Bộ đội Việt Nam dùng vũ khí gì trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám?
PV
15/04/2023 08:30 GMT+7
Trong thời điểm làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, bộ đội ta với nòng cốt là Việt Nam Giải phóng quân đã chỉ đạo, phối hợp cùng quần chúng nhân dân đấu tranh với những vũ khí rất thô sơ.
Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là một mốc son chói lọi hay còn được biết đến với tên gọi là cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại với thành công vẻ vang, đánh đổ chính quyền đế quốc - thực dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ đội ta với nòng cốt lực lượng tham gia là Việt Nam Giải phóng quân cùng quần chúng nhân dân hưởng ứng đông đảo đã làm nên chiến thắng vĩ đại. Ít ai biết rằng, tại thời điểm đó, bộ đội ta chỉ có trong tay những vũ khí vô cùng thô sơ. Ảnh: Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Minh tổ chức ngày 19/8/1945 tại Nhà hát lớn Hà Nội - Tư liệu.
Việt Nam Giải phóng quân là sự hợp nhất của các đơn vị Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân cùng một số đơn vị du kích nhỏ lẻ, tạo thành một lực lượng quân sự thống nhất vào ngày 15/5/1945, chỉ 3 tháng trước khi cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra. Trong đó, nòng cốt của lực lượng là đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 theo chỉ thị của Bác Hồ, với chỉ 34 đội viên ban đầu và những vũ khí thô sơ, thiếu thốn. Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Tư liệu.
Đội với trang bị ban đầu gồm chỉ gồm 2 súng ngắn, 17 súng trường và 14 mã tấu. Sau trận ra quân đầu tiên, tiêu diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần ở tỉnh Cao Bằng vào cuối tháng 12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã nâng quân số lên cấp đại đội, đồng thời tịch thu được số lượng vũ khí của quân Pháp. Ảnh: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân những ngày đầu thành lập - Tư liệu.
Dẫu vậy, khi lực lượng OSS Mỹ cử Biệt đội Con Nai (The Deer Team) vào giữa tháng 7/1945 tới Tân Trào để giúp Bác Hồ huấn luyện bộ đội chống phá Phát Xít Nhật, họ đã thực sự bất ngờ với đội du kích của ta vì trang bị quá lạc hậu, với toàn những súng hỏa mai thô sơ và số lượng ít vũ khí thu được từ quân Pháp. Người Mỹ quyết định viện trợ cho Việt Nam một số lượng nhỏ vũ khí bao gồm súng trường M1, Bazooka, súng cối M2 60mm và một số súng máy hạng nhẹ đủ để trang bị cho một đội 80 người. Đây là những vốn liếng vô cùng quý báu của bộ đội ta thời bấy giờ. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cán bộ chiến sĩ ta chụp hình lưu niệm cùng sĩ quan của Biệt đội Con Nai - Mỹ - Tư liệu.
Phải nói rằng, những vũ khí mới này là vô cùng cần kíp, quý giá và hiện đại bậc nhất của bộ đội ta thời điểm bấy giờ. Sĩ quan Mỹ từng kể rằng: “Người Việt rất háo hức và học được cách tháo lắp súng trường M1 chỉ sau ít giờ đồng hồ”. Ảnh: Bộ đội Việt Nam huấn luyện với súng trường M1 của Mỹ cung cấp tại Tân Trào - Tư liệu.
Súng trường bán tự động M1 Garand là vũ khí trang bị phổ biến cho binh sĩ quân đội Hoa Kỳ, phục vụ từ năm 1936 và là biểu tượng của nước Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Súng do John Garand thiết kế và được sử dụng để thay thế hai mẫu súng trường M1903 Springfield và M1917 Enfield. Súng sử dụng một kẹp đạn với 8 viên có thể sử dụng hai loại đạn là 7.62x63mm và 7.62x51mm NATO (.308 Winchester) và được sản xuất với số lượng rất lớn, được sử dụng bởi cả Mỹ và Đồng minh. Ảnh: Súng trường M1 Garand của Mỹ.
Súng cối hạng nhẹ M2 60mm là mẫu súng cối phổ biến của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2, là vũ khí hỗ nhẹ bộ binh hạng nhẹ tiêu chuẩn cấp đại đội. Súng sử dụng đạn cối cỡ 60mm với nhiều loại khác nhau như đạn nổ trùm, đạn HE, đạn khói phốt pho, đạn chiếu sáng,… Chúng đặc biệt được ưu thích vì dễ vận hành, nhẹ nhàng trong việc mang vác. Ảnh: Lính Mỹ vận hành cối hạng nhẹ M2 60mm - Tư liệu.
Và vũ khí có sức công phá mạnh nhất, quý giá nhất được Mỹ cung cấp cho bộ đội Việt Minh trước Cách mạng là súng Bazooka chuyên dùng để chống xe tăng, xe thiết giáp, boong ke, lô cốt,… của địch. Và cũng từ những nguyên mẫu mà Mỹ cho ta này, sang năm 1946 được giáo sư Trần Đại Nghĩa và cán bộ chiến sĩ Quân giới dựa vào, chế tạo có sức mạnh tương đương với súng của Mỹ, tạo bước đột phá rất lớn cho quân đội nước nhà trong Kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Lính Mỹ sử dụng súng Bazooka.
Với những vũ khí bước đầu còn thô sơ, thiếu thốn, những người chiến sĩ của ta đã gan dạ, dũng cảm, kiên cường, cùng quần chúng nhân dân đấu tranh, tước vũ khí giặc, chớp lấy thời cơ, đạp đổ ách thực dân - phong kiến kìm kẹp nước ta bấy lâu nay. Đây là một chiến công vô cùng to lớn, tuyệt vời mà những người làm Cách mạng Việt Nam trong những năm đầu lập quốc còn nhiều thiếu thốn trăm bề, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu và hi sinh. Ảnh: Quần chúng nhân dân và lực lượng Cách mạng tiến vào Dinh Khâm sai tại Hà Nội trong mùa thu lịch sử năm 1945 - Tư liệu.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lực lượng Việt Nam Giải phóng quân còn phải đối đầu với những thử thách cam go, khốc liệt hơn đó là bảo vệ chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập, đấu tranh chống lại các thế lực phản động, thù địch, cũng như các lực lượng ngoại bang vẫn đang dòm ngó nước ta. Trước tình hình căng thẳng đó, bộ đội ta không một giây lơ là mất cảnh giác trước bất cứ tình huống nào. Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình Việt Nam Giải phóng quân tại Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám, có thể thấy bộ đội ta trang bị nhiều loại súng trường khác nhau - Tư liệu.
Sự cảnh giác cao độ của những chiến sĩ đặc vụ cận vệ trong bức ảnh này, họ trên tay với những khẩu súng lục ổ xoay luôn quan sát xung quanh nhằm bảo vệ an toàn cho Bác Hồ và Cán bộ Chính phủ ta trong ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ngoài ra, lực lượng ta cũng chốt giữ, canh gác các điểm cao xung quanh quảng trường. Ảnh: Chiến sĩ cận vệ bảo vệ lễ đài trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập - Tư liệu.
Có thể nói rằng, dù cho điều kiện vào những năm đầu mới thành lập lực lượng là vô cùng khó khăn, trở ngại nặng nề, nhưng cùng với đó, người cán bộ chiến sĩ của Việt Nam Giải phóng quân, mà sau này là Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không quản ngại gian khổ, thà hi sinh chứ quyết không chịu làm nô lệ, mang trong mình một tinh thần yêu nước cao cả, đáng ngưỡng mộ của người chiến sĩ Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Cuộc mít tinh biểu dương lực lượng tại Nhà hát lớn Hà Nội, Mùa thu năm 1945. Có thể thấy người chiến sĩ Giải phóng với những khẩu súng trường sau lưng - Tư liệu.
Sau gần 76 năm xây dựng và trưởng thành, từ đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với quân số chỉ 34 người và vũ khí thô sơ, đến nay Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển vô cùng lớn mạnh, có đầy đủ lực lượng Hải - Lục - Không quân, với vũ khí hiện đại, đông đảo, sức chiến đấu cao, sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Họ chính là những lớp hậu thế kế cận xứng đáng cho những người chiến sĩ Cách mạng trong mùa thu năm 1945 lịch sử, viết tiếp những mốc son chói lọi cho trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.