Chiều 2/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, qua số liệu tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy, sau ba ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 2/5), tổng số có 4.574 trường hợp khám, kiểm tra do tai nạn giao thông, trong đó số trường hợp thăm khám từ 7 giờ ngày 1/5 - 7 giờ ngày 2/5 là 1.541 trường hợp.
Đáng chú ý, số người bệnh tai nạn giao thông chuyển viện là 1.145 người bệnh. Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, tiên lượng tử vong xin về là 56 người bệnh.
Tổng hợp sau 3 ngày nghỉ lễ, tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 176.300 người bệnh. Số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 71.506 người bệnh. Số người bệnh ra viện là 54.938 người bệnh. Số người bệnh chuyển viện là 6.254 người bệnh.
Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, và tiên lượng tử vong xin về là 1.026 người bệnh.
Bộ Y tế cũng cho biết trong 3 ngày đầu nghỉ lễ, cả nước ghi nhận 7 trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ tuần trước. Trong ngày 30/4, Việt Nam ghi nhận ba người ở Bắc Giang, Bình Dương và Đồng Nai chết do mắc Covid-19. Đây là ngày ghi nhận số ca tử vong do nhiễm Covid-19 cao nhất trong suốt 4 tháng qua. Hai ngày còn lại, Bộ Y tế thông tin có thêm 4 người, tổng cộng 7 người qua đời vì Covid-19 trong ba ngày nghỉ lễ.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Y tế cho biết số ca mắc tăng kéo theo số tử vong tăng, nhưng đa số là người cao tuổi hoặc mắc bệnh nền, chưa tiêm đủ liều vaccine. Bên cạnh số ca tử vong, số ca nhiễm mới và nặng cũng tăng so với cùng kỳ tuần trước. Sau ba ngày nghỉ lễ, có 2.026 người bệnh khám Covid-19, 1.168 nhập viện.
Trong các ngày nghỉ, nhiều cơ sở y tế vẫn mở cửa và tiêm chủng vaccine Covid-19. Tổng số liều đã được tiêm từ đầu đại dịch đến nay là hơn 266 triệu. Các chuyên gia đã cảnh báo kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách nước ngoài gia tăng, kéo theo nguy cơ virus lây lan.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, mức độ miễn dịch của dân số lên tới hơn 90%, do đó khả năng virus bùng phát thành làn sóng khó xảy ra. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế là có sự hiểu biết về nCoV, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách thích ứng linh hoạt.
Mặc dù vậy các chuyên gia khuyến cáo người dân, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch, thai phụ cần tiêm đúng và đủ liều vaccine