Ngày 26/4, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa tiếp nhận đơn của nhà báo Đặng Thị Hàn Ni (đang ở trong trại giam) về việc tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng - tức Dũng "lò vôi", đã có hành vi giúp sức cho CEO Nguyễn Phương Hằng phạm tội.
Theo đơn tố giác của bà Đặng Thị Hàn Ni, sau nhiều tháng CEO Nguyễn Phương Hằng sử dụng mạng xã hội livestream vu khống các nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện, nhục mạ và chửi bới nhiều người, đến ngày 3/9, bà Hằng livestream chửi, vu khống, xúc phạm nhà báo Hàn Ni.
Những lần CEO Nguyễn Phương Hằng livestream chửi bới, vu khống, xúc phạm nhà báo Hàn Ni có sự giúp sức của ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP Văn hóa Đại Nam Bình Dương) là chồng của CEO Nguyễn Phương Hằng.
Cũng theo đơn tố giác, ông Dũng tham gia livestream cùng bà Hằng và tuyên bố sẽ kiện bà Ni, giúp sức cho CEO Nguyễn Phương Hằng tự tin thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian dài.
Trước đó, CEO Nguyễn Phương Hằng đã gửi nhiều đơn đến Công an tỉnh Bình Dương, Công an TP.HCM cho rằng bị bà Ni xúc phạm, vu khống.
Trước khi bị bắt, nhà báo Hàn Ni cũng gửi đơn tố giác tội phạm đến Bộ Công an, Công an TP.HCM, Bình Dương, cho rằng bị bà Phương Hằng vu khống, làm nhục, xúc phạm trong các buổi livestream.
Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, nhà báo Hàn Ni đang bị tạm giam, có được quyền gửi đơn tố giác ông Dũng "lò vôi"?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì chưa được xem là tội phạm.
Chỉ khi đã chứng minh được họ phạm tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị buộc tội mới được xem là tội phạm.
Người bị buộc tội là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chỉ bị hạn chế một số quyền như quyền tự do. Do chưa có bản án có hiệu lực pháp luật kết tội họ nên họ vẫn có những quyền cơ bản khác của một công dân, trong đó có quyền khiếu nại hành vi tố tụng, khiếu nại hoặc tố cáo trong thời gian đang bị tạm giam, tạm giữ.
Cụ thể, theo luật sư Đồng, tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị can đang tạm giam có quyền khiếu nại các quyết định tố tụng liên quan đến mình.
Còn tại Điều 8 Luật thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 nêu rõ, nghiêm cấm hành vi "Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền… khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan".
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam như sau: "Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật".
Người bị tạm giữ, tạm giam bị xâm phạm đến các quyền, có thông tin về tội phạm liên quan, hoàn toàn có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan chức năng.
Ngoài ra, luật sư Đồng thông tin, cơ sở giam giữ khi nhận được đơn tố cáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phải vào sổ theo dõi. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được tố cáo phải chuyển đơn đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định. Viện kiểm sát có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo về kết luận nội dung tố cáo cho người tố cáo theo yêu cầu.
Như vậy, việc nhà báo Hàn Ni đang bị tạm giam nhưng vẫn có đơn tố giác ông Dũng "lò vôi" là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.