Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Tội lừa dối khách hàng là một trong các tội danh được Bộ luật hình sự quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các quan hệ dân sự, kinh tế khi cơ quan chức năng có căn cứ xác định bên bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã có hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm hoặc có các thủ đoạn gian dối khác để gian lận trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng.
Cụ thể, Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định về tội lừa dối khách hàng như sau: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 5 đến dưới 50 triệu sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo ông Cường, dưới góc độ pháp lý, có hai khái niệm khác nhau là lừa dối và lừa đảo. Trong đó khái niệm lừa dối khác về tính chất và ít nguy hiểm hơn là khái niệm lừa đảo, hậu quả pháp lý của hai hành vi này cũng khác nhau.
Cụ thể, người thực hiện hành vi lừa dối là một trong những hành vi được mô tả trong Bộ luật dân sự và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hành vi lừa dối khách hàng diễn ra trong quá trình cung ứng dịch vụ, mua bán hàng hóa và có thể khách hàng không biết mình bị lừa dối, họ vẫn nhận được quyền lợi nhưng thấp hơn giá trị đáng ra họ được hưởng từ giao dịch.
Hành vi này gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, của người tiêu dùng nên đây là một trong những yếu tố làm cho hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đó vô hiệu và người vi phạm có thể bị xử lý hình sự nếu như đã bị phạt hành chính về hành vi này rồi nhưng còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên.
Còn lừa đảo là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản có thể xảy ra trong quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế và yếu tố gian dối này được coi là nguy hiểm cho xã hội nếu như đưa ra thông tin sai sự thật để chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.
Các giao dịch phát sinh yếu tố lừa đảo thường là các giao dịch mà bên mua không nhận được tài sản, không được đảm bảo một chút quyền lợi nào và mục đích chiếm đoạt tài sản có trước thời điểm nhận tài sản, yếu tố gian dối rất rõ ràng.
Vì thế đây được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên chỉ cần chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự, hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.
"Hành vi lừa dối khách hàng thì gây ra thiệt hại cho khách hàng và giá trị thiệt hại đó là số tiền thu lợi bất chính của bên bán khi họ đã có hành vi lừa dối. Còn đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền mà người bị hại mất đó là tiền bị chiếm đoạt nên tính chất nguy hiểm hơn và mức hình phạt cũng nghiêm khắc hơn" – ông Cường thông tin.
Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia, trong thương trường, trong đời sống xã hội có rất nhiều khách hàng bị lừa dối mà không biết hoặc có biết cũng không nắm được thủ tục quy trình để bảo vệ quyền lợi của mình. Chính vì vậy những vụ án hình sự về tội lừa dối khách hàng ít xảy ra trên thực tế.