Clip: Ngập tràn trang phục Mông Cổ check-in khu du lịch Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai).
Những cửa hàng cho thuê trang phục nước ngoài mọc lên ngày càng nhiều. Nguyên con đường nối đến khu du lịch Cát Cát, thị xã Sa Pa đã có gần 20 cửa hàng cho thuê trang phục. Mức giá cho thuê dao động từ 150.000 tới 400.000 đồng/bộ đối với trang phục Tây Tạng hay Thái Lan..., tuỳ theo nhu cầu của du khách.
Kèm theo đó là các dịch vụ trang điểm, làm tóc để giống những phụ nữ Mông Cổ, Tây Tạng cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hầu hết, các cửa hàng cho thuê trang phục tại đây khi được cơ quan chức năng kiểm tra đều không xác định được rõ nguồn gốc xuất xứ của những trang phục này.
Chị Nguyễn Thị Huệ, chủ một cửa hàng kinh doanh thổ cẩm tại khu vực đường xuống khu du lịch Cát Cát, thị xã Sa Pa cho biết: "Do nhu cầu của du khách tăng cao, chúng tôi nhập những bộ trang phục này đều có người giao sỉ đến tận nơi để đáp ứng nhu cầu của du khách."
Du khách Võ Thúy Linh Đan, một bạn trẻ đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Bởi vì thấy những bộ trang phục rất xinh, phù hợp với khung cảnh ở đây và những bộ trang phục này không phải trang phục truyền thống các dân tộc của Sa Pa."
Hiện nay, trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về hiện tượng sử dụng trang phục Mông Cổ, Tây Tạng hay Thái Lan... tại Sa Pa. Hơn nữa, khi những hình ảnh check in ngập tràn mạng xã hội với những trang phục như vậy nhiều người đã lầm tưởng điểm du lịch Cát Cát là Tây Tạng, là Mông Cổ, là Thái Lan...
Khu du lịch quốc gia Sa Pa với bề dày 120 năm hình thành và phát triển đã in dấu ấn của thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông, Dao, Tày, Dáy, Xa Phó mà không nơi đâu có được. Việc những trang phục nước ngoài xuất hiện ngập tràn và trở thành trào lưu của giới trẻ đã phần nào làm giảm sức tiêu thụ của thổ cẩm địa phương và những giá trị truyền thống đã có từ lâu đời.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục dân tộc Mông, một dân tộc chiếm trên 50% dân số của Sa Pa. UBND thị xã Sa Pa đã lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông đen Sa Pa.
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: "Trong thời gian tới, thị xã Sa Pa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến du khách để giới thiệu nhiều hơn nữa các sản phẩm thổ cẩm truyền thống các dân tộc Sa Pa và đưa ra các quy chế, khuyến cáo, hướng dẫn cho du khách."
Đã đến lúc Sa Pa cần trở lại với hình ảnh về một Sa Pa đẹp mộng mị trong trang phục thổ cẩm truyền thống dân tộc. Để sự phát triển của du lịch phải gắn với văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc và niềm tự hào về quê hương, xứ sở, về một Sa Pa mờ sương đã in đậm trong tâm thức của biết bao người.