Dân Việt

Nhà báo Dương Thành Truyền: Đọc sách để lại gì?

Diệu Thuỳ 16/04/2023 10:39 GMT+7
"Đọc sách rất thú vị. Đọc sách khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn. Nhưng đọc là một việc cá nhân, không phải là phong trào. Mỗi người sẽ có một cuốn sách của riêng mình, mỗi người sẽ phải tìm ra cuốn sách của chính mình"
Nhà báo Dương Thành Truyền: Đọc sách để lại gì? - Ảnh 1.

Tác giả Dương Thành Truyền (giữa) chụp ảnh lưu niệm với các độc giả yêu thích. Ảnh: Diệu Thuỳ

"Đọc sách rất thú vị. Đọc sách khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn. Nhưng đọc là một việc cá nhân, không phải là phong trào. Mỗi người sẽ có một cuốn sách của riêng mình, mỗi người sẽ phải tìm ra cuốn sách của chính mình", Dương Thành Truyền chia sẻ với người đọc tại buổi giới thiệu cuốn tạp văn mới nhất của ông - Bắt đầu bằng để lại - trong một ngày giữa tháng 4, tháng của Ngày sách Việt Nam.

Cuốn tạp văn Bắt đầu bằng để lại gồm 36 bài, được bố cục thành 3 phần: Chuyện đời, Chuyện sách và Chuyện người

Nhà báo Dương Thành Truyền: Đọc sách để lại gì? - Ảnh 2.

Bìa cuốn tạp văn Bắt đầu bằng để lại

Cuốn sách tập họp những bài viết tản mạn của tác giả về những khía cạnh thú vị của ngôn ngữ, những địa danh và quan sát văn hóa trong đời sống, cũng có thể là những lát cắt qua cuộc đời của mỗi nhân vật. Trong Bắt đầu bằng để lại có câu chuyện của nhiều người: là cha, mẹ, đồng nghiệp, những con người bình thường hay nổi tiếng, những bối cảnh bình thường và bất thường mà tác giả đã trải qua.

Nhà báo Dương Thành Truyền: Đọc sách để lại gì? - Ảnh 3.

Độc giả Trịnh Phương đến từ Bến Tre: "Dương Thành Truyền có xu hướng tích cực hoá những chuyện nặng nề, những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống". Ảnh: D.T

Dương Thành Truyền cho biết, ông viết Bắt đầu bằng để lại không phải vì mục đích gì cao cả, xa xôi, chỉ là muốn có chút kỷ niệm với những nơi mình đã qua, những người mình đã gặp, những chuyện từng trải... Kể lại, cho ai đó muốn trải nghiệm, muốn nghe vài câu chuyện thú vị trong đời.

Nhưng đằng sau mỗi bài viết, dù rất ngắn, luôn chứa đựng một ý nghĩa, một thông điệp khiến ta phải suy ngẫm, để xót xa ngậm ngùi hay bật cười vì nét hóm hỉnh của ngôn từ. 

Nhà báo Dương Thành Truyền: Đọc sách để lại gì? - Ảnh 4.

Nhà giáo Nguyễn Hùng Hai từ Cần Giuộc - người "đọc sách chuyên nghiệp", có cả bộ sưu tập sách và tất cả các bài báo của nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền. Ảnh: D.T

Như tác giả giải thích cho tựa đề cuốn sách của mình: "Cuốn tạp văn này chỉ là những câu chuyện mà tôi ghi lại, chép lại từ những gì mà người khác đã để lại cho cuộc đời". Người khác đó có thể là là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là chị Yến văn thư hàng chục năm ở văn phòng Thành Đoàn được nhiều người yêu mến, hay một cái cây trên đỉnh Bạch Mã…

"Nhiều khi một điều rất nhỏ ta để lại cũng có thể đánh thức tâm hồn con người, một lúc nào đó, nơi nào đó. Và điều đó gợi ra cho ta một cách nghĩ, thậm chí là một cách sống, thúc đẩy mình sống khác, sống tốt hơn", ông Truyền chia sẻ.

Nhà báo Dương Thành Truyền: Đọc sách để lại gì? - Ảnh 5.

Tác giả Dương Thành Truyền nhận hoa chúc mừng của Tổng Biên tập NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam. Ảnh: D.T

Một số độc giả nhận xét, "văn phong của tác giả rất hài hước, anh có xu hướng tích cực hoá những chuyện nặng nề, những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống" (Trịnh Phương đến từ Bến Tre). Nhưng "đọc xong Dương Thành Truyền, ta luôn luôn thấy đọng lại một cái gì đó, và mình tiếp tục suy nghĩ về điều đó khiến cho mình cần đọc lại. Mỗi lần đọc lại phát sinh thêm điều mới mẻ" (Lại Thị Hạnh - Giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Sau hết, bỏ qua một Dương Thành Truyền hóm hỉnh hài hước, ngôn từ chắt lọc của  một người từng làm công việc giảng dạy, làm báo… người đọc rất dễ bắt gặp bản thân mình trong mỗi câu chuyện, lát cắt của đời sống. 

Không có ý định rao giảng hay "đao to búa lớn", với Bắt đầu bằng để lại, tác giả chỉ đơn giản muốn "bạn đọc sẽ được chiêm ngưỡng, bật cười hay trầm ngâm theo lát cắt cuộc đời của những con người sinh ra và bắt đầu bằng để lại…".

Bắt đầu bằng để lại là cuốn sách thứ 6 của nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường). Những tác phẩm trước đó của anh là Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút, 1997), Chuyện gái trai (tạp văn, 2000), Trên đường về nhớ đầy (du ký, 2015), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm, 2017) và Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo (chuyên khảo, 2017).