Dân Việt

Vì sao sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện không lập thừa tướng?

PV 23/04/2023 23:02 GMT+7
Gia Cát Lượng là công thần khai quốc của nhà Thục Hán, đồng thời là nhân tài hiếm có trong Tam Quốc. Sau khi ông qua đời, Hậu chủ Lưu Thiện không lập thừa tướng mới vì 3 nguyên nhân.

Trong thời phong kiến, tể tướng được coi là chức vụ rất quan trọng, có thể nói là dưới một người nhưng trên cả vạn người. Gia Cát Lượng đi theo phò tá Lưu Bị nhiều năm, vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ, giúp vị quân chủ này gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc trong Tam Quốc. Ông được đánh giá là một trong những chiến lược gia tài ba nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Không chỉ nổi danh trong thiên hạ với tài năng hơn người, Gia Cát Lượng còn một lòng tận trung báo quốc, đúng như câu "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi".

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, vì sao Lưu Thiện không lập thừa tướng? Hóa ra “đại trí giả ngu” - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng là kỳ tài hiếm có trong Tam Quốc.

Vào năm 221, sau khi Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, Gia Cát Lượng chính thức được phong làm tể tướng.

Đến năm 223, sau thất bại ở Di Lăng, Lưu Bị lâm bệnh nặng và qua đời tại thành Bạch Đế. Cơ nghiệp của vị quân chủ này được truyền lại cho con trai là Lưu Thiện và giao thừa tướng Gia Cát Lượng phò tá. Lúc bấy giờ, Gia Cát Lượng nắm toàn quyền điều hành nhà Thục Hán, vì Lưu Thiện vẫn còn nhỏ tuổi.

Về đối nội, Gia Cát Lượng chủ trương chú trọng khuyến nông, giảm thuế cho dân và phát triển sản xuất. Đặc biệt, sau khi Lưu Bị qua đời, vì hậu chủ còn nhỏ, Gia Cát Lượng còn bắt đầu phải lo cả việc quân sự.

Sau khi dẹp loạn ở vùng Nam Trung thuộc phía tây nam Thục Hán, Gia Cát Lượng đã thực hiện 5 lần Bắc phạt nhưng đều không thành công. Cuối cùng, trong chiến dịch Bắc phạt lần thứ 6, Gia Cát Lượng lâm bệnh và qua đời ở tuổi 54 tại gò Ngũ Trượng.

Sự ra đi của Gia Cát Lượng là một tổn thất rất lớn đối với nhà Thục Hán.

Vì sao Lưu Thiện không lập thừa tướng mới?

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, vì sao Lưu Thiện không lập thừa tướng? Hóa ra “đại trí giả ngu” - Ảnh 2.

Gia Cát Lượng hết lòng phò tá cho Lưu Thiện và nhà Thục Hán.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, mặc dù các đại thần như Tưởng Uyển, Phí Y... luôn kề cận và tiếp tục phò tá Lưu Thiện trong việc xử lý các vấn đề quan trọng của Thục Hán, nhưng họ lại không được phong làm thừa tướng.

Theo đó, Tưởng Uyển được thăng làm Thượng thư lệnh, sau kiêm cả Thứ sử Ích Châu, trở thành Đại tướng quân, tước An Dương Đình hầu, quản lý hết việc trong người. Ông thay Gia Cát Lượng chấp chính và tỏ ra là đại thần cố năng lực, với thái độ cư xử luôn điềm tĩnh nên bá quan đều khâm phục. Đến năm 243, sau khi lâm trọng bệnh, Tưởng Uyển giao hầu như toàn bộ quyền hành cho Phí Y và Đổng Doãn.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, thay vì lập thừa tướng, Lưu Thiện lập ra hai chức là Đại tư mã và Đại tướng quân. Hai chức danh này lần lượt phụ trách chính sự và quân đội. Như vậy, Lưu Thiện chính thức bãi bỏ chức vụ thừa tướng ở Thục Hán.

Việc này hóa ra xuất phát từ 3 nguyên nhân sau và cũng là minh chứng cho thấy Lưu Thiện không hề ngốc nghếch như nhiều người lầm tưởng.

3 nguyên nhân khiến Lưu Thiện không lập thừa tướng mới?

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, vì sao Lưu Thiện không lập thừa tướng? Hóa ra “đại trí giả ngu” - Ảnh 3.

Sự ra đi của Gia Cát Lượng là một tổn thất rất lớn với Lưu Thiện và nhà Thục Hán.

Thứ nhất, Lưu Thiện bãi bỏ chức vụ thừa tướng ở Thục Hán chủ yếu để bày tỏ sự tôn trọng và lòng thương tiếc đối với Gia Cát Lượng. Năm xưa, khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện lên ngôi hoàng đế khi mới 17 tuổi, việc lớn nhỏ trong ngoài Thục Hán đều do một tay Gia Cát Lượng gánh vác. Lưu Bị trước khi qua đời cũng dặn dò Lưu Thiện rằng phải đối đãi với thừa tướng như cha. Do đó, đối với Lưu Thiện, Gia Cát Lượng không chỉ là một vị thừa tướng nắm giữ đại quyền mà còn có tình cảm gần gũi và thân thiện như cha con.

Hơn nữa, tài năng và những cống hiến của Gia Cát Lượng cho nhà Thục Hán và Lưu Bị, Lưu Thiện là điều không cần phải bàn cãi. Lưu Thiện cũng vô cùng cảm kích sự tận tụy, hết lòng tận trung vì Thục Hán của Gia Cát Lượng. Nếu không có vị thừa tướng này, Lưu Thiện cũng không thể vững vàng ngồi trên ngai vàng ở Thục Hán suốt nhiều năm.

Đặc biệt, sau khi Gia Cát Lượng mất vào năm 234, Lưu Thiện đã ban tặng chiếu thư, trong đó có truy tặng ấn thụ Thừa tướng Vũ Hương hầu, thụy hiệu Trung Vũ hầu. Về chi tiết này, trong mắt nhiều nhà sử học, ý nghĩa của việc truy tặng này trong chiếu thư ngầm cho thấy vị trí tể tướng chính thức cũng được chôn cất cùng với Gia Cát Lượng. Hay nói cách khác, sở dĩ Lưu Thiện nhất quyết không lập thừa tướng là vì thương nhớ Gia Cát Lượng.

Thứ hai, quyền lực của thừa tướng quá lớn. Trên thực tế, bắt đầu từ thời Đông Hán, do thừa tướng có quá nhiều quyền lực nên đã trở thành một chức quan không được sắc phong một cách thường xuyên hay cố định. Điều này nhằm tránh việc hoàng đế bị tể tướng chuyên quyền phế truất.

Tào Tháo chính là một minh chứng. Ông đảm nhận chức thừa tướng của nhà Đông Hán, quyền lực tối thượng. Tuy nhiên, Tào Tháo quyết định không phế bỏ Hán Hiến Đế mà để con trai là Tào Phi sau này soán ngôi, lập ra nhà Tào Ngụy.

Từ phân tích trên có thể thấy, Lưu Thiện không lập thừa tướng mới là phù hợp với xu thế lúc bấy giờ trong thiên hạ. Quyết định này cũng giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các đại thần quyền lực thao túng triều đình ở Thục Hán.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, vì sao Lưu Thiện không lập thừa tướng? Hóa ra “đại trí giả ngu” - Ảnh 4.

Lưu Thiện không hề ngốc như nhiều người nghĩ.

Hơn nữa, sự thật là Lưu Thiện không hề ngu ngốc. Vị hoàng đế này rất giỏi trong việc kiểm tra, cân bằng các đại thần trong triều, nhằm duy trì địa vị của mình. Việc Lưu Thiện thiết lập hai chức danh là Đại tư mã và Đại tướng quân là nhằm mục đích phân quyền về quân sự và chính sự. Nhờ đó, Lưu Thiện cũng không phải chịu sự kìm kẹp hay thao túng của thừa tướng.

Thứ ba, không có ai đủ tài năng và xuất sắc như Gia Cát Lượng. Mặc dù Tưởng Uyển, Phí Y và Đổng Doãn đều là những đại thần có tài và hết lòng vì nhà Thục Hán nhưng họ đều khó đạt được những công lao của Gia Cát Lượng.

Ngay cả Khương Duy, người kế tục được Gia Cát Lượng tin tưởng, dù nắm quyền thống lĩnh quân Thục Hán nhưng nhiều lần đem quân đi Bắc phạt đều không thành.

Chính vì vậy, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, chức vụ thừa tướng cũng không còn ở Thục Hán.