Tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị hoại tử ngón tay sau khi đắp lá thuốc để chữa rắn cắn.
Người bệnh là N.V.M (42 tuổi trú tại Thượng Yên Công – Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng ngón tay sưng phù, chảy dịch, hoại tử.
Được biết, khoảng 5 ngày trước người bệnh có bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay khiến ngón tay sưng, đau.
Người bệnh đã đắp thuốc nam theo một số người mách. Tuy nhiên sau đó ngón tay không ngừng đau nhức và chảy dịch. Lúc này người bệnh mới vội vàng đến viện để kiểm tra.
Theo các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình và Bỏng, khi nhập viện ngón tay của người bệnh đã hoại tử, các bác sĩ chỉ định và tiến hành phẫu thuật tháo bỏ ngón III bàn tay trái của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, rắn hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Chưa kể đến việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thay vào đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nhiều người dân đã bị hoại tử tay khi tự đắp lá thuốc chữa rắn cắn.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng đã cấp cho bệnh nhân nam suy đa phủ tạng, nhiễm trùng - hoại tử bàn tay trái do rắn cắn.
Trước khi nhập viện 4 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào tay khi đi bắt rắn trên rừng. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân tự chữa trị ở nhà bằng đắp lá cây lên vết thương.
Chỉ đến khi sức khỏe suy yếu và vết rắn cắn bị nhiễm trùng - hoại tử lan rộng thì người nhà mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Bàn tay bị hoại tử của bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn nhưng không đi bệnh viện mà tự đắp lá điều trị ở nhà. Ảnh: BSCC
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng (tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu).
Vết rắn cắn ở mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
Ngoài ra, do bệnh nhân tự đắp lá cây lên vết thương trong 4 ngày trước đó nên tình trạng nhiễm trùng - hoại tử càng thêm nặng nề hơn.
TS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) nhận định, khi nhập viện tiên lượng bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao.
Vết thương mu bàn tay trái bị nhiễm trùng - hoại tử có xu hướng lan xuống toàn bộ bàn tay và lan lên cánh tay, đối diện với nguy cơ phải cắt lọc diện rộng, thậm chí phải cắt cụt tay.
Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị để cứu bàn tay cho bệnh nhân. Do vết thương hở để lại khoảng trống lớn, các bác sĩ đã chuyển 1 vạt da vùng đùi trái lên vá vào vùng da khuyết ở bàn tay trái cho bệnh nhân.
TS Tình khuyến cáo người dân khi bị rắn cắn nên đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh tự điều trị bằng các loại lá theo truyền miệng khiến tính mạng bị nguy hiểm. Nếu rắn độc cắn có thể dẫn đến mất mạng, nhẹ thì vết thương nhiễm trùng, hoại tử cũng rất nguy hiểm.