Nam chính của bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao - NSƯT Hoàng Hải hiện đang nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả với vai Lưu "nát". Mỗi bài viết về nhân vật Lưu đều được khán giả tương tác nhiệt tình, thể hiện sự đón nhận và ủng hộ vai diễn này.
Ở tuổi U60, những nếp nhăn hằn đuôi mắt, làn da bánh mật của nghệ sĩ Hoàng Hải toát lên sự trải đời của một người làm cửu vạn ở chợ đầu mối. Nhiều khán giả theo dõi phim cũng cho rằng, nếu không phải là NSƯT Hoàng Hải thì khó có thể tìm ra ai đảm nhận được vai Lưu một cách xuất sắc đến thế.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân Việt, NSƯT Hoàng Hải đã có những chia sẻ về câu chuyện làm phim, những ấn tượng khó quên khi hóa thân thành một người lao động nơi chợ đầu mối.
Kể từ năm 2004, khi NSƯT Hoàng Hải vào vai Hải trong phim Đường đời thì đã gần 20 năm sau khán giả mới lại thấy anh tiếp tục vào vai một người lao động khắc khổ trên phim và lại nhận hiệu ứng tích cực từ khán giả. Liệu vai Lưu có phải là nhân vật mà anh đã chờ đợi từ rất lâu?
- Thực ra, mỗi nhân vật đều có cuộc đời và câu chuyện khác nhau, chỉ có điều màu sắc nhân vật cũng có nét tương đồng nào đó. Thì đúng thật, ở hoàn cảnh lao động mưu sinh vất vả là đúng, Lưu gần giống Hải trong Đường đời, một vai diễn đã đem về cho tôi giải thưởng Diễn viên truyền hình được yêu thích nhất của tạp chí Truyền hình năm 2005.
Tôi đã làm phim Đường đời cách đây gần 20 năm rồi. Suốt quãng thời gian sau đó đến giờ tôi được hóa thân, được thể hiện rất nhiều dạng nhân vật từ công an, đến bác sĩ, rồi "ông trùm" xã hội... đều có cả. Nhưng nét nhọc nhằn, khó khăn khi mưu sinh ở nhân vật Lưu lâu lắm rồi tôi mới được nhận một vai có màu sắc gần gũi như thế này.
NSƯT Hoàng Hải cũng từng lao động nhiều nghề khác nhau từ buôn bán đến chạy xe đường dài. Chắc hẳn khi hóa thân vào vai Lưu - một người lao động tay chân không có gì khiến ảnh cảm thấy khó khăn?
- Bất kể khi nhận vai nào tôi cũng phải nghiên cứu thật kỹ vai diễn, đi tìm chất liệu cho nhân vật. Mà chất liệu để đưa lên màn ảnh đều xuất phát từ xung quanh cuộc sống. Vấn đề là người nghệ sĩ có nhìn ra, có cảm nhận được hay không. Một khi cảm được nhân vật rồi thì thể hiện nhân vật sẽ rất dễ dàng. Hoá thân thành công an tôi cũng phải tìm hiểu nghiệp vụ, cách ăn nói, tác phong của người chiến sĩ. Hoá thân thành bác sĩ cũng cần tìm hiểu kiến thức chuyên môn. Còn khi đảm nhận vai Lưu, tôi cũng cần phải quan sát cách ăn nói, đi đứng, khuân vác, kéo hàng giống như những cửu vạn ở chợ.
Nhiều khán giả theo dõi phim cảm nhận như Lưu chính là một phần tính cách thật của NSƯT Hoàng Hải trong đó. Anh cũng từng chia sẻ bản thân có những giai đoạn khó khăn giống như Lưu trên phim. Vậy anh cảm nhận mình và Lưu có những điểm gì tương đồng?
- Đúng là nhân vật Lưu cũng có một phần tính cách của tôi. Tôi cũng như bao người bình thường khác thôi, sẽ luôn có những mặt tốt và mặt xấu. Khi xây dựng một nhân vật trên màn ảnh cũng cần có sự dung hoà. Không ai hoàn hảo một cách lý tưởng cả. Xây dựng một hình tượng đẹp quá thì không chạm được đến khán giả. Tham, sân, si ở con người ai cũng có nhưng vấn đề tôi cần thể hiện sự đời trong diễn xuất như thế nào để vừa đủ chạm đến khán giả cũng là một bài toán khó.
Bản thân tôi cảm nhận giữa tôi và Lưu có một điểm rất giống nhau, đó là rất thích đi "cà khịa", rất thích trêu chọc người khác một cách hóm hỉnh. Với tôi, trêu đùa người khác là cách tạo nên những năng lượng tích cực. Tất nhiên cũng không nên "cà khịa" quá đáng để người ta cảm thấy khó chịu và bực mình (cười).
Thấy người ta đang gặp chuyện buồn mình "khịa" vài câu để giúp người ta cười được là tốt chứ. Có những tình huống khó xử xảy ra thay vì bối rối gượng gạo thì một câu nói đùa hóm hỉnh có khi xoá tan đi bầu không khí căng thẳng. Tính tôi giống Lưu chỗ đó.
Trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao có những câu thoại của Lưu khiến khán giả ấn tượng và thậm chí gây "bão" trên mạng xã hội: "Hết nước chấm"; "Mê gái cũng phải có trí tuệ"; "Không nuôi dạy được thì nhét lại vào bụng"... khiến người xem không nhịn được cười. Trong quá trình làm phim có câu thoại nào do NSƯT Hoàng Hải tự đưa vào mà không có trong kịch bản?
