Phát triển du lịch văn hóa là một trong những hướng đi để phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm. Người làm du lịch biết kết hợp, sáng tạo giữa di sản văn hóa và hành trình trải nghiệm để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài, đồng thời đây cũng là cách để mỗi người làm du lịch có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ phát triển và lan tỏa di sản văn hóa Việt Nam.
Theo đó, tại "Diễn đàn Du lịch năm 2023 - Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam", ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch và văn hóa ngày càng có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, bảo quản, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhiều làng nghề truyền thống được chấn hưng và phục hồi. Ngược lại, nhờ vào nền tảng văn hóa, là các di sản, di tích, lễ hội… hoạt động du lịch ngày càng hấp dẫn du khách.
Còn ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch thì cho biết, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.
Bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Công ty Du lịch SGO Travel chia sẻ: "Hiện nay nhu cầu của du khách ngày càng cao, đòi hỏi nhiều ở nội dung của những chuyến du lịch chứ không đơn thuần chỉ là cảnh đẹp ở điểm đến, trong khi Việt Nam có quá nhiều chất liệu văn hoá ở khắp mọi miền đất nước như lịch sử, nghệ thuật, danh nhân, phong tục ... để người làm du lịch văn hoá chỉ việc kể ra những câu chuyện gắn với điểm đến, kết nối nhiều câu chuyện của từng điểm đến trong hành trình, mang lại, tạo ra trải nghiệm thực tế, đưa nghệ thuật biểu diễn vào sản phẩm du lịch".
Cho biết thêm tiềm năng trong phát triển du lịch văn hóa bà Lê Thị Thu Trang nói: "Bản thân các chất liệu đều là những sản phẩm của văn hoá như từ một di tích được cấp hạng Quốc Gia đặc biệt; Một danh nhân văn hoá thế giới; Một làn điệu dân ca; Một lễ hội truyền thống; Một làng nghề; Một con đường; Một chiếc nón…Tất cả đều chứa trong mình những câu chuyện để người làm du lịch có thể khai thác".
Chia sẻ về mối liên kết giữa văn hóa và du lịch, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế du lịch của di sản văn hóa truyền thống để tạo động lực cho phát triển và giá trị văn hóa truyền thống cần được nhìn nhận một cách xác đáng như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát triển để làm sao tạo nguồn lực nội sinh, đưa di sản văn hóa vào sản phẩm du lịch.
Nhấn mạnh thêm theo TS. Phan Thanh Hải, vẫn biết cần bảo tồn di sản văn hóa nhưng cũng không nên lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng để phát triển các loại hình du du lịch, dịch vụ.
Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp lữ hành đã đưa văn hóa truyền thống vào sản phẩm du lịch, lấy văn hóa làm cốt lõi để phát triển du lịch và mang lại lợi ích kinh tế, tạo sức hấp dẫn cho du khách trong nước và du khách nước ngoài.
Chia sẻ điều này, bà Lê Thị Thu Trang cho biết, du lịch Bắc Giang khởi sắc trong 2 năm trở lại đây, khi phát triển nhiều dòng sản phẩm du lịch văn hóa. Hiện, các sản phẩm du lịch kết nối Hà Nội - Bắc Giang với các tour: Tây Yên Tử, khám phá miệt vườn và làng nghề, thử làm người quan họ… đang được nhiều du khách quan tâm và mua tour trải nghiệm.
Là điểm đến thành công với sản phẩm du lịch văn hóa, bà Nguyễn Thị Định - Phó Trưởng phòng Giáo dục, công chúng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) cho hay, từ năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp Công ty Du lịch bền vững Vgreen xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa như: Tour caravan "Tây Bắc - Mùa ban nở", tour caravan "Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất tổ", tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội", tour ngắm hoa gạo tháng 3…
Hay như đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An", "Áo dài", "Tinh hoa Bắc bộ", "Múa rối nước", "À Ố Show"... Các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Có thể thấy sự kết hợp mật thiết giữa văn hóa và du lịch không chỉ là tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, lan tỏa bản sắc văn hóa mà còn định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.