Sự việc diễn viên Ngọc Lan livestream lên Facebook khóc nức nở trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ kéo theo sự chú ý của dư luận những ngày qua.
Theo nữ diễn viên, nhân viên tư vấn đã mập mờ trong việc bán bảo hiểm, bản thân cô cũng không đọc kỹ nên giờ mới "té ngửa" khi biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm.
Câu chuyện kéo theo sự quan tâm của nhiều người về nhân lực trong ngành bảo hiểm được đào tạo ra sao, để dẫn tới sự việc "tư vấn bán bảo hiểm không có tâm" kể trên.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đến nay, rất hiếm trường đại học đào tạo ngành bảo hiểm độc lập, bảo hiểm phần lớn mới chỉ dừng lại ở môn học hoặc chuyên ngành.
Tại TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM là nơi hiếm hoi đào tạo ngành Bảo hiểm. Chương trình Bảo hiểm tại trường được đào tạo ở bậc cử nhân từ năm 1986. Hiện nay, trường áp dụng tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07 cho ngành Bảo hiểm.
Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM thông tin, chương trình đào tạo ngành bảo hiểm, không chỉ đơn thuần là huấn luyện một người đi bán bảo hiểm hay xử lý công việc nghiệp vụ chuyên ngành mà còn cung cấp cho người học kiến thức nền tảng về quản trị tài chính, về đầu tư.
Đại diện trường cho biết, đa số sinh viên thực tập (tỷ lệ hơn 90%) được giữ lại làm việc tại doanh nghiệp sau thời gian thực tập.
Trường đào tạo gần 60 ngành nghề đa lĩnh vực nhưng bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết đến nay HUTECH chưa đào tạo ngành nào liên quan trực tiếp đến bảo hiểm, trong phân chia chuyên ngành cũng không có bảo hiểm. Chỉ có sinh viên khối ngành kinh tế - quản trị có những học phần/môn học liên quan đến bảo hiểm.
Tương tự, nhiều trường khác như Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Văn Lang, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Hoa Sen... đều không đào tạo ngành bảo hiểm.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF) cho hay, trường chưa đào tạo ngành Bảo hiểm độc lập nhưng có chuyên ngành bảo hiểm nằm trong ngành tài chính - ngân hàng. Sinh viên sẽ được tư vấn và lựa chọn chuyên ngành vào năm thứ 2 sau khi tiếp cận các môn học có sở ngành và tiếng Anh.
Trường tuyển sinh ngành này theo 4 phương thức năm 2023 gồm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, xét tuyển bằng điểm học bạ (03 học kỳ, tổ hợp 3 môn lớp 12).
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ, trường đào tạo chuyên ngành tài chính bảo hiểm và đầu tư nằm trong ngành tài chính ngân hàng.
Tuy nhiên, bà Phụng cho biết, chuyên ngành tài chính bảo hiểm và đầu tư của trường không thiên về hoạt động bảo hiểm nhân thọ. Chuyên ngành này tập trung vào quản trị rủi ro doanh nghiệp, hoạt động đầu tư tài chính, hoạch định các chính sách...
Là trường đào tạo chuyên ngành về kinh tế, tài chính nhưng đến nay Trường ĐH Ngân hàng TPHCM vẫn "trắng" ngành chuyên ngành về bảo hiểm.
Trao đổi với PV Dân trí, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, Bảo hiểm tại trường chỉ mới dừng lại ở môn học, chưa đào tạo riêng về ngành bảo hiểm.
Trường có chuyên ngành tài chính định lượng và quản lý rủi ro thuộc ngành tài chính ngân hàng. Trong đó, có môn định phí bảo hiểm giúp cho sinh viên trang bị thêm kiến thức.
Trước thực trạng nguồn nhân lực trong ngành bảo hiểm đang có nhiều vấn đề, ThS Nguyễn Anh Vũ bày tỏ, về mặt quy mô, số lượng của các doanh nghiệp bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Theo xu hướng phát triển xã hội, nhu cầu về bảo hiểm của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn.
Nhu cầu là vậy nhưng việc đào tạo nhân lực về bảo hiểm trong các trường đại học không theo kịp tốc độ phát triển. Hầu hết các trường chưa có ngành bảo hiểm riêng để trang bị kiến thức toàn diện hơn cho người học cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn kinh doanh trong ngành bảo hiểm.
Theo kết quả đánh giá uy tín của các công ty bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện, có đến 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân sự. Đáng chú ý, 40% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát có tỷ lệ nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành bảo hiểm chỉ dưới 10%.