thoát khỏi" cùng rất nhiều lập luận để khẳng định quan điểm của mình.
Thực tế, không phải thời mông muội, hiện nay đã có rất nhiều căn cứ khoa học được đưa ra, các cơ quan chuyên môn đều khẳng định đồng tính không phải là bệnh, nhiều nơi trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng giới. Tổ chức Sức khỏe thế giới WHO cũng như Hiệp hội Tâm thần và Hiệp hội Tâm lý học Mỹ đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các căn bệnh của loài người.
Vậy nhưng, những thông tin sai lệch, cùng cái nhìn chủ quan đầy kỳ thị từ một thạc sĩ lại có thể đi thẳng vào trường học, đến với học sinh trong vai trò tư vấn. Điều này không chỉ đưa đến những góc nhìn méo mó mà còn có thể khoét sâu những tổn thương, kỳ thị với cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính và chuyển giới).
Diễn giả khuyên vào nhà xác, học trò xanh mặt
Tại chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khối 12 một trường THPT cách đây không lâu cũng xảy ra sự việc... "hết hồn vì diễn giả".
Tự lăng-xê bản thân như nói về danh nhân xong, ông đưa ra nhiều chỉ dẫn "những việc cần làm" cho học sinh trước khi rời ghế nhà trường. Trong đó, ông nói học sinh nhất định nên vào bệnh viện, đến nhà xác nhìn người chết để chứng kiến cảnh con người giành giật với sự sống cũng như để chứng kiến cái chết của người khác.
Nhiều học sinh ngồi dưới xanh mặt, bàng hoàng, hoang mang với lời khuyên của chuyên gia. Lãnh đạo nhà trường lúc đó cũng giật mình vì... diễn giả nói nhăng nói cuội, đề cập vấn đề ở góc độ hù dọa một cách phản giáo dục, phản cảm.
Từ sự việc này, lãnh đạo nhà trường xem đây là bài học để cân nhắc, cẩn trọng hơn khi mời chuyên gia vào trường nói chuyện.
Dư luận cũng từng sôi sục với những quan điểm, phát ngôn đầy kỳ thị giới của vị tiến sĩ tâm lý B. khi tư vấn tại một trường học.
Trước toàn thể học sinh, người này cho rằng "đàn ông phải sống cho ra đàn ông", "con gái phải ra con gái". Đi cùng đó ông đưa ra nhiều minh họa cho nhận định của mình như việc các chàng trai nâng ly bia yếu ớt trên bàn nhậu, xăm hình hay thường xuyên viết trên facebook là biểu hiện của sự thiếu nam tính. Còn con gái là người phải chịu trách nhiệm cho tổ ấm gia đình cũng như việc "đàn ông có về nhà mỗi tối hay không".
Từ những sự việc này, người phải lắc đầu, ngao ngán với kiến thức, quan điểm bậy bạ, lệch lạc của hàng loạt chuyên gia. Thực tế, nhiều "rác" được chính chuyên gia tha vào trường gây ảnh hưởng xấu hơn bất cứ tác động nào.
Trào lưu "nở rộ chuyên gia" với các phát ngôn, kiến thức ngây ngô, phản cảm, kỳ thị, độc hại hóa ra không chỉ xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, trên TikTok mà còn tấn công vào trường học. Con trẻ không chỉ phải tỉnh táo trước thông tin trên mạng mà còn cần cẩn trọng trước các thông điệp, chia sẻ bởi chính những người được mời vào trường đứng giảng.
Điều này thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong việc chọn lọc, kiểm duyệt và cả giám sát trong các hoạt động mời giám đốc, diễn giả vào trường.
Không đơn thuần là có bằng cấp hay có sự nghiệp thành công, để trò chuyện được với học sinh, diễn giả phải có những giá trị sống cốt lõi, kỹ năng truyền đạt mà thực tế ngay cả nhiều chuyên gia kỹ năng cũng còn thiếu khuyết.
Sau sự việc đôi co giữa sinh viên HUFLIT và diễn giả, đại diện trường này cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong việc phối hợp với các tổ chức bên ngoài trong việc thực hiện những chương trình cho sinh viên, đặc biệt sẽ cẩn thận rà soát hồ sơ diễn giả đến trường nói chuyện...