Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngày 1/3 vừa qua, Thông tư 20 của Bộ Y tế về danh mục điều kiện, tỷ lệ thanh toán đối với các thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và các chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực.
Trong Thông tư 20 này có bổ sung 29 mặt hàng thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT tại trạm y tế gồm nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, chống huyết khối, điều trị đái tháo đường, hormon tuyến giáp, cận giáp.
Theo bà Như, dự kiến Sở Y tế sẽ có công văn lấy ý kiến của các đơn vị liên quan và đề xuất bổ sung danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT tại y tế cơ sở làm căn cứ để trình Bộ Y tế bổ sung một số thuốc như thuốc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng; bệnh phổi mạn tính; một số bệnh lý phổ biến khác tại trạm y tế…
"Đề xuất này sẽ tạo hành lang pháp lý, tăng quyền lợi cho người khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, đúng với định hướng xây dựng phát triển y tế cơ sở", bà Như nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, bên cạnh nhóm bệnh thông thường hay gặp, nhóm các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư) đã được Sở Y tế xác định là ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khoẻ người dân tại các trạm y tế vì đây là nhóm bệnh khá phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu tính trong dân số (chiếm 70% trong số tử vong của dân số).
Mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm là một yêu cầu vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn. Một khảo sát nhanh trước đó của Sở Y tế cho thấy hơn 80% người dân mắc các bệnh không lây nhiễm đều muốn được tái khám và nhận thuốc tại các trạm y tế, thay vì phải mất nhiều thời gian và công sức đến các bệnh viện, nhưng với điều kiện là các trạm y tế có đủ thuốc giống như khi lãnh thuốc tại bệnh viện.
Ngoài ra, các đơn vị trong quá trình hoạt động và dự kiến phát triển của đơn vị có thể bổ sung các loại thuốc khác cần thiết theo mô hình hoạt động, theo cơ cấu bệnh tật của người dân trên địa bàn quản lý, phù hợp phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế… để xây dựng nhu cầu mua sắm thuốc.