Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, tại buổi làm việc ngày 6/4, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ qua, huyện thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
Song, bám sát chỉ đạo của thành phố, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng.
Cụ thể, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được huyện chú trọng và tăng cường. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đảm bảo toàn diện, sát thực tiễn.
Phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo 7 Chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác năm.
Về phát triển kinh tế - xã hội, huyện chỉ đạo thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.
Theo đó, kinh tế huyện phục hồi, có bước tăng trưởng khá và tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng thông tin, đến nay, 23/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra được thực hiện đạt tiến độ, một số chỉ tiêu đạt mức cao.
Riêng năm 2022, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 10,12%; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 17.063 tỷ đồng.
Huyện tiếp tục dẫn đầu toàn thành phố về xây dựng nông thôn mới, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, huyện tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.
Cũng theo ông Hải, trong quý I/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện trên 155,2 tỷ đồng, đạt 10,7% dự toán thành phố giao và bằng 44% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách huyện ước thực hiện 374 tỷ đồng, đạt 19,4% dự toán thành phố giao và 118,7% so với cùng kỳ. Đối với việc thực hiện Đề án phát triển huyện lên quận, tính đến nay, huyện đã đạt 22/31 tiêu chí và còn 9 tiêu chí chưa đạt.
Đáng chú ý, đối với công tác GPMB, tái định cư dự án đường Vành đai 4, tổng số diện tích đất thu hồi thực hiện dự án trên địa bàn huyện là 74,8ha.
Đến nay, huyện đã ban hành 802 quyết định thu hồi đất nông nghiệp của 802 hộ với diện tích 25,35/39,84ha, đạt tỷ lệ 63,62%. Tổng số mộ phải di chuyển thực hiện dự án 1.678 ngôi và đến nay, đã di chuyển 468/1.678 ngôi, đạt tỷ lệ 28,96%.
Tại buổi làm việc, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Đan Phượng cần phân tích rõ những tiềm năng, lợi thế phát triển của huyện, những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, những "điểm nghẽn" cần phải khơi thông.
Trước tiên, cần rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ để chuẩn bị một bước cho quá trình phát triển từ xã lên phường, huyện lên quận, với yêu cầu phát triển đô thị sinh thái, mang bản sắc riêng.
Huyện cũng cần bám sát các sở, ngành thành phố, tham mưu phương án xử lý dứt điểm đổi với các dự án sử dụng đất chậm triển khai. Cùng với đó, tập trung giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 đảm bảo tiến độ thành phố giao.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặc biệt yêu cầu huyện Đan Phượng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực cho huyện phát triển.
Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư cho 3 lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục. Tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Quan tâm, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Về dự án đường Vành đai 4, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị huyện phải thường xuyên đôn đốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong. Tập trung cao độ trong đo đạc, kiểm đếm, di chuyển mồ mả, xây dựng khu tái định cư… kiên quyết đảm bảo theo tiến độ chung của thành phố.