Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Cáo trạng này được ban hành sau hơn hai tuần Cơ quan an ninh Bộ Công an kết luận điều tra. Hai cựu thứ trưởng bị truy tố về tội nhận hối lộ liên quan duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay tham gia "chuyến bay giải cứu.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, đây là một vụ án hết sức nghiêm trọng, xảy ra trong tình hình dịch Covid -19 đang căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để tăng giá vé và phát sinh ra thêm nhiều chi phí khác để nhằm trục lợi bất chấp các quy định của pháp luật.
Trong số các bị can bị truy tố, có nhiều người đang là người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước. Điều này, khiến uy tín của Đảng và nhà nước Việt Nam đối với người dân bị giảm sút, là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân.
Theo Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn quyết định việc truy tố thì trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án.
Và trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định này Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng.
Kết luận vụ chuyến bay giải cứu ra ngày 3/4, cáo trạng ra 18/4. Theo luật sư Bình, dưới góc độ pháp lý thì việc ban hành cáo trạng như vậy là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật bởi căn cứ theo Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cụ thể trong vụ án này thì thời hạn quyết định truy tố là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày viện kiểm sát nhận được bản kết luận điều tra.
"Việc đưa ra bản kết luận điều tra và cáo trạng nhanh thể hiện sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc rất hiệu quả, nhanh gọn nhằm trấn an đối với người dân", luật sư Bình nói.
Luật sư Bình cho hay, để ban hành được cáo trạng một cách nhanh chóng như vậy cơ quan cảnh sát điều tra cũng như Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và đúng pháp luật.
Theo quy định tại các điều 183, 189, 190, 191, 201, 202, 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi tiến hành các hoạt động hỏi cung, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra phải báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và cử kiểm sát viên tham gia các hoạt động điều tra trên;
Cơ quan điều tra cũng phải thông báo, cung cấp cho Viện kiểm sát các tài liệu, chứng cứ thu thập được, tiến độ giải quyết vụ án hình sự, các vấn đề phức tạp phát sinh để phối hợp giải quyết; Cơ quan điều tra có trách nhiệm lập hồ sơ vụ án hình sự nhưng phải phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, vì hồ sơ vụ án là căn cứ pháp lý quan trọng để Viện kiểm sát ban hành các quyết định TTHS và thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Luật sư Bình cho biết, những vụ án mà ban hành cáo trạng nhanh như vậy xảy ra không hiếm. Ví như đối với vụ án của ông Đinh La Thăng. Ngày 8/12/2017, Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng.
Chỉ sau đó 12 ngày, cơ quan này đã ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Đinh La Thăng về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" Đến ngày 25/12/2017, VKSND Tối cao đã ban hành bản cáo trạng, quyết định truy tố ra trước tòa để xét xử các bị can Đinh La Thăng và đồng phạm.
Cuối cùng, TAND TP. Hà Nội quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 8/1/2018. Như vậy, từ khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố đến lúc TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử chỉ có 30 ngày, trong đó, thời gian ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can chỉ là 12 ngày kể từ thời điểm khởi tố và 5 ngày kể từ khi ra bản kết luận điều tra VKSND Tối cao đã ban hành bản cáo trạng.
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty Luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết thêm, trong vụ án này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã thực hiện tối đa chức năng, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của mình để đưa vụ án ra xét xử đúng thời gian mà pháp luật quy định để buộc các đối tượng phải chịu những hình phạt thích đáng đối với hành vi do mình gây ra.
Còn về thời hạn quyết định việc truy tố đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra là 30 ngày, trường hợp cần thiết Viện trưởng viện kiểm sát có thể gia hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 30 ngày.
Như vậy, thời hạn tối đa bao gồm cả thời hạn gia hạn để ban hành Quyết định truy tố là 60 ngày đối với tộ phạm đặc biệt nghiêm trọng tính từ ngày Viện kiểm sát nhận hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra đồng thời pháp luật không quy định thời hạn tối thiểu mà Viện kiểm sát phải ban hành Quyết định truy tố.