- Những câu thoại làm nên thương hiệu của Lưu đều đã có trên kịch bản. Nhưng trong quá trình làm phim đạo diễn có thể thêm thắt hoặc diễn viên tự nghĩ ra. Một bộ phim là tác phẩm của tập thể, ai cũng có thể đóng góp thêm những câu thoại cho câu chuyện phim thêm sinh động. Tôi thỉnh thoảng mới nghĩ một vài ý thôi. Nhưng không phải câu thoại ngẫu hứng nào cũng có thể đưa lên màn ảnh nhỏ được.
Có một điểm tôi rất thích ở đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Anh khơi gợi được sự sáng tạo của tập thể. Trước khi bước vào cảnh quay đạo diễn mời tất cả diễn viên tập trung để chạy thoại, ai cũng có thể thêm vào câu thoại của nhân vật.
Khi bước vào tình huống phim, theo mạch cảm xúc nhân vật thì tự nhiên diễn viên bật ra những câu thoại hết sức thú vị. Câu thoại nào dùng được đạo diễn sẽ để lại, còn những câu thoại rất hài hước, rất tếu táo nhưng không ổn ở mặt hình ảnh nghệ thuật để đưa tới đại chúng thì buộc phải bỏ. Giữa sự hài hước và bỗ bã, vô duyên có ranh giới rất mong manh mà nếu không cẩn thận, lời thoại quá trần trụi cũng không dùng được. Phim truyền hình cũng là sự phản ánh đời sống nhưng không phải là phim tài liệu nên cần sự chắt lọc trong từng câu thoại.
Trong quá trình làm phim gần gũi với người dân lao động ở chợ Long Biên, rồi ghi hình ở xóm trọ nghèo liên tục nhiều tháng trời, có câu chuyện hay kỷ niệm nào đáng nhớ với NSƯT Hoàng Hải?
- Gắn bó với khu chợ Long Biên và xóm trọ nghèo hơn 2 tháng, gần như từ sáng sớm đến đêm khuya tôi ở đấy. Sống cùng người dân ở khu chợ ấy tôi được chứng kiến nhiều mảnh đời khác nhau, họ làm đủ các loại công việc để mưu sinh. Có những cụ già hơn 90 tuổi họ vẫn sống bám trụ ở đấy. Họ nuôi mấy chú chó và vuốt ve chăm sóc như những đứa con. Mà lạ thay là họ rất khỏe mạnh dù sống trong điều kiện tồi tàn, vất vả. Đúng là "cuộc đời vẫn đẹp sao!".
Người dân lao động giúp đỡ đoàn làm phim nhiều lắm! Họ sẵn sàng cho mượn cái này, cái kia khi đoàn phim cần. Có những cảnh quay phải nhờ người dân trong xóm trọ không được đi lại, dù người ta gấp lắm nhưng vẫn vui vẻ đứng chờ cho đoàn quay xong phân đoạn rồi mới tiếp tục công việc mà không tỏ ra khó chịu gì hết. Nếu không có những người dân, không có ban quản lý chợ Long Biên thì chắc đoàn làm phim không thể thực hiện nổi.
Cảm tưởng đầu tiên khi NSƯT Hoàng Hải đặt chân đến bối cảnh xóm trọ ấy là gì? Anh có thể dành vài từ để diễn tả cảm xúc lần đầu thấy một khu dân cư nghèo giữa thành phố hoa lệ?
- Đó là cảm giác nao lòng khó tả lắm! Vẫn biết là nước mình đang phát triển, nhà nước lẫn toàn dân đều đang cố gắng để chất lượng cuộc sống người dân đi lên, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa thể kham hết được tất cả.
Giữa thành phố hoa lệ hay vùng quê xa xôi vẫn còn nhiều nơi như thế, điều kiện chưa hết khó khăn, người dân vẫn phải bươn chải vất vả với cuộc sống. Nơi ở lẫn điều kiện sinh hoạt chưa thể khiến con người ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.
Những gì khán giả thấy về xóm trọ ở trên phim Cuộc đời vẫn đẹp sao thì ngoài đời cũng gần như vậy. Tôi đã trực tiếp chứng kiến, lắng nghe nhiều câu chuyện về sự cố gắng của những người dân lao động sinh sống ở nơi đây. Và bản thân tôi biết, những người dân lao động họ đang cố gắng hết sức để cuộc sống tốt hơn. Tôi cũng hiểu nhà nước mình đã cố gắng quan tâm để cuộc sống người dân bớt vất vả.
Tôi chỉ có một điều mong muốn là làm sao đó, cuộc sống của người lao động sống trong khu trọ này và những nơi tương tự như thế trên đất nước mình sẽ được cải thiện nhanh hơn nữa.
Liệu đây có phải bối cảnh làm phim đặc biệt nhất trong sự nghiệp của NSƯT Hoàng Hải?
- Thực ra, tôi và cả ê-kíp thích nghi với môi trường nơi xóm trọ rất nhanh, bản thân tôi từng trải qua cảm giác làm việc ở môi trường chật hẹp thiếu thốn hơn nhiều. Thậm chí, có lần tôi làm phim ở bãi rác Hoà Khánh, rác chất đống cao như toà nhà 4-5 tầng mà vẫn thấy hết sức bình thường. Chính những trải nghiệm như thế này tôi lại cảm thấy đáng để trân trọng khi làm nghề.
(Còn tiếp)