Chiều ngày 7/4, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ xuất viện cho cậu bé 16 tuổi vừa được "giải cứu" khỏi khối u máu khổng lồ ở ngực.
Bệnh nhân là em Nguyễn Minh Tú (16 tuổi, sống tại Hóc Môn, TP.HCM). Gia đình chia sẻ, năm 2018, cháu đang học lớp 6, Tú phát hiện bên ngực phải một khối u bất thường, gia đình đưa đi khám thì được chẩn đoán là một dạng u máu cần được theo dõi thêm.
Sau 2 năm, khối u phát triển to lên, gia đình tiếp tục đưa con đến các cơ sở y tế, đều được trả lời là khối u phức tạp, một ca dị dạng mạch máu, khó phẫu thuật.
Trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid -19 không có điều kiện đi chữa bệnh, đến năm 2022 và đặc biệt đầu năm 2023, khối u ngày càng to, bằng trái bóng gây đau đớn và ảnh hưởng rất nhiều đến vận động, sinh hoạt hàng ngày và việc học tập của Minh Tú.
Mẹ cháu tiếp tục đưa con đi tìm nơi phẫu thuật, rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, thì được các y bác sĩ ở đó giới thiệu nên ra Bệnh viện Bạch Mai vì cháu mang khối u máu rất phức tạp, cần tìm nơi có đầy đủ thiết bị, trình độ chuyên môn cao để điều trị và có hi vọng phẫu thuật được.
Tại khoa Phẫu thuật lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã trải qua nhiều lần hội chẩn.
Hội chẩn liên khoa nhận định ca bệnh nặng, u máu khổng lồ thành ngực phải, xâm lấn thành ngực, tổn thương xâm lấn rộng, tăng sinh mạch, phẫu thuật khó, nguy cơ rủi ro cao do chảy máu. Hướng xử trí là sinh thiết u để xác định bản chất, nếu u lành thì nút mạch trước sau đó cắt u.
Sau khi có kết quả sinh thiết u lành, nút mạch thành công, ngày 17/3, bệnh nhân được bác sĩ Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực và Mạch máu cùng ekip phẫu thuật thành công, cắt bỏ được khối u máu khổng lồ hơn 3 kg. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã được tiếp hơn 3 lít máu.
Về ca phẫu thuật, bác sĩ Ngô Gia Khánh cho biết thêm: “Tìm hiểu trong y văn thế giới thì được biết, tại Châu Âu cũng đã từng mổ khối u dạng như thế này nhưng không to bằng.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi cũng bất ngờ bởi khối u 'khủng' chiếm trọn một bên ngực, ăn rộng, xâm lấn ra xương bả vai, chèn ép vào thành ngực. Đặc biệt, khối u tăng sinh mạch máu rất nhiều, để xử lý khối u này, dễ xảy ra nguy cơ chảy máu ồ ạt".
Dù đã nút mạch, nhưng cuộc phẫu thuật trải qua nhiều khó khăn do máu chảy ồ ạt. Bệnh nhân được truyền đến 3 lít máu, hơn 2/3 lượng máu của cơ thể
Các bác sĩ đã phải 3 lần phải tiếp máu cho bệnh nhân. Các bác sĩ vừa mổ vừa truyền máu. Rất may ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Các bác sĩ đã "trả lại" cho bệnh nhân một cơ thể khỏe mạnh, không còn bị khối u "đè nặng".