Thịt vịt là thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như luộc vịt hoặc nướng. Tuy dễ ăn, dễ nấu nhưng trên loại thịt này lại có một mùi hôi rất đặc trưng. Để tránh ảnh hưởng tới hương vị chung của món ăn người nấu phải sơ chế thật cẩn thận.
Để khử mùi hôi của thịt vịt người ta thường dùng một số loại gia vị quen thuộc như: Muối, chanh/giấm, gừng, rượu gạo…
1. Khử mùi hôi của vịt bằng gừng
Có thể bạn đã biết, một trong những tuyệt chiêu khử mùi hôi trên vịt vô cùng hiệu quả đó là sử dụng gừng tươi.
Trước tiên, hãy rửa vịt thật sạch sau đó bỏ vào đây 1 vài lát gừng đập dập, rượu gạo cùng 1 chút muối hạt. Dùng tay chà xát các nguyên liệu từ ngoài vào trong con vịt.
Để vịt khoảng 30 phút thì bạn đem rửa thật sạch sau đó mới đem đi luộc hoặc chế biến các món ăn khác. Lưu ý, khi luộc thịt vịt, hãy bỏ vào đây 1 miếng gừng tươi nhé. Gừng sẽ giúp thịt vịt thơm mà không bị hôi, tanh.
2. Dùng chanh
Nếu trong nhà không sẵn gừng thì đừng lo bạn có thể dùng chanh hoặc giấm để thay thế nhé. Lượng axit có trong nước cốt chanh sẽ giúp lấy đi toàn bộ mùi hôi đồng thời giúp cho miếng thịt vịt mềm, ngon hơn.
Cách làm như sau, bạn thái chanh thành từng lát mỏng rồi chà xát trực tiếp lên bề mặt của thịt vịt. Thực hiện liên tục trong 15 phút rồi rửa lại thịt vịt với nước sạch là được.
Ngoài ra, bạn có thể pha nước cốt chanh cùng với muối hạt, nước lã rồi cho vịt vào ngâm khoảng 30 phút. Mùi hôi cũng như máu thừa trong vịt được hút hết sạch, nhờ vậy mà thịt vịt sẽ thơm và hết sạch mùi tanh.
3. Cắt bỏ phao câu
Thủ phạm chính khiến cho thịt vịt có mùi hôi chính là phần phao câu. Vì thế, khi làm sạch vịt bạn nhớ cắt bỏ phần này đi nhé.
Thịt vịt sau khi đã được sơ chế cẩn thận là có thể mang đi chế biến. Có nhiều món ngon từ thịt vịt như: Vịt xáo măng, vịt nấu chao, vịt nướng, vịt rang riềng… Trong đó món quốc dân được nhiều người yêu thích là vịt luộc.
- Vịt: 1 con (1.5 - 2kg)
- Ngũ vị hương: 2 thìa cà phê
- Hành
- Hoa hồi: 1 cái
- Hạt tiêu: 2 thìa cà phê
- Muối ăn: 55g
- Rượu gạo: 2 thìa canh
- Gừng: 5 miếng
1. Thịt vịt mua về bạn đem rửa thật sạch với nước cốt chanh và muối sau đó dùng giấy thấm hết phần nước bám trên bề mặt.
2. Trộn đều 40g muối hạt, 2 thìa cà phê ngũ vị hương, 2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 chút hạt nêm rồi rắc lên trên bề mặt thịt vịt và khoang bụng, dùng tay chà xát thật kỹ để thịt ngấm gia vị. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín thịt vịt rồi để trong ngăn mát tủ lạnh 8 tiếng.
3. Cho hành lá, gừng thái lát, 2 thìa canh rượu gạo cùng nước lã vào nồi. Đun sôi thì cho vịt đã ướp ở bước 2 vào luộc.
Nước sôi lần thứ 2 thì bạn cho 15g muối vào. Vặn lửa nhỏ rồi đậy vung đun khoảng 20 phút. Lúc này cho hoa hồi vào để tăng hương vị của thịt vịt. Lưu ý, nếu không có hoa hồi thì có thể bỏ qua nhé.
4. Dùng thìa hớt đi toàn bộ phần bọt nâu nổi trên bề mặt nồi thịt vịt. Thời gian luộc thịt vịt chín là khoảng 20 - 25 phút.
5. Dùng đũa xiên nhẹ vào thịt vịt, khi rút đũa ra không thấy nước đó thì thịt vịt đã chín. Lúc này bạn vớt thịt ra đĩa và để cho thật nguội. Có thể quết lên da vịt 1 lớp dầu mè mỏng để tăng độ bóng đẹp.
6. Thịt vịt nguội bạn đem chặt thành từng miếng vừa ăn rồi dọn lên mâm thưởng thức.
Hãy xếp phần chân, cổ, cánh vịt ở bên dưới sau đó xếp lườn vịt được chặt miếng vuông vức lên trên, như thế trông sẽ đẹp mắt hơn.