Dân Việt

Ngôi nhà cổ hình hộp diêm thu hút du khách giữa lòng Hà Nội

Ngọc Huyền 30/04/2023 08:21 GMT+7
Phần lớn thiết kế ngôi nhà đều làm từ gỗ lim nguyên khối, với tuổi thọ lên tới hơn 130 năm tuổi nằm nép mình giữa ồn ào phố cổ.

Gỗ lim, mái ngói cùng những giá trị xưa cũ

Nằm ngay mặt phố Hàng Cân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngôi nhà số 42 của gia đình bà Lê Thị Thanh Tâm (79 tuổi) thu hút nhiều ánh nhìn của những người đi đường. Với kiến trúc đặc biệt, bất kỳ ai bước chân vào đây đều cảm nhận được một thế giới hoàn toàn khác, yên bình như những năm tháng xưa đầy hoài niệm.

Đi trên con phố Hàng Cân, không khó để tìm đến ngôi nhà được ví như "hộp diêm" của gia đình bà Tâm. Khi xung quanh là những ngôi nhà cao tầng, sặc sỡ màu sắc hiện đại thì căn nhà mang tên Ích - An lại gây chú ý với vẻ ngoài trái ngược hẳn với những xô bồ nơi phố cổ phồn hoa. Mái ngói, cánh cửa sẫm màu gỗ lim khiến căn nhà càng thêm phần cổ kính.

Ngôi nhà hình hộp diêm toàn gỗ lim 130 năm tuổi giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Ngôi nhà số 42 Hàng Cân với vẻ ngoài vuông vắn như một hộp diêm.

Ngôi nhà cổ được xây dựng hơn 130 năm về trước. Giữa lòng Hà Nội, ngôi nhà đã trải qua bao biến động, trở thành một chứng nhân lịch sử và được biết đến như một nét đẹp văn hóa xưa. Được biết, trông coi căn nhà hiện nay là bà Lê Thị Thanh Tâm, là con dâu của cụ Trần Hữu Lập - người xây dựng lên căn nhà.

Ngay khi bước vào cánh cửa, tấm biển Ích - An đã thu hút nhiều ánh nhìn. Bà Tâm chia sẻ: "Ích An chính là cái tên mà mọi người thường gọi ông Trần Hữu Lập, sau đó được lấy tên để đặt cho ngôi nhà. Ngoài ý nghĩa như một cái tên, nó còn thể hiện đạo lý sống có ích, an yên và vui vẻ".

Ngôi nhà hình hộp diêm toàn gỗ lim 130 năm tuổi giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Tấm biển hiệu "Ích - An" ngay chính giữa ngôi nhà.

Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà trông như một hộp diêm, vuông vắn, nhỏ gọn. Nhưng khi vào trong, không gian thoáng đãng, thoang thoảng hương gỗ cũ lại khiến nhiều người nao lòng. Căn nhà có hai tầng, với tổng diện tích đến 100 mét vuông, không có phòng riêng mà chỉ có không gian chung kéo dài hơn 40 mét. Chính vì vậy, nếu đứng từ ngoài nhìn vào sẽ rất khó để thấy hết toàn bộ căn nhà.

Ở tầng 1 là phòng khách và nơi bày bán hàng hóa. Đi sâu vào là căn bếp và nhà vệ sinh. Tầng 2 sẽ được sử dụng cho mục đích thờ phụng tổ tiên, ông bà. Bà Tâm cho biết, căn nhà "sâu hun hút" nên việc bài trí nội thất phải suy xét kỹ. Lúc này, việc có đến 2 giếng trời lại là điểm cộng cho căn nhà thêm phần thông thoáng.

Ngôi nhà hình hộp diêm toàn gỗ lim 130 năm tuổi giữa lòng Hà Nội - Ảnh 4.

Cánh cửa gỗ lim đã hơn 130 năm tuổi nhưng vẫn rất chắc chắn.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà chính là toàn bộ phần trần nhà, các cột nhà, cửa sổ, cửa chính, cầu thang đều được làm từ gỗ lim. Phần bếp, nhà vệ sinh phía sau và gạch lát là mới sửa sang lại.

"Trước đây sàn nhà được lát bằng gạch đỏ, nhưng để trẻ con đi không bị vấp nên gia đình đã đổi sang gạch men. Phần lan can cầu thang của tầng 2 cũng được thay thế bằng lan can sắt vì tay vịn gỗ bị mọt đi khá nhiều", bà Tâm chia sẻ.

Không gian ngôi nhà đều mang màu trầm ấm bởi hầu hết nội thất được làm từ gỗ lim, gìn giữ qua nhiều năm tháng. Từ chiếc phản để tiếp khách, tủ gỗ, bộ bàn ghế đến các loại khung tranh, ảnh đều mang màu xưa cũ. Được biết, nhiều người từng ngả giá cao để mua lại tủ gỗ cho mục đích trang trí nhưng gia đình đều không bán.

Ngôi nhà hình hộp diêm toàn gỗ lim 130 năm tuổi giữa lòng Hà Nội - Ảnh 5.

Cầu thang đi lên tầng 2 hoàn toàn bằng gỗ lim. Mái lợp trong suốt giúp căn nhà ống tràn ngập ánh sáng.

"Từ khung tranh, cái bàn, cái ghế đều gắn bó trong từng nhịp sống của gia đình. Căn nhà chứng kiến bao kí ức tốt đẹp về 5 thế hệ chúng tôi, vì vậy gia đình không muốn đổi mới hay cho thuê. Thỉnh thoảng các con, cháu lại tụ họp về đây ăn uống, trò chuyện", bà Tâm nói.

Dáng người lom khom, tóc trên đầu đã bạc trắng, tuổi già bà Tâm vẫn sống tại căn nhà của ông cha để lại. Hỏng đến đâu, sửa đến đấy chứ nhất quyết không xây mới hay bán lại. Ngôi nhà vẫn còn đó, tồn tại cùng những bức tranh treo tường với giá trị không thể cân, đo, đong, đếm. Là những người con Hà Nội chính gốc, bà Tâm cùng con cháu đồng lòng quyết tâm gìn giữ ngôi nhà trọn vẹn.

Thu hút du khách nhờ kiến trúc đặc biệt

Ngôi nhà được thiết kế theo hình ống với tầng 2 chỉ để thờ phụng, tưởng như bí bách giữa phố cổ chật hẹp nhưng lại thông thoáng đến lạ thường. Với thiết kế giếng trời mát mẻ cùng nội thất gỗ lim, căn nhà đã tiếp đón không ít du khách gần xa.

"Nhà dù dài, thẳng tuột nhưng lại rất mát mẻ. Hầu như ai vào đây cũng thích thú vì vẻ cổ xưa ít nơi nào có được. Bây giờ người ta đã quá quen với xi măng, cốt thép nên khi bước vào đây, nhiều người đều nói rất thích với vẻ đẹp của nó. Nhưng đối với tôi, nó vẫn chỉ là một ngôi nhà bình thường, một tổ ấm", bà Tâm thủ thỉ.

Ngôi nhà hình hộp diêm toàn gỗ lim 130 năm tuổi giữa lòng Hà Nội - Ảnh 6.

Bà Thanh Tâm là người trông giữ căn nhà hiện tại. Thỉnh thoảng bà vẫn tiếp các lượt khách muốn tìm hiểu về kiến trúc, lịch sử ngôi nhà.

Theo lời kể, đã có nhiều du khách tìm đến căn nhà số 42 Hàng Cân chỉ để tận mắt nhìn thấy kiến trúc của nó. Với sự hiếu khách, bà Tâm luôn niềm nở chào đón, thậm chí sẵn sàng để "các vị khách lạ" thăm thú từng căn phòng trong nhà. Tuy nhiên, theo bà Tâm, đó cũng là cái duyên. Bởi "không phải khách nào cũng được tiếp".

Bà tâm sự: "Nếu đến vào buổi sáng có lẽ tôi sẽ không tiếp chuyện được. Bởi căn nhà Ích - An này còn là một cửa hàng giấy dó. Không phải lúc nào tôi cũng có thời gian và tâm trạng tốt để chia sẻ. Tôi cho rằng đó cũng là một cái duyên giữa người với người".

Ngôi nhà hình hộp diêm toàn gỗ lim 130 năm tuổi giữa lòng Hà Nội - Ảnh 8.

Hiện gia đình vẫn giữ lại nhiều đồ vật nhiều năm tuổi như bộ bàn ghế gỗ lim, kệ tủ hay tranh, ảnh cổ.

Không chỉ tiếp đón các vị khách trong nước, căn nhà còn là một điểm đến của nhiều vị khách nước ngoài. Bà Tâm cho biết, khách tây hầu như rất thích kiến trúc ngôi nhà, còn tỏ ý mong muốn bà không sửa đổi theo lối hiện đại. Chính nét xưa của căn nhà đã giúp phố cổ càng thêm phần đặc sắc.

Đối với những vị khách đam mê đồ cổ hay các giá trị văn hóa thì ngôi nhà của bà Tâm lại càng trở nên đặc biệt. Bởi từ bộ bàn, ghế đến cánh cửa đều là những thiết kế của thế kỷ 19, 20. Các khung tranh, ảnh, chữ Nôm được treo đầy trên tường cũng trở thành một phần độc đáo của căn nhà.

Trải qua nhiều năm tháng, căn nhà số 42 Hàng Cân vẫn giữ nguyên những nét đẹp, truyền thống văn hóa mà người xưa gửi gắm. Hiện nay, nhiều du khách khi tới với phố cổ Hà Nội thường ghé đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm.