Dân Việt

Thị trường bất động sản Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ngoại thành

Thái Nguyễn 27/04/2023 17:50 GMT+7
Trước áp lực đô thị hóa ngày càng gia tăng khi tỷ lệ dự kiến sẽ đạt 62% vào năm 2025, thị trường bất động sản Hà Nội đang có xu hướng chuyển dịch ra khu vực ngoại thành. Những khu vực này ngày càng phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi đã thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm.

Thị trường bất động sản ngoại thành Hà Nội có tiềm năng lớn

Theo Colliers Việt Nam, nguồn cung tương lai tại thị trường bất động sản Hà Nội được dự báo sẽ có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực ngoại thành như: huyện Gia Lâm, Hoài Đức hay Mê Linh nhờ vào sự phát triển của hạ tầng như tuyến vành đai 3.5 và vành đai 4, trong đó huyện Hoài Đức dự kiến chiếm 18% nguồn cung tương lai của khu vực Hà Nội.

Điển hình, tại huyện Hoài Đức, ở phía Tây thủ đô đang nổi lên là điểm sáng trong quy hoạch và phát triển đô thị. Điểm chung của các khu đô thị ngoại thành là thúc đẩy giao thương, tạo chỗ ở mới cùng cơ hội việc làm cho số dân tăng trưởng nhanh, đồng thời giúp giãn dân khu trung tâm.

Cùng với đó, huyện Gia Lâm đang hình thành nhanh chóng các khu đô thị vệ tinh. Từ địa phương đa phần là đất nông nghiệp, Gia Lâm nay trở thành huyện có tốc độ phát triển đô thị nhanh và mạnh nhất thủ đô, tạo diện mạo mới cho phía Đông Hà Nội. Đặc biệt, huyện Gia Lâm là địa phương được quy hoạch lên quận ngay trong năm 2023.

Thị trường bất động sản Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ngoại thành - Ảnh 1.

Nguồn cung bất động sản phía đông Hà Nội sẽ gia tăng mạnh trong tương lai (Ảnh: TN)

Lợi thế của những khu đô thị này là quy hoạch bài bản, tiện ích đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sống của cư dân hiện đại, không gian sống trong lành bởi mật độ dân số thấp. Các dự án bất động sản tại đây bắt nhịp xu hướng toàn cầu, chú trọng đến môi trường sống khi phát triển mật độ cây xanh và tiện ích cao. Giao thông kết nối được tính toán kỹ lưỡng, thuận tiện, thông thoáng đến các đô thị trung tâm.

Bên cạnh đó, giá bán bất động sản ở các khu vực ngoại thành có sự cạnh tranh so với khu vực trung tâm, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các khu vực vệ tinh này. Thị trường biệt thự, nhà phố quý I/2023 tại Hà Nội đang dần ổn định sau những vấn đề tín dụng cũng như tin tức bất lợi trong thời gian qua, đây là tín hiệu tốt cho bất động sản Hà Nội.

Năm 2023 cũng sẽ cho thấy sự dịch chuyển của các dự án bất động sản liền thổ ra các khu vực ngoại thành. Những khu vực lân cận trung tâm có điều kiện thuận lợi để phát triển, hạ tầng được đầu tư đồng bộ và quỹ đất sạch còn nhiều, dễ dàng tạo nên các dự án mang tính độc bản, thu hút được người mua

Vướng mắc pháp lý được tháo gỡ giúp bất động sản ven đô tăng tốc

Gần đây, Chính phủ đã ban hành một số chính sách giúp gỡ khó về nguồn cung cho thị trường bất động sản. Cụ thể, Nghị quyết 33 của Chính phủ đã chỉ rõ các vấn đề cần giải quyết với lộ trình cụ thể, thúc đẩy tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia thực hiện. Điều này giúp củng cố niềm tin, hỗ trợ thị trường theo đúng mục tiêu an toàn, lành mạnh và bền vững.

Về pháp lý, nghị quyết đã tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Về nguồn vốn, Nghị quyết 33 đã đề cập đến việc giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ, dự án đáp ứng nhu cầu thực, thanh khoản tốt được tạo điều kiện vay vốn.

Trong năm nay huyện Gia Lâm và Đông Anh sẽ lên thành quận, tạo điều kiện cho các dự án nhà ở tại đây có thêm cơ hội để phát triển, gia tăng nguồn cung với giá hợp lý có thể đến tay người mua. Trong tương lai, thành phố Hà Nội còn có kế hoạch phát triển hai thành phố trực thuộc thủ đô.

Thị trường bất động sản Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ngoại thành - Ảnh 2.

Huyện Gia Lâm lên quận thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội (Ảnh: TN)

Điều này cũng sẽ tạo xu hướng dịch chuyển nguồn cầu về phía các khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn ở phía Đông và Hòa Lạc, Xuân Mai ở phía Tây Hà Nội. Sự dịch chuyển này kết hợp với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày một thuận tiện hơn kỳ vọng sẽ giúp giải vây cho thị trường bất động sản căn hộ.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội, tốc độ đô thị hóa nhanh là sức ép nhưng cũng tạo động thúc đẩy thị trường bất động sản căn hộ sôi động hơn. Kỳ vọng sau khi hệ thống pháp lý được hoàn thiện thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực, giải quyết được bài toán về chỗ ở phù hợp cho đa số người dân cũng như gỡ khó cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản.

Các chuyên gia cũng cho rằng xu hướng trong 2-3 năm gần đây, bên cạnh sự phát triển ở các khu phía Tây, phía Nam của Hà Nội, khu vực bên kia phía Đông vẫn còn quỹ đất và nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh các trục cầu chính như Chương Dương, Thăng Long, Vĩnh Tuy 1 và cầu Vĩnh Tuy 2 đang được thi công... thì sắp tới sẽ có các dự án cầu giao thông kết nối hai bờ như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên và loạt dự án cầu đang được triển khai khác. Do đó, các dự án bất động sản hình thành tại khu vực này song song cùng với hệ thống hạ tầng đang được phát triển, trong tương lai sẽ tạo ra nhiều sức hút cho thị trường bất động sản.