Dân Việt

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và 27 đồng phạm

Nhóm PV 19/04/2023 08:17 GMT+7
Trong sáng đầu tiên diễn ra phiên tòa xử ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) và 27 đồng phạm, đông đảo người dân Quảng Ninh đã có mặt theo dõi diễn biến phiên xét xử.

Sáng nay (19/4), Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông 3 (TP.Hạ Long). 

Đáng chú ý, trong vụ án trên, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm cựu Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà kiêm  được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Hà bị truy tố 2 tội danh "tham ô tài sản"; "nhận hối lộ".

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà - Ảnh 1.

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà (đeo khẩu trang trắng) khai báo nhân thân trước tòa. Ảnh: P.V

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà - Ảnh 2.

Buổi sáng nay, phiên tòa bắt đầu bằng phần kiểm tra nhân thân của 28 bị cáo. Ảnh: P.V

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng dựng rào chắn đường vào cổng TAND tỉnh Quảng Ninh, sáng 19/4. Ảnh: Sông Bùi.

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã dựng rào chắn hai đầu đường vào TAND tỉnh; đông đảo người dân có mặt theo dõi phiên tòa từ bên ngoài cổng trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh.

Theo thông báo của Chủ tọa phiên tòa, phiên tòa sẽ diễn ra trong 6 ngày từ 19/4 - 26/4 (không làm việc ngày 23/4), trong đó có 5 ngày xét xử và ngày cuối (26/4) dành cho phần tuyên án. Do khuôn viên của phòng xét xử hạn chế, nên phiên toà có sự tham gia của một số cơ quan báo chí và được phát loa công khai cho người dân ở bên ngoài theo dõi. 

Theo ghi nhận của phóng viên, đoàn xe chở các bị cáo từ trại tạm giam tới tòa từ rất sớm, khoảng hơn 7h sáng nay, khi công tác an ninh đã được siết chặt xung quanh khu vực TAND tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ có người thân của các bị cáo, phóng viên báo chí mà còn khá đông đảo người dân ở TP Hạ Long quan tâm tới vụ án đã có mặt ở khu vực bên ngoài khuôn viên TAND tỉnh Quảng Ninh để theo dõi diễn biến phiên xét xử.

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và 27 đồng  - Ảnh 5.

Cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà được dẫn giải từ xe đặc chủng vào phòng xét xử từ sáng sớm. Ảnh: QMG

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm soát người vào TAND tỉnh Quảng Ninh, sáng 19/4. Ảnh: SB

Liên quan đến vụ việc, ngày 14/5/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 16/11/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh có quyết định bổ sung khởi tố bị can đối với ông Phạm Hồng Hà về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 2 Điều 356 và khoản 2 Điều 254 Bộ Luật Hình sự. 

Cùng ngày (16/11), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh có Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Hồng Hà, từ tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sang tội "Tham ô tài sản", quy định tại khoản 4 Điều 353 Bộ Luật Hình sự.

Những hình ảnh đầu tiên vụ xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và 27 đồng  - Ảnh 8.

Người thân của các bị cáo và người dân theo dõi phiên xử bên ngoài khuôn viên TAND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nhóm PV

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016, Sở Giao thông - Vân tải tỉnh Quảng Ninh bàn giao một số tuyến đường thủy nội địa trên vịnh Hạ Long cho Ban quản lý vịnh Hạ Long quản lý.

Sau khi tiếp nhận, Ban quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư và triển khai đấu thầu công khai các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, đầu tư, xây lắp, cung cấp, vận chuyển nước tuyến đường thủy nội địa trên vịnh Hạ Long.

Đến cuối năm 2016 đầu năm 2017, qua nắm bắt thông tin, biết Ban quản lý vịnh Hạ Long chuẩn bị tổ chức đấu thầu, Phạm Văn Phả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường sông số 3, đã nhờ Bùi Sĩ Giáp, là nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban quản lý vịnh Hạ Long, gặp ông Phạm Hồng Hà, khi đó là Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, kiêm Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, để xin thực hiện các gói thầu.

Khi gặp nhau, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà đồng ý và yêu cầu trích %. Theo đó, sau khi đi khảo sát, ông Phạm Hồng Hà yêu cầu trích lại 5% hợp đồng và 3 - 5% giá trị hợp đồng cho Bùi Sĩ Giáp.

Ngoài ra, với các gói thầu đầu tư, xây dựng lắp không bớt xén được khối lượng công việc thì trích lại 3% hợp đồng cho ông Phạm Hồng Hà; 2% cho Bùi Sĩ Giáp.

Phạm Thái Dương, nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long đã trực tiếp thực hiện các hồ sơ, cũng được trích lại 1% giá trị các hợp đồng.

Sau đó, với chiêu trò "quân xanh", từ năm 2017 - 2021, Công ty CP quản lý đường sông 3 đã ký kết 18 hợp đồng với Ban quản lý vịnh Hạ Long, với tổng giá trị hơn 69,6 tỷ đồng, gồm có 6 hợp đồng về công tác quản lý, bảo trì; 8 hợp đồng về công tác đầu tư, xây lắp và 4 hợp đồng về hoạt động cung cấp, vận chuyển nước.

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Video: Nhóm PV

Căn cứ hồ sơ, tài liệu, cơ quan điều tra xác định các bị can đã lập khống hồ sơ nghiệm thu để chiếm đoạt qua 4 hợp đồng quản lý, bảo trì là hơn 4,5 tỷ đồng.

Đối với 4 hợp đồng đầu tư, xây lắp không bớt xét được khối lượng công việc thì Công ty CP Quản lý đường sông số 3 trích lại cho 3 bị cáo Phạm Hồng Hà, Bùi Sĩ Giáp và Phạm Thái Dương là 517 triệu đồng, trong đó Phạm Hồng Hà nhận 260 triệu đồng, Bùi Sĩ Giáp nhận 170 triệu đồng, Phạm Thái Dương nhận 87 triệu đồng.

Với tỉ lệ % chia lại, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc đã 6 lần nhận hối lộ trực tiếp từ Phạm Văn Phả, với số tiền 725 triệu đồng để giúp Công ty CP Quản lý đường sông 3 trúng các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, xây lắp và bớt xén khối lượng thi công… trên tuyến đường thủy nội địa do Ban quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư. 

Bùi Sĩ Giáp bị cáo buộc đã 7 lần nhận tổng số tiền 732 triệu đồng. Phạm Thái Dương đã trực tiếp thực hiện các hồ sơ trên cũng được trích lại 1% và đã 9 nhận tổng số tiền hơn 168 triệu đồng từ lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông 3.

Với các hành vi trên, Phạm Hồng Hà và Bùi Sĩ Giáp bị đề nghị truy tố các tội "tham ô tài sản" và "nhận hối lộ", quy định tại điểm a, khoản 4, điều 353 và các điểm c, e, khoản 2 điều 354 của Bộ luật Hình sự. Phạm Thái Dương bị đề nghị truy tố các tội "tham ô tài sản" và "nhận hối lội" quy định tại điểm a, khoản 4, điều 353 và điểm a, khoản 1, điều 364.

Bị can Phạm Văn Phả và nhiều lãnh đạo, cán bộ khác của Công ty CP Quản lý đường sông số 3 bị truy tố về các tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "tham ô tài sản", quy định tại khoản 4 điều 353 Bộ luật Hình sự.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên tòa trong những bản tin tiếp theo.

Như Dân Việt đưa tin, đầu tháng 8/2022, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cựu Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long (giai đoạn 2016 - 2020).

Theo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, ông Phạm Hồng Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; làm trái quy định của nhà nước về đấu thầu, quản lý đầu tư; bản thân và một số cán bộ, nhân viên thuộc quyền bị xử lý hình sự.

Vi phạm của ông Phạm Hồng Hà đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân, giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cơ quan nơi công tác.