Vào một buổi chiều năm 1915, một nhóm phụ nữ ăn mặc sang trọng bước ra từ chiếc ô tô đắt tiền và tiến vào cửa hàng bách hóa Selfridges danh tiếng tại London. Họ là những quý bà xinh đẹp, đeo trang sức lấp lánh cùng những bộ đồ lông thú đắt tiền.
Nhân viên tại đây cư xử với các quý bá như những khách hàng cao cấp. Họ không đi theo tư vấn, tạo không gian thoải mái, niềm nở để các quý bà có thể tự do thử quần áo, ngắm nghía trang sức. Kết thúc buổi mua sắm, những người phụ nữ ra về mà không mua bất kỳ món đồ nào.
Một lúc sau, nhân viên bách hóa Selfridges mới phát hiện ra những người phụ nữ này đã cuỗm đi khối tài sản khổng lồ gồm trang sức đá quý, lông thú và quần áo. Đây không phải những quý bà bình thường. Họ là thành viên của băng đảng cướp toàn phụ nữ đầu tiên được ghi nhận ở London với tên gọi Forty Elephants (Bốn mươi con voi).
“Bốn mươi con voi” được thành lập vào những năm 1870 khi những tên trộm nữ ở London, Anh, muốn tự đứng lên để thoát khỏi sự kiểm soát của các băng đảng lớn do nam giới thống trị, nổi bật lúc đó là băng Elephant & Castle (Con voi và Lâu đài). Thời điểm đó, các băng đảng do nam giới cầm quyền vẫn hợp tác với phụ nữ trong các phi vụ cướp bóc nhưng họ chỉ giao cho nữ giới những nhiệm vụ nhỏ, đồng nghĩa khoản chia chác cũng thấp hơn.
Không đồng tình với cách làm việc thiếu tôn trọng phụ nữ, Mary Carr, một người mẫu kiêm nữ đạo chích lão luyện, đã đứng lên khởi xướng việc phụ nữ ly khai khỏi các băng cướp do nam giới nắm quyền. Mary Carr được cho là đã thành lập băng cướp riêng chỉ toàn phụ nữ, đặt tên là “Bốn mươi con voi” và làm việc dựa vào mối quan hệ rộng với giới nhà giàu.
Hoạt động từ những năm 1880 cho đến những năm 1980, “Bốn mươi con voi” đã đứng đằng sau nhiều phi vụ trộm cướp những khối tài sản khổng lồ, đe dọa không biết bao nhiêu cửa hàng bách hóa tại London. Họ thường xuất hiện trong bộ trang phục cầu kỳ, đắt tiền gồm áo lụa, áo khoác, khăn quàng cổ, váy dài, quần bó và mũ được thiết kế riêng những chiếc túi ẩn dùng để che giấu chiến lợi phẩm.
Cách làm việc của Mary Carr là đánh cắp hàng hóa, có trị giá hàng nghìn bảng Anh, sau đó bán chúng cho bên thứ ba và thu về lợi nhuận. Nhóm không bao giờ giữ lại những món đồ đã đánh cắp mà làm giàu từ khoản tiền thu được từ việc bán những món đồ này.
Không chỉ ăn trộm đồ đắt tiền trong cửa hàng bách hóa, “Bốn mươi con voi” lợi dụng nhan sắc để dụ dỗ và tống tiền những người đàn ông có sức ảnh hưởng vào thời điểm bấy giờ. Lúc khác, họ cải trang thành người phụ nữ nghèo khổ, xin vào làm giúp việc cho các gia đình giàu có chỉ để cướp bóc.
Băng nhóm chủ yếu đánh cắp đá quý, đồ trang sức, lông thú và các mặt hàng thời trang. Với khoản tiền kiếm được nhờ bán lại những sản phẩm trên, họ thậm chí còn mua được những món đồ đắt tiền hơn cho mình và không bao giờ sử dụng đồ đi trộm.
Khi băng đảng đã đạt đến mức độ thành công và danh tiếng nhất định, họ cộng tác cùng “Con voi và Lâu đài” theo thỏa thuận băng đảng do nam giới cầm quyền sẽ bảo kê hoặc hỗ trợ một vài phi vụ. Đổi lại, “Bốn mươi con voi” sẽ trích một phần tài sản “khoắng” được để trả thù lao cho các tên cướp nam.
Từ năm 1916, Mary Carr trao lại vị trí cầm đầu băng đảng cho Alice Diamond, một thành viên mới 20 tuổi nhưng được đánh giá là có tính cách ghê gớm, quyết liệt hơn người tiền nhiệm. Ngay khi còn nhỏ, Alice đã thạo các ngón nghề móc túi với lần bị bắt đầu tiên vào năm 17 tuổi.
Không chỉ có tính cách cương quyết, Alice sở hữu vóc dáng cao, gầy, mạnh mẽ. Cô cao 1m75 trong khi thời kỳ đó chiều cao trung bình của một người đàn ông Anh là 1m66. Những tên trộm khác, thậm chí nam giới, đều phải e dè Alice khi cô ta đeo nhẫn kim cương trên mọi đốt của 10 ngón tay.
Trong tình huống này, cô ta sẵn sàng đấm vỡ mặt bất cứ ai phản kháng. Tuy nhiên, Alice nổi danh và được gọi là “nữ hoàng” của băng cướp chủ yếu nhờ vào khối óc hơn là thể lực.
Khi “Bốn mươi con voi” ngày càng nổi tiếng ở London, người dân, đặc biệt là nhân viên các cửa hàng cao cấp, đều cảnh giác, đề phòng khi bắt gặp những người phụ nữ đi theo nhóm hoặc trong những bộ trang phục đắt tiền với khuôn mặt lạnh lùng, khó đoán. Vì vậy, băng nhóm quyết định phân nhánh, mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trấn nông thôn và ven biển.
Sau khi ăn trộm hàng hóa, các nữ đạo chích sẽ chất chiến lợi phẩm lên những chiếc xe ô tô do thành viên băng “Con voi và Lâu đài” điều khiển còn họ sẽ nhảy lên những chiếc xe phân khối lớn, giả vờ tháo chạy để đánh lạc hướng cảnh sát. Nếu bị bắt, họ vẫn được coi là trong sạch.
Còn nếu ra tay ở các thị trấn nhỏ, họ sẽ chất đống hàng hóa vào các vali rỗng ở nhà ga và cắt cử người của băng đảng nam đưa về thủ đô.
Bằng trực giác, Alice hiểu rằng phong cách thời trang có ảnh hưởng đến cơ hội thành công của họ. Do đó, dưới thời của “nữ hoàng” 20 tuổi, các thành viên băng đảng gây ấn tượng với những bộ trang phục sang trọng, hợp thời trang. Sự chú ý của giới truyền thông tăng lên theo những khoản tiền mà họ kiếm được từ việc ăn trộm.
Alice đã tái tổ chức băng đảng một cách hiệu quả bằng cách chia các thành viên theo từng tổ, đội như hàng ngũ của quân đội. Điều này giúp họ có thể mở rộng cùng lúc hoạt động ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố, làm phân tán lực lượng của cảnh sát và đẩy những chủ cửa hàng vào thế bị động.
Alice cũng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, trong đó nêu rõ về trách nhiệm của mỗi thành viên, quy định chi tiết về việc chia tiền từ các phi vụ trộm cắp, xây dựng bằng chứng ngoại phạm cho nhau. Thậm chí, cô ta còn đề ra quy định “các thành viên không được mồi chài bạn trai hoặc chồng của đồng bọn” để băng nhóm hoạt động luôn chuyên nghiệp nhất.
Ngoài ra, bộ quy tắc cũng giúp đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho các thành viên, trong đó có điều khoản khi một người bị bắt, cả băng nhóm có trách nhiệm chăm sóc cho gia đình cô ta. Mỗi thành viên cũng phải đóng quỹ nhóm theo tháng để hỗ trợ các thành viên gặp khó khăn, trả tiền cho luật sư và bồi đắp lối sống xa hoa.
Không chỉ nguyên tắc, Alice là một người rất tàn nhẫn. Cô ta yêu cầu các thành viên trung thành đến tuyệt đối. Bất cứ ai toan tính giữ đồ ăn trộm cho riêng mình sẽ bị xử lý theo quy định. Nhẹ là cảnh cáo còn nặng sẽ bị đánh đập dã man.
Bất cứ ai xâm phạm vào địa bàn hoạt động của “Bốn mươi con voi”, cô ta cho phép các thành viên băng đảng đánh đập, hành hạ họ để răn đe. Nếu không muốn bị “dằn mặt”, những tên cướp khác phải trích phần trăm từ số tiền cướp bóc và cống nạp cho băng đảng.
Thời kỳ đó, băng đảng là đề tài bất tận cho các phương tiện truyền thông, đưa các cô gái trở thành huyền thoại suốt hơn 100 năm. Nhiều đối thủ ngoài London đánh giá thấp “Bốn mươi con voi”, cho rằng họ chỉ là những cô gái mặt hoa da phấn yếu ớt, chỉ biết tiệc tùng, ăn diện lộng lẫy. Chỉ những nạn nhân của băng đảng mới biết đằng sau vẻ xinh đẹp này là những con người độc ác, tàn bạo đến nhường nào.
“Bốn mươi con voi” đã tạo nên hình ảnh về một băng nhóm mạnh mẽ, đầy nữ quyền nhưng cũng gắn liền với vô số tai tiếng. Từ những vụ cướp tay không, Alice đã tăng cường mua vũ khí, sắm ô tô tốc độ cao, chống đạn nhằm mở rộng quy mô của các phi vụ. Họ thậm chí nhắm đến các cửa hàng ở xa Conventry và Liverpool.
Tuy nhiên, khi băng đảng ngày một bành trướng, Alice cũng ngày càng thể hiện sự độc đoán khi cấm các thành viên kết hôn với người đàn ông không được cô ta chấp thuận. Năm 1925, khi một thành viên quyết tâm làm trái quy định này, Alice đã dẫn theo băng đảng đến tấn công đôi vợ chồng mới cưới và khiến họ suýt mất mạng.
Vì vậy, Alice bị kết án 18 tháng tù. Trong thời gian này, băng đảng đã tìm một người mới kế vị. Sau khi Alice ra tù, cô ta chuyển sang quản lý một nhà thổ, đồng thời dạy dỗ các mánh khóe cho những tên trộm trẻ tuổi.
Một trong những “học trò” của cô ta là Shirley Pitts, sau này trở thành người nắm quyền “Bốn mươi con voi” vào những năm 1960. Tuy nhiên từ khi Alice rời ngôi “nữ hoàng”, đế chế này đã suy yếu đáng kể và chính thức tan rã sau cái chết của Shirley Pitts.
Dù nhiều năm đã trôi qua, “Bốn mươi con voi” đã hoàn toàn biến mất, băng đảng này vẫn được công nhận là một trong những tổ chức tội phạm khét tiếng và tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Các tên tuổi như Mary Carr hay Alice Diamond vẫn được đánh giá cao về nhan sắc, khả năng lãnh đạo và tính cương quyết.
Câu chuyện về băng cướp này đã truyền cảm hứng cho loạt phim truyền hình tội phạm “Peaky Blinders” (tạm dịch: Bóng ma Anh quốc).