Thấu hiểu hoàn cảnh của những học trò nghèo, ngoài giờ đứng lớp thầy Sa làm thuê đủ nghề để có thêm thu nhập mua sách vở tặng các em học sinh này.
Hết lòng với trò nghèo
Người thầy giáo có tấm lòng “vàng” mà chúng tôi nhắc đến là thầy Nguyễn Bách Sa, giáo viên Ngữ văn, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Với thâm niên hơn 20 năm đứng trên bục giảng thầy Sa đã hoàn thành sứ mệnh cao quý đưa nhiều “chuyến đò” cập bến thành công. Những cô cậu học trò năm xưa của thầy nhiều người thành đạt, có chức tước tại địa phương.
Tuy nhiên, trong hành trình gian nan vất vả vì sự nghiệp “trồng cây” thầy gặp nhiều trường hợp học sinh hiếu học nhưng vì hoàn cảnh éo le khiến nhiều em đứt gánh giữa đường. Nhìn những học trò cưng của mình phải rời xa trường lớp để phụ giúp gia đình lo cơm áo gạo tiền khiến thầy trăn trở mãi không thôi. Gần 20 năm làm nghề gõ đầu trẻ, thầy Sa đã chứng kiến nhiều lứa học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dù thiếu thốn sách vở, dụng cụ học tập nhưng các em vẫn nuôi ước mơ được đến trường. Dù rất muốn làm điều gì đó để níu chân các em nhưng với đồng lương giáo viên ít ỏi chỉ đủ trang trải cuộc sống, lo cho gia đình nên thầy đành ngậm ngùi.
Đầu năm học 2006 - 2007, chương trình giáo dục phổ thông thay đổi, những gia đình nghèo chẳng có tiền mua nổi bộ sách mới cho con em. Trong khi năm học mới đã bắt đầu nhưng không có sách giáo khoa, nhiều em phải học nhờ sách bạn.
Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, thầy Sa bỏ tiền túi mua sách giáo khoa tặng những em có hoàn cảnh khó khăn. Học trò thì đông, mà hoàn cảnh của thầy cũng chẳng dư giả mấy. Để con chữ đến với các em được tròn vẹn, thầy Sa đã vét sạch túi chỉ để mua sách tặng trò.
Người thầy mẫu mực
Trò chuyện với PV, thầy Sa Chia sẻ: “Nhiều năm trước, khi còn giảng dạy ở điểm trường, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh rất khó khăn, các em không có điều kiện mua sách học tập. Để các em yên tâm đến trường cũng như san sẻ bớt gánh nặng cho phụ huynh tôi thường mua sách tặng các em”.
Cũng bắt đầu từ đây, như thành thông lệ, mỗi dịp đầu năm thầy Sa trở thành người cấp phát sách miễn phí cho học sinh nghèo. Không chỉ sách giáo khoa, thầy sa còn mua cả truyện ngắn, truyện tranh, sách dạy kỹ năng sống tặng cho các em nhân dịp sinh nhật.
Để có nhiều sách tặng học trò, ngoài giờ đứng lớp, thầy Sa làm hàng chục nghề để kiếm tiền. Chẳng quản nặng - nhẹ, mỗi khi rảnh rỗi hoặc cuối tuần, ai thuê gì thầy đều nhận làm. Những công việc như hàn cổng, làm mái nhà, biển quảng cáo… thầy Sa đều đã trải qua.
Có những hôm ngày lên lớp, chiều đi làm, tối đến thầy Sa mới tranh thủ thời gian soạn giáo án, chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai. Dù công việc bận rộn, thế nhưng thầy luôn vui vẻ, hạnh phúc vì có thể nối dài tri thức cho học trò.
“Học sinh khó khăn thiếu thốn trăm bề từ cái ăn, cái mặc cho đến điều kiện học tập. Tôi chọn tặng sách cho các em, bởi kiến thức luôn còn mãi và là vô tận. Thông qua những cuốn sách gửi tặng học sinh, tôi muốn duy trì và phát huy văn hoá đọc. Đồng thời, cũng hy vọng lan toả việc tặng sách cho học sinh đến giáo viên trong và ngoài trường”, thầy Sa chia sẻ.
Không chỉ vậy, vào dịp đầu năm học, thầy Sa hỏi xin những cuốn sách cũ, không dùng đến của bạn bè, người thân để đem đến tặng cho học sinh vùng khó. Biết đến việc làm ý nghĩa này, nhiều hội nhóm, bạn bè đã cùng chung tay góp sách hoặc gửi tiền để nhờ thầy Sa mua sách tặng học trò.
Thầy Nguyễn Hùng Chiến, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, trước khi chuyển về trường Trường PTDTNT, thầy Nguyễn Bách Sa đã công tác tại trường gần 20 năm.
Trong quá trình dạy học, thầy Sa luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể và tình nguyện. Ngoài công tác chuyên môn, thầy Sa còn tích cực giúp đỡ học sinh khó khăn vươn lên trong học tập. Đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân, cựu học sinh của nhà trường hỗ trợ sách giáo khoa, sách kỹ năng sống cho học sinh nghèo.
“Ngoài giờ lên lớp, thầy Sa còn đi làm thêm để mua sách hỗ trợ học trò và tặng cho thư viện nhà trường. Việc làm của thầy Sa âm thầm nhưng mang ý nghĩa to lớn đối với học sinh nghèo và phát huy văn hoá đọc sách. Đồng thời, đây là hình ảnh đẹp của người giáo viên và đã được lan tỏa đến thầy, cô giáo cùng học sinh trong trường”, thầy Chiến nói.