Dân Việt

Parkson làm ăn thế nào tại Việt Nam trước khi nộp đơn phá sản?

Hồng Phúc 29/04/2023 06:59 GMT+7
Parkson từng nổi đình nổi đám một thời tại TP.HCM như một “hiện tượng”, thiên đường của giới shopping. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Parkson ngày càng teo tóp, từ khoảng 10 trung tâm thương mại rồi rơi rụng trước khi nộp đơn làm thủ tục phá sản.

Parkson Retail Asia sở hữu Parkson Việt Nam, cho biết Parkson Việt Nam sẽ đệ đơn lên tòa án tại TP.HCM và bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện hôm 28/4. Như vậy, theo thông báo này, Parkson sẽ rút lui sau 28 năm có mặt tại thị trường Việt Nam.

Parkson - từ biểu tượng tới thoái trào

Parkson là tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Malaysia. Năm 2005, Parkson tấn công thị trường Việt Nam, mở Parkson Saigon Tourist Plaza nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM.

Thời điểm đó, Parkson Saigon Tourist Plaza được biết đến là một trong những trung tâm thương mại quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam dành cho nhóm khách hàng thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp. 

Parkson làm ăn thế nào tại Việt Nam trước khi nộp đơn phá sản? - Ảnh 1.

Parkson có mặt tại Việt Nam năm 2005 với trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM. Ảnh: P.K

Parkson Saigon Tourist Plaza có sự góp mặt của hàng loạt thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Kiehl's, Shu Uemura, Bobbi Brown, MAC, The Body Shop, Estée Lauder, Lancôme… Parkson nổi lên như “một hiện tượng”, một nơi của tín đồ shopping giàu có, sành điệu tại TP.HCM.

Chỉ sau vài năm gia nhập, Parkson đã mở tiếp một loạt trung tâm thương mại khác tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Đỉnh điểm, đại gia bán lẻ này có khoảng 10 trung tâm thương mại tại Việt Nam, nhiều nhất vẫn tập trung ở TP.HCM.

Tuy nhiên, đúng cột mốc 10 năm có mặt tại Việt Nam, các trung tâm thương mại thuộc Parkson bắt đầu “rơi rụng”. Đầu năm 2015, Parkson Keangnam (Hà Nội) tuyên bố chấm dứt hoạt động. Sau đó, cùng với Parkson tại các Hà Nội, Hải Phòng, các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống này ở TP.HCM cũng đóng cửa.

Tại TP.HCM, trung tâm thương mại đầu tiên của Parkson tuyên bố ngưng hoạt động là Parkson Paragon (quận 7) hồi tháng 5/2016. Sang năm 2018, Parkson Flemington nằm trên đường Lê Đại Hành (quận 11) và Parkson Cantavil (quận 2) chính thức đóng cửa. Gần đây nhất, 2 trung tâm thương mại thuộc hệ thống Parkson âm thầm đóng cửa là Parkson CT Plaza (quận Tân Bình) và Parkson Hùng Vương (quận 5).

Tại Việt Nam, Parkson chỉ còn lại duy nhất một trung tâm thương mại còn hoạt động đến thời điểm mở thủ tục phá sản là Parkson Saigon Tourist Plaza - “linh hồn” của Parkson trong 18 năm hoạt động tại Việt Nam.

Parkson kinh doanh thế nào tại Việt Nam: Cải tổ Saigon Tourist Plaza  vẫn chưa hết thua lỗ

Tại thời điểm Parkson liên tục đóng cửa các trung tâm thương mại, bức tranh tài chính của Parkson tại thị trường Việt Nam đã được hé lộ những con số kém lạc quan.

Năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đánh dấu mức lỗ tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng. Năm tài chính 2016-2017, Parkson kết thúc với con số lỗ 67 tỷ đồng.

Parkson làm ăn thế nào tại Việt Nam trước khi nộp đơn phá sản? - Ảnh 3.

Parkson Saigon Tourist Plaza thay đổi diện mạo. Ảnh: Hồng Phúc

Về kết quả kinh doanh không mấy khả quan này, lãnh đạo Parkson Retail Asia cho biết mảng bán lẻ tại Việt Nam tuy béo bở nhưng không dễ ăn, bởi nhiều thách thức như thị trường hiện có sự cạnh tranh gay gắt, chiết khấu lớn khiến Parkson đã không thể đấu lại.

Trong xu thế mô hình mua sắm “shop and go” không còn phù hợp với các trung tâm thương mại, năm 2019, Parkson Saigon Tourist Plaza đã bước vào một cuộc cải tổ lớn. Theo đó, Parkson không tập trung bán hàng hiệu như trước mà chuyển sang một mô hình thân thiện, gần gũi hơn. 

Sự có mặt của Uniqlo, sau đó là Muji và hàng loạt thương hiệu thời trang khác đang khiến trung tâm này lấy lại sức sống, cạnh tranh trực tiếp với Vincom Đồng Khởi ở đối diện.

Đại diện Parkson đánh giá sự thay đổi và nâng cấp trung tâm thương mại đầu tiên Parkson Saigon Tourist Plaza là “mục tiêu chiến lược quan trọng sau 14 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam”. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn không đủ để Parkson trụ được tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19.

Parkson Retail Asia cho biết họ rời khỏi thị trường Việt Nam do không đạt kết quả thuận lợi về thương mại. Parkson Việt Nam đang hoạt động thua lỗ, thậm chí càng ngày càng lỗ sau dịch bệnh Covid-19. Họ không được giảm tiền thuê hoặc giảm không đáng kể ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính. Thuế đất cao cũng là nguyên nhân khiến công ty thêm khó khăn.

Trong năm tài chính 2022, Parkson Việt Nam ghi nhận mức lỗ trước thuế 1,72 triệu USD. Theo Chủ tịch điều hành PRA Tan Sri William Cheng, tập đoàn đánh giá và xác định việc duy trì hoạt động tại Việt Nam không còn khả thi về mặt thương mại.