Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2022, chỉ số giá sinh hoạt của Hà Nội đạt mức cao nhất cả nước, tiếp đến là Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, trong quý 1/2023, các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41%.
Thống kê của Q&Me tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy tỷ lệ người dân tự nấu bữa sáng và trưa chiếm gần 40%, song tỷ lệ chuẩn bị bữa tối tại gia đạt tới 77%. Sau đại dịch, chênh lệch thu nhập cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tần suất nấu cơm của nhiều gia đình. Trong khi nhóm người có thu nhập từ 5.500.000-8.500.000 đồng chọn nấu cơm tại nhà chiếm 63%, nhóm kiếm được hơn 20 triệu đồng chiếm 43%.
Thực tế, không có tiêu chuẩn nhất định nào về mức chi tiêu cho mâm cơm gia đình. Chi 50.000 đồng, 100.000 đồng hay 200.000 đồng cho mỗi bữa đều phụ thuộc vào ngân sách, sở thích, sức ăn và tiêu chí mua sắm của mỗi nhà.
4 cặp vợ chồng đang sinh sống tại các thành phố lớn, có mức chi tiêu đắt đỏ bậc nhất Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng) chia sẻ với Zing cách họ chi tiêu cho mâm cơm gia đình.
Nấu một lần, ăn hai bữa
Thu Trang (30 tuổi) - Ngô Hiệp (31 tuổi, Hà Nội)
Hơn 4 năm kể từ khi chuyển về huyện Chương Mỹ, tôi cảm thấy túi tiền của mình rủng rỉnh hơn. Phần vì sinh hoạt phí tương đối “dễ thở”, phần nhờ bản thân cũng đã học cách cân đối ngân sách.
Do tính chất công việc bận rộn, có thêm hai con nhỏ nên hai vợ chồng thường cùng nhau san sẻ việc nhà cũng như chuyện bếp núc. Mỗi khi tôi chuẩn bị cơm nước, chồng sẽ tranh thủ chơi cùng các con. Khi ăn xong, anh sẽ rửa bát đũa khi vợ ôm con. Nhờ chồng tâm lý, tôi cảm thấy mọi việc nhẹ nhàng đi rất nhiều.
Mỗi ngày, sau khi đưa con đến trường, tôi sẽ đi chợ để chọn nguyên vật liệu nấu ăn vừa đủ cho cả ngày. Chi phí cho mỗi bữa cơm khoảng 120.000-170.000 đồng, chủ yếu gồm 4 món canh, xào, thịt, rau luộc và một đĩa hoa quả tráng miệng. Đối với tôi, bữa cơm gia đình là chất xúc tác, sợi dây gắn kết mọi thành viên lại với nhau.
Từ khi học được cách lên thực đơn vào tối hôm trước, tôi không chỉ cân bằng được ngân sách, nấu những món ăn hợp khẩu vị của cả nhà, mà còn có nhiều thời gian phát triển công việc kinh doanh online.
Dù bận rộn, Thu Trang luôn cố gắng nấu mâm cơm đủ các món dinh dưỡng.
Khoảng thời gian cả gia đình sống tại khu vực nội thành Hà Nội, không chỉ chi phí sinh hoạt đắt đỏ, giá các loại đồ ăn thức uống khác cũng rất tốn kém.
Ngày đó, vì còn son rỗi, tôi đi chợ với tâm lý thoải mái, thích gì mua nấy, hoàn toàn không có công thức chung hay mức chi tiêu cố định nào. Mỗi lần đó, tôi luôn đem về nhà lượng thực phẩm nhiều hơn nhu cầu của gia đình, với số tiền lên tới 300.000-400.000 đồng.
Về quê đi chợ
Minh Toàn - Huỳnh Liên (31 tuổi, TP.HCM)
Cứ 1-2 tháng, gia đình tôi lại về quê ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai một lần. Bên cạnh việc thăm người thân, tôi còn tranh thủ đi chợ, mua thức ăn và một vài món quê hương không có ở Sài Gòn. Mỗi lần như vậy, gia đình tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng so với đi chợ ở thành phố, tương ứng với số tiền chi tiêu ăn uống bình thường trong 2-3 ngày.
Chồng đi làm văn phòng, tôi ở nhà nội trợ nên có nhiều thời gian vào bếp, nấu đủ ngày ba bữa cơm cho gia đình.
Hàng ngày, sau khi nấu cơm tối, tôi sẽ chuẩn bị sẵn đồ ăn cho cả bữa sáng và bữa trưa hôm sau. Sáng dậy, tôi chỉ cần hâm nóng lại thức ăn là có thể làm hộp cơm trưa cho chồng đi làm.
Nhiều lúc đau đầu với câu hỏi "Hôm nay nấu món gì?", tôi lại lên mạng, tìm trong các hội nhóm những công thức nấu ăn mới để mâm cơm gia đình thêm phong phú.
Chồng là nhân lực chính lên thực đơn cho các bữa ăn. Anh cũng là người đi chợ, dọn dẹp, tham gia nấu ăn cùng vợ.
Mỗi bữa ăn của gia đình có chi phí trung bình 50.000 đồng. Theo tôi, đây là mức giá khá hợp lý dành cho hai người lớn và một con nhỏ 16 tháng. Những hôm nấu món cay hay đồ khó ăn, tôi sẽ chuẩn bị riêng thức ăn khác cho con, số tiền phát sinh cũng không đáng kể.
Với số tiền này, các mâm cơm gia đình tôi vẫn luôn đầy đặn và đủ chất. Trong những tháng gần đây, dù giá thực phẩm thiết yếu tăng cao, tôi vẫn luôn cố gắng cân bằng bữa cơm trong khoảng tiền đó.
Huỳnh Liên luôn cố gắng tìm tòi công thức mới cho mâm cơm phong phú, đa dạng.
Cuối tuần, gia đình thường dành thời gian ở nhà, ít khi ra ngoài ăn. Hôm nào muốn thay đổi không khí, chúng tôi chi 300.000-400.000 đồng cho những nồi lẩu, bếp nướng hay đĩa ốc bên ngoài.
Vì cơ quan xa nhà, nhiều hôm chồng không kịp ăn sáng với vợ con. Bữa tối chính là khoảng thời gian cả nhà quây quần, ngồi lại bên mâm cơm để kể nhau nghe những chuyện vui buồn trong ngày.
Mua thực phẩm một lần/tuần
Như Quỳnh (26 tuổi) - Đình Đạm (28 tuổi, Đà Nẵng)
Vài năm trước, khi tài chính gia đình chưa ổn định, tôi cảm thấy rất áp lực, thậm chí mất ngủ vì luôn phải cân bằng giữa việc nấu mâm cơm dinh dưỡng, tiết kiệm ngân sách, lại hợp khẩu vị cả nhà.
Chồng là dân văn phòng, tôi ở nhà chăm con và làm thêm việc sáng tạo nội dung trên mạng.
Nhà chỉ có 3 thành viên, khi tôi nấu nướng, chồng sẽ nhặt rau, sơ chế nguyên liệu, dọn dẹp. Hôm nào được nghỉ, anh thường tranh thủ cùng tôi đi chợ mua thực phẩm. Đó chỉ là khoảnh khắc đời thường, nhưng luôn khiến tôi cảm thấy ấm áp và được yêu thương.
Ngày 3 bữa, gia đình tôi thường chi khoảng 40.000-200.000 đồng cho mâm cơm với đầy đủ 3 món: thịt, cá, những món phụ rẻ hơn như đậu, trứng, món cuối cùng sẽ là rau xanh. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do vật giá ngày càng leo thang, chi tiêu cũng sẽ không ổn định.
Đang trong giai đoạn làm kinh tế, bản thân tôi cũng phải cân đo đong đếm để vừa cân đối nguồn chi, lại phải nấu được những bữa cơm chất lượng.
Nhờ luôn giữ thói quen lên thực đơn cho cả tuần và chỉ đi chợ tuần một lần, tôi có thể tiết kiệm kha khá. Vì mua thực phẩm với số lượng lớn, các tiểu thương cũng không bán với giá quá đắt, ngoài ra đây cũng là cách giúp tôi tối ưu hóa thời gian.
Như Quỳnh quan niệm cả gia đình được ngồi bên nhau ăn bữa cơm là điều hạnh phúc nhất.
Từ năm 2020, tôi luôn duy trì thói quen dậy sớm chuẩn bị cơm hộp cho chồng đem đi làm. Một phần vì hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, phần khác cũng rẻ hơn đặt bên ngoài, lại còn giúp anh có thêm thời gian nghỉ ngơi. Tan ca mỗi tối, chồng tôi đều kể rằng đồng nghiệp luôn cảm thấy ngưỡng mộ và tò mò không biết trưa nay anh mang món gì.
Nhiều người thường cho rằng, nấu cơm cho chồng đi làm rất lách cách, bỏ 50.000-100.000 đồng là có bữa ngon lành lại nhanh gọn. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm, mỗi ngày được vào bếp là một loại hạnh phúc thay vì gánh nặng hay mỏi mệt.
Ưu tiên nấu món con thích
Ngọc Tú - Hương Linh (30 tuổi, Hà Nội)
Chỉ cần nghe “Mẹ ơi, hôm nay con muốn ăn cánh gà rán” hay “Mẹ làm món thịt xá xíu cho con nhé!” là tôi xắn tay áo vào bếp ngay.
Hai con nhỏ đi học cả ngày, buổi sáng cũng ăn tại trường, gia đình chỉ có thể quây quần đông đủ bữa tối. Do đó, tôi thường chú trọng cơm nước buổi tối hơn, chuẩn bị nhiều món theo sở thích của các con.
Hai vợ chồng tôi làm việc tại nhà, hơn nữa sống chung với bố mẹ chồng nên buổi trưa cũng tự nấu cơm, không hay đi ăn ngoài.
Với mong muốn mâm cơm đủ chất dinh dưỡng, tôi luôn cố gắng đảm bảo một bữa có ba món: canh, xào, rán hoặc luộc.
Chi phí ăn uống khoảng 300.000 đồng cho hai bữa ăn chính. Buổi sáng mỗi người tự ăn uống đơn giản, chủ yếu là mì tôm. Những hôm nào có thời gian, tôi sẽ đổi gió ăn bánh mì bơ hoặc bún, phở. Mấy năm nay, mức chi tiêu của gia đình tôi vẫn vậy, không có nhiều thay đổi.
Những khi công việc bận rộn, mẹ chồng lại giúp tôi đi chợ, lo liệu cơm nước. Nhà tôi thường mua thịt cá đủ cho một tuần, còn rau mua mỗi ngày ở quầy gần nhà. Tôi cũng thường hay tham khảo ý kiến bố mẹ chồng để cân nhắc nấu nướng.
Thỉnh thoảng, cả nhà ra ngoài hàng để đổi gió, nhưng đối với tôi, được quây quần cùng bố mẹ, con cái bên mâm cơm gia đình vẫn mang nhiều ý nghĩa hơn.
“Một ngày hôm nay của các con như thế nào? Đi học có gì vui không?” là cách các cuộc trò chuyện trong bữa tối của gia đình tôi bắt đầu. Cứ như vậy, những câu chuyện trên lớp mà hai bạn nhỏ líu lo là khoảnh khắc gia đình trở nên gắn kết.
Bữa cơm là dịp để gia đình Hương Linh lắng nghe những chia sẻ buồn vui của các con.