Dân Việt

Cho vay tài chính gặp khó vì khách rủ nhau “bùng tiền”, đánh nhân viên thu nợ

Gia Bình 25/04/2023 14:41 GMT+7
Tổng giám đốc Mcredit cho hay, các hội nhóm chia sẻ cách “bùng tiền” thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Nhân viên thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng đôi khi bị đánh, gây thương tích.

Ý kiến của ông Lê Quốc Ninh, Chủ tịch Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Mcredit, nêu tại tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 25/4.

Theo ông Ninh, Việt Nam có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động và đến hết năm 2022, nhóm này có tổng dư nợ 220 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tài chính. Việc này giúp nhiều người dân không tài sản đảm bảo, không thu nhập ổn định và "dưới chuẩn ngân hàng" được tiếp cận vốn.

Tuy nhiên gần đây, một số tổ chức không được cấp phép vẫn tiến hành cho vay với lãi suất cao, có khi lên tới cả 1.000%, đồng thời áp dụng các biện pháp tiêu cực, đe dọa… để thu nợ. "Việc này làm ảnh hưởng uy tín của các công ty được cấp phép", ông Ninh nói.

Cho vay tài chính gặp khó vì khách rủ nhau “bùng tiền”, đánh nhân viên thu nợ - Ảnh 1.

Lãnh đạo Mcredit cho hay doanh nghiệp cho vay gặp khó vì khách rủ nhau "bùng tiền".

Tổng giám đốc Mcredit nêu nhiều về khó khăn trong việc cho vay tiêu dùng, gồm "khách hàng chây ì, không trả nợ" hoặc "hành hung, gây thương tích cho nhân viên thu hồi nợ dù làm đúng pháp luật". Những khách hàng này còn dựa vào các thông tin công an khám xét một số công ty cho vay để từ chối trả tiền.

Vị này nói: "Các hội nhóm bùng tiền trên Facebook, Zalo rất nhiều, nhóm ít 10.000 thành viên, nhiều hàng trăm nghìn rồi chia sẻ nhau cách đối phó, không trả tiền vay. Khách hàng của chúng tôi có thể tốt, định trả nợ nhưng vào những hội nhóm này lại không trả vì nghĩ "bùng" cũng không sao".

Chia sẻ về khó khăn thu hồi nợ, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc HD Sài Gòn cho rằng cần có hành lang pháp lý với người đi vay nhằm đảm bảo quyền lợi của bên cho vay và hạn chế tình trạng thu nợ theo cách trái pháp luật.

Ông Đức phân tích, hiện nay nếu khách không trả tiền, các công ty chỉ có thể kiện nhưng nên bổ sung quy định có thể tích hợp thông tin với căn cước để "giảm điểm công dân" hoặc cấm người "bùng tiền" đi du lịch…

Cũng tại tọa đàm, luật sư Phạm Văn Phất nêu ý kiến, việc các công ty tài chính khởi kiện để đòi nợ người vay, trung bình 30 triệu đồng/vụ là "hoàn toàn không khả thi". Lý do, các vụ kiện dân sự có thể kéo dài hàng năm trời, "cá biệt có vụ chúng tôi làm 9 năm không xong dù số tiền tranh chấp hàng chục tỷ đồng", ông nói.

Cho vay tài chính gặp khó vì khách rủ nhau “bùng tiền”, đánh nhân viên thu nợ - Ảnh 2.

Luật sư Phạm Văn Phất nhận định, việc khởi kiện tốn hàng năm trời để đòi vài chục triệu đồng là không khả thi.

Luật sư Phất cho hay, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thủ tục rút gọn chỉ 1 tháng, nhưng: "Chưa thấy tòa nào áp dụng dù đủ diều kiện, thậm chí người dân còn quên có cả thủ tục rút gọn".

Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định, thời hạn giải quyết chỉ trong một tháng nhưng trên thực tế sẽ kéo dài nhiều năm, qua 14-15 lần triệu tập. "Thời gian kéo dài như vậy làm cho công lý có đạt được chăng nữa sẽ bị trì hoãn", luật sư nói.

Bình luận thêm về cách thức thu hồi nợ hiệu quả, đúng pháp luật, bà Olena Khlon, Phó Tổng giám đốc SHB Finance, nêu quan điểm, cần có sẵn dữ liệu, có sự hỗ trợ hiệu quả từ cơ quan có thẩm quyền.

Bà Olena nói: "Tôi ủng hộ quan điểm với người không trả nợ không được đi du lịch, không được sử dụng dịch vụ công. Với những người không trả nợ có thể không được vay thêm, không thể thăng tiến trong công việc, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ chúng tôi xây dựng thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh hơn".