Ngày 26/4, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết Cơ quan CSĐT vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 10 bị can để làm rõ những sai phạm sai phạm trong công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở địa phương này.
Một lãnh đạo công an tỉnh Thái Nguyên xác nhận, trong các bị can có ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải. Người này bị điều tra về tội danh Nhận hối lộ.
"Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm việc với bị can, làm rõ số tiền nhận hối lộ", vị lãnh đạo trên thông tin. Ngoài ông Vinh còn có 6 cá nhân khác thuộc Sở này. 3 bị can còn lại thuộc một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.
Các bị can bị khởi tố với cáo buộc có hành vi đưa và nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Vinh từng là Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông Vận tải. Tháng 7/2022, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở này.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền để can thiệp vào kết quả đào tạo đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng bị lên án.
Nếu không phát hiện sớm, chính những cơ sở này sẽ cho "ra lò" những tài xế không đạt tiêu chuẩn, từ đó tiềm ẩn các rủi ro về tai nạn giao thông, gián tiếp gây nên các vụ giao thông nghiêm trọng. Vì vậy hành vi này cần bị xử lý nghiêm khắc.
Theo luật sư Khuyên, trong vụ án này các bị can bị khởi tố với cáo buộc có hành vi đưa và nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền mà mà các đối tượng nhận hối lộ là bao nhiêu tiền, nhận hối lộ của ai, nhận bao nhiêu lần, những người liên quan đến việc môi giới hối lộ là ai để xác định những đồng phạm liên quan.
Pháp luật hình sự quy định nếu có việc thoả thuận đưa và nhận tiền nhằm mục đích giải quyết công việc theo yêu cầu hoặc không làm một việc theo yêu cầu của bên đưa tiền, tài sản, hành vi này là hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ, khi ấy có thể cả người nhận hối lộ và đưa hối lộ điều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt thấp nhất là 2 đến 7 năm và cao nhất là chung thân hoặc tử hình nếu tài sản, tiền và lợi ích vật chất nhận hối lộ từ 1 tỷ động trở lên. Chủ thể của tội này là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước.
Còn đối với hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc các lợi ích khác cho người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hoặc không thực hiện một việc theo yêu cầu, hành vi này có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm, hình phạt cao nhất đối với hành vi này lên đến 20 năm tù.
Như vậy, sau khi bị khởi tố, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên.