Dân Việt

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội

Duy Huy 30/04/2023 07:11 GMT+7
Lễ hội truyền thống thôn Xuân Canh với tâm điểm là nghi lễ rước nước được tổ chức nhằm tôn vinh các bậc tiền nhân có công với làng và nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.

Video tục rước nước tại hội làng Xuân Canh. Thực hiện: Duy Huy.


Bản sắc cổ truyền ngôi làng ven sông

Nghi lễ rước nước sông Hồng nằm trong chuỗi các sự kiện tại lễ hội thôn Xuân Canh (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội) xuân Quý Mão năm 2023, đã diễn ra từ đầu tháng 3 âm lịch.

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 2.

Đoàn rước nước bắt đầu di chuyển từ đình làng ra sông lấy nước.

Nghi lễ vừa mang ý nghĩa mang nguồn nước trong lành tươi tốt về cho làng để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vừa mang ý nghĩa là dịp để nhân dân về báo công với thành hoàng làng. Nghi lễ mỗi năm lại thêm thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.

Đoàn rước nước gồm: cờ, biểu ngữ đi trước, chiêng trống, đội bát âm, kiệu thánh với đoàn tế và dân làng đi theo sau. Sau khi đoàn rước đến sát bờ sông, dân làng sẽ cử một một cụ già và một vài thanh niên ra giữa sông lấy nước về tế thánh.

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 3.

Thuyền nhỏ đưa đoàn rước nước ra ngã ba ngã ba giữa dòng sông Hồng và sông Đuống chuẩn bị múc nước

Theo nguyên tắc, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng.

Đủ nước, chóe nước được đặt lên bành, dùng dây chằng buộc chum nước rất cẩn thận để tránh bị đổ trong khi khiêng kiệu. Ấy là lúc thuyền vượt sóng lớn mà vào bờ.

Trên vệ đê, dọc đường đi tới bến sông cờ lễ hội rợp trời, chiêng trống vang lừng, nhân dân đứng chật hai bên đường xem lễ hội rước nước. Kiệu chum nước đi tới đâu, người dân hai bên lại xô lại như để mong được hưởng làn nước mát trong, sạch sẽ từ nguồn.

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 4.

Rất đông người dân tập trung trên bờ đê để chứng kiến nghi lễ lấy nước.

Chị Nguyễn Thị An (Sài Đồng, Long Biên) trong lúc di chuyển qua con đường có đoàn rước đi qua cảm thấy vô cùng bất ngờ và thú vị khi chứng kiến tục lệ đặc biệt này. Chị chia sẻ: Tôi rất ấn tượng về hình ảnh cả làng cùng rước kiệu với đủ nghi lễ truyền thống mà không phải nơi nào cũng có được. Tôi vô cùng ngạc nhiên, khi di chuyển qua đây đúng vào lúc lễ hội, lại được tận hưởng không khí rạo rực, rộn ràng của người dân nơi đây, của những nét văn hóa truyền thống ở một ngôi làng ven đô".

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 5.

Chóe nước được 2 cô gái trẻ khiêng về đình.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa hóa văn nghệ đặc sắc mang đậm nét hóa văn của nền văn minh sông Hồng.

Ông Nguyễn Thông Thành – Bí thư chi bộ thôn Xuân Canh, đại diện Ban tổ chức lễ hội khẳng định: "Từ xa xưa, lễ rước nước vẫn được người dân thôn Xuân Canh thực hiện vào ngày 8/3 Âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống làng Xuân Canh mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng sông Hồng từ hàng nghìn năm về trước".

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 6.

Đoàn rước mang nước về đình trong sự chờ mong của người dân

Ngôi đình cổ gắn liền với mảnh đất ven đô

Đình Xuân Canh hay còn có tên là đình Thượng Lão, hiện thuộc thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Thắng – Trưởng thôn Xuân Canh cho biết, theo bản Thần tích và sắc phong, Đình làng Xuân Canh hay còn gọi là Đình Thượng Lão có từ rất lâu đời, là di tích tín ngưỡng phục vụ hoạt động tâm linh của nhân dân địa phương, Đình thờ Thần Cao Sơn hiệu là Văn Trường, có công đánh giặc giúp dân, mở lớp dạy chữ cho con em địa phương.

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 7.

Nước được đem về sẽ được đặt trước tòa đại đình chờ tế thánh.

Để tưởng nhớ công lao của Thần, triều đình cho phép dân được lập đền thờ cúng Thần. Công lao của Thần được các triều Vua phong sắc, hiện tại Đình Thượng Lão còn lưu giữ 4 đạo sắc phong của các triều Vua phong cho. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ngày 13/4/2000 đình Xuân Canh đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Di tích được xây dựng từ khá lâu đời, nhưng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay, đình không còn lưu giữ được những tư liệu nói về năm khởi dựng ngôi đình. Trong hệ thống sắc phong còn lưu giữ được có đạo sắc phong niên đại sớm là sắc Cảnh Hưng 4 (Quý Hợi, 1743), những hiện vật mang phong cách thế kỷ VIII, có thể nhận định di tích được ra đời từ trước năm 1743.

Những hạng mục của đình gồm: tam quan, sân đình, hai dãy tả, hữu mạc và đại đình. Tam quan được xây bằng gạch, dạng trụ biểu và trang trí hoa văn, thân ghi câu đối. Hai dãy nhà tả, hữu mạc có kiến trúc đơn giản kiểu tường hồi bít đốc gồm 3 gian 2 dĩ, kết cấu theo lối chồng rường, bào trơn, kẻ soi. Mái lợp ngói ta, nền lát gạch Bát Tràng cổ.

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 8.

Tòa đại đình mới được tu bổ năm 2019.

Tòa đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, kiểu 4 mái, điều này tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, bay bổng. Gian giữa làm nơi tế lễ, các gian bên tôn nền cao làm nơi hội họp việc làng. Cấu trúc bộ khung tòa đại đình rất vững chắc, bộ vì làm kiểu "thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền".

Trang trí kiến trúc và điêu khắc tại đình cho thấy nghệ thuật được thể hiện phong phú về đề tài, đa dạng về nội dung và hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XIX.

Hơn nữa, số lượng di vật còn lưu giữ tại di tích cũng có rất nhiều chủng loại với nhiều chất liệu khác nhau. Một số di vật tiêu biểu như các sắc phong có niên đại Cảnh Hưng 4 (năm 1743), Tự Đức 10 (năm 1857) và 33 (năm 1880), Khải Định 3 (năm 1917); 2 pho tượng phỗng đá nghệ thuật thế kỷ XVIII; 1 khám thờ nghệ thuật thế kỷ XIX. Các di vật này đã gắn bó chặt chẽ với di tích và làm tăng thêm phần giá trị cho di tích.

Độc đáo tục đi thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước ở làng ngoại thành Hà Nội - Ảnh 9.

Nhiều hạng mục trong đình vẫn được giữ nguyên từ xa xưa, tạo vẻ đẹp uy nghi, truyền thống

Đình Xuân Canh là một di tích ra đời sớm ở nước ta. Sự tồn tại suốt mấy trăm năm của di tích khẳng định vai trò quan trọng của ngôi đình làng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Trải qua những biến đổi về xã hội và tự nhiên, cùng với chùa làng, cụm di tích đình Xuân Canh vẫn tồn tại và trở thành một địa chỉ văn hóa quý của Thủ đô, cùng với các di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long tô sáng thêm truyền thống văn hóa của dân tộc hàng ngàn năm nay.