Chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết Chỉ thị số 17 của Ban thường vụ Thành uỷ TP.HCM về tăng cường lãnh đạo năng lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất; Phát động thi đua giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3, do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay, ông Bùi Nhật Toàn - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, cho biết vẫn tồn tại nhiều vấn đề.
Theo đó, số dư tạm ứng nguồn vốn đầu tư công hằng năm rất lớn, đa phần tập trung vào nhóm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, năm 2022 được chuyển sang năm 2023 là 18.695 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, ngân sách Thành phố là 17.668 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 1.027 tỷ đồng.
Tổng số vốn quá hạn đến 31/1/2023 là 1.654 tỷ đồng với 155 dự án. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư quá hạn là 969 tỷ đồng, chiếm 59% số vốn quá hạn. Cụ thể, ngân sách thành phố là 929 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các hộ dân chưa nhận tiền đang được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng không đúng quy định.
Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho biết tính đến 5/6/2022, số tiền bồi thường của các hộ dân chưa nhận đang được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng là 765.574.008.599 đồng, được thực hiện theo cơ chế của thành phố trước ngày 1/7/2014.
Tuy nhiên, cơ chế về quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công hiện nay, không quy định việc thực hiện chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của các hộ dân chưa đồng ý nhận, để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt, thì số tiền trên tiếp tục gửi tại tài khoản của chủ đầu tư ở Kho bạc Nhà nước.
Ngoài ra, một số vấn đề như chưa quy định cơ chế quản lý, theo dõi số tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng người dân không đồng ý phương án và không nhận tiền. Đáng chú ý, tỷ lệ chuyển khoản bồi thường giải phóng mặt bằng đến tài khoản của người dân còn hạn chế, đa số người dân vẫn thực hiện nhận tiền mặt...
Theo ông Bùi Nhật Toàn, các thực trạng trên có thể tiềm ẩn nhiều tình huống rủi ro, như việc số dư tạm ứng vốn đầu tư công lớn, có nhiều chi phí quá hạn, cũng đồng thời phản ánh tỷ trọng chi, chuyển nguồn vốn tạm ứng hàng năm trong tổng chi cân đối ngân sách luôn ở mức cao, làm hạn chế hiệu quả chi và điều hành ngân sách nhà nước.
Việc chuyển khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đến tài khoản của người dân còn hạn chế, do vậy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi thực hiện giao dịch tiền mặt.
Để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt khi bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho biết thời gian qua, Kho bạc Nhà nước TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp, như đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thành toán không dùng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước sẽ thành lập tổ công tác thực hiện thanh kiểm tra nội bộ về xử lý số dư tạm ứng quá hạn, do Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước làm tổ trưởng. Xây dựng và triển khai nhiều chỉ tiêu thi đua nội bộ, trong đó có nội dung thanh toán thu hồi tạm ứng, làm cơ sở đánh giá, xếp loại lao động hàng quý.
Đồng thơi tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM, Kho bạc Nhà nước xem xét, kiến nghị Bộ Tài chính có ý kiến chỉ đạo xử lý nhiều vướng mắc về công tác quản lý vốn bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP.HCM.
Kho bạc Nhà nước cũngchỉ đạo các đơn vị thuộc báo cáo, phối hợp vận động người dân nhận tiền bồi thường không dùng tiền mặt (thông qua hệ thống ngân hàng) theo đúng chủ trương để người dân nắm được các lợi ích. Cơ quan này kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhận tiền bồi thường không dùng tiền mặt.
Việc chi trả bồi thường bằng tiền mặt (đa phần là khoản chi lớn), mất nhiều thời gian chờ đợi của người dân hơn. Do các đơn vị phải sắp xếp phương án chi trả, thông báo gửi đến người dân theo đợt, và không đảm báo tính kịp thời, hiệu quả, an toàn.