Dân Việt

Trào lưu thay da hóa học trên TikTok ẩn chứa nhiều mối nguy hại

Theo Phương Hà 08/04/2023 14:16 GMT+7
Thay da bằng phenol, hóa chất thay da mạnh nhất hiện nay, đang lan truyền mạnh mẽ trên TikTok. Ngoài tác dụng nhanh chóng, nó có thể khiến bạn bị sẹo, thậm chí rối loạn nhịp tim.


Trào lưu thay da hóa học trên TikTok ẩn chứa nhiều mối nguy hại - Ảnh 1.

Phương pháp thay da hóa học ngày càng phổ biến. Ảnh: iStock.

Điều quan trọng khi chăm sóc da chính là giữ thói quen đều đặn và thoa nhiều kem chống nắng. Nhưng để có được làn da như mong muốn, mọi người có thể mất rất nhiều thời gian. Do đó, nhiều người đã tìm đến các phương pháp tác động mạnh mẽ hơn.

Insider cho biết gần đây, trên TikTok, chủ đề thay da bằng phenol đã thu hút hơn 90 triệu lượt xem vì khả năng khôi phục trạng thái gốc cho làn da.

Trong các video, các bác sĩ da liễu loại bỏ một lớp da đóng vảy trên mặt bệnh nhân, để lộ lớp da non đỏ bên dưới. Người xem không chỉ sốc khi thấy quy trình thực hiện mà còn bất ngờ trước kết quả của phương pháp này. Các bức ảnh trước và sau cho thấy khuôn mặt săn chắc hơn đáng kể, các vết thâm, nám và nếp nhăn cũng biến mất.

Thay da hóa học hiệu quả trong một lần

Phenol là loại hóa chất lột da mạnh nhất hiện nay. Theo tiến sĩ Anthony Youn, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Troy, Michigan, thay da bằng phenol đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ. Nó sẽ khiến các lớp trên của da bong ra.

Ông nói: "Bằng cách này, các nếp nhăn và thâm nám giảm đi và làn da trông căng hơn. Không giống như các phương pháp thay da hóa học khác, lột da bằng phenol có thể mất vài tuần để phục hồi nhưng sẽ mang lại kết quả chỉ sau một lần thực hiện".

Rủi ro đi kèm

Theo bác sĩ Youn, những rủi ro phổ biến của phương pháp thay da với phenol bao gồm: Sẹo, các vấn đề về sắc tố, nhiễm trùng và mụn rộp. Tuy nhiên, ông cho biết rủi ro lớn nhất là rối loạn nhịp tim, về mặt lý thuyết, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.

Ông nói phenol là một chất bào mòn da nên nó có thể gây ra rối loạn nhịp tim nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác cho hiện tượng này.

Một số bác sĩ da liễu thậm chí còn sử dụng các thiết bị theo dõi tim khi thay da. Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp là những người dễ mắc chứng loạn nhịp tim nhất khi thay da bằng phenol.

Các phương pháp an toàn hơn

Nhiều bác sĩ da liễu, bao gồm bác sĩ Youn, không cung cấp dịch vụ thay da bằng phenol và lựa chọn những cách thay da hóa học an toàn hơn.

Ông Youn khuyến nghị mọi người thử những phương pháp thay da với hóa chất có độ sâu vừa phải như axit trichloroacetic (TCA).

Ông nói: "Cách này an toàn hơn nhưng mọi người thường phải thực hiện phương pháp này nhiều lần để đạt được kết quả tương tự một lần sử dụng phenol".

Đối với những người vẫn muốn thay da bằng phenol, ông nhấn mạnh rằng mọi người cần tìm kiếm bác sĩ da liễu thẩm mỹ hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được chứng nhận bởi hội đồng quản trị, người có nhiều kinh nghiệm thay da với phenol.