Sinh ra và lớn lên tại làng nghề thêu Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nghệ nhân Quản Thị Cúc (sn 1987, Hoàng Mai, Hà Nội) đã sớm có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật thêu truyền thống. Tuy vậy, chị Cúc vẫn phải mất khá nhiều thời gian để rèn luyện học hỏi thêm. Năm 2015, chị chính thức theo đuổi nghề thêu tay và tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt.
Duyên thêu tranh trên lá bồ đề đến với chị Cúc thật tình cờ khi một học viên nhờ chị hướng dẫn. Bản thân chị cũng muốn đưa nghề thêu truyền thống lên một tầm cao mới nên chị đã đi tìm chất liệu mới để sáng tạo. Và rồi chị quyết định thử sức với xương lá bồ đề.
"Lá bồ đề có độ bền rất cao, hình dáng đẹp, đặc biệt là nó chứa đựng giá trị ý nghĩa nên tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu được thêu trên lá bồ đề", chị Cúc cho hay.
Theo chị Cúc, các công đoạn thêu tranh trên lá bồ đề cơ bản giống thêu trên vải, từ tìm ý tưởng, phác họa lên giấy, vẽ mẫu lên lá rồi bắt đầu thêu. Tuy nhiên, cần phải tỉ mỉ ở khâu chọn lá. Lá bồ đề chọn để thêu phải có hình dáng đẹp, cân đối hai bên, râu thon dài. Từ lá tươi, người thợ phải rửa sạch, ngâm trong nước vôi trong 60 ngày, sau đó chải lại, giữ lại đường xương gân và phơi khô dưới nắng mặt trời.
Nói về những khó khăn khi thêu tranh trên lá, chị Cúc tâm sự: "Để thêu đẹp, có hồn như bây giờ, tôi phải khổ luyện cả một thời gian dài và đã bỏ đi không biết bao nhiêu chiếc lá vì sai sót nhỏ trong quá trình thêu. Nếu như thêu trên vải có chất liệu cứng thì mình có thể đổi sang chất liệu khác để dễ thêu hơn, nhưng thêu trên lá thì không thể thay đổi lá, mà bản thân phải thay đổi từ lực kéo đến cảm xúc khi thêu bởi tinh thần không thoải mái thì cũng dễ làm rách lá".
Trong suốt những năm qua, nghệ nhân Quản Thị Cúc đã không ngừng nghiên cứu và phát triển nghệ thuật thêu dựa trên xu hướng mới. Nếu như trước đây, chủ đề thêu của chị chỉ đơn thuần là bình hoa, cánh bướm… thì bây giờ chị đã nâng tầm chúng bằng cách sáng tạo thêm nhiều mẫu mã phong phú, đặc sắc như: chim công, chữ thư pháp, tranh uyên ương,...
Chị Cúc cho biết, thời gian hoàn thành một sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước lá và họa tiết thêu. Những sản phẩm đơn giản sẽ mất một ngày làm, còn những sản phẩm phức tạp như đôi chim công, gà trống, cá chép hóa rồng thì phải mất cả tháng để hoàn thiện.
Những chiếc lá được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa của chị Cúc không chỉ tinh tế, độc đáo mà còn giúp gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngay từ lúc vào nghề chị Cúc đã luôn tâm niệm nhất định phải lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật thủ công.
Theo đuổi nghề trong sự hội nhập và phát triển chóng mặt như hiện nay đã khó, việc giữ lửa và truyền nghề lại càng khó hơn. Chị Cúc quyết tâm mở các lớp dạy thêu với mong muốn truyền cảm hứng cũng như niềm đam mê nghề thủ công đến nhiều lứa tuổi.
"Thêu tay là kỹ thuật truyền thống đã có từ lâu đời nên hiện nay rất ít người theo đuổi. Do không được quảng bá rộng rãi nên càng ít người biết hơn. Vì thế, tôi luôn mong ước có thể lan tỏa ngành nghề truyền thống này đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ", chị Cúc bộc bạch.
Đến nay, tuy nghề thêu tay không mang đến cho chị thu nhập quá lớn nhưng những giá trị mà nó đem lại còn vượt xa hơn thế rất nhiều. Thực tế sau 7 năm giảng dạy, nghệ nhân Quản Thị Cúc đã lan tỏa tình yêu nghề và kỹ thuật thêu tay cho hơn 3000 học viên.
Chị Cúc chia sẻ, tuy bận rộn nhiều việc nhưng tình yêu của chị đối với nghề thêu chưa bao giờ dừng lại. Bản thân chị vẫn luôn duy trì các lớp học để có thể truyền lại kiến thức cho mọi người.
Là một học viên theo học chị Cúc từ tháng 12/2017, chị Thân Thị Thu Hoài (SN 1986, Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi tham gia vào lớp học của chị Cúc đến nay đã được 6 năm, trong suốt quá trình học việc, tôi luôn được chị Cúc tận tình chỉ bảo từng chi tiết nhỏ. Ở chị Cúc, tôi không chỉ học được kỹ năng thêu thùa mà còn được chị truyền lửa tình yêu với nghề. Với mọi người, chị Cúc luôn quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ không quản ngại”.
Chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội) người từng xem tranh của chị Cúc kể rằng, các tranh của chị Cúc không chỉ thể hiện sự tỉ mỉ trên từng đường kim mũi chỉ mà nó còn rất có hồn. Những tác phẩm hoàn thành đều rất đẹp, ấn tượng, toát lên sức sống tràn trề.
"Nếu chỉ nhìn bức tranh không thì khó ai đoán được người thêu đã phải tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn như thế nào. Chúng tôi mong rằng có nhiều bạn trẻ như chị Thủy học nghề, phát huy nghề thêu tay truyền thống", chị Thủy nói.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc giữ gìn và phát triển kỹ thuật thêu tay, chị Cúc đã nhận được danh hiệu Nghệ nhân bàn tay vàng năm 2019 và Nghệ nhân quốc gia năm 2022 về ngành thêu tay truyền thống. "Trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc sáng tạo, ứng dụng giúp nghề thêu tiếp cận được nhiều hơn với giới trẻ", chị Cúc cho biết thêm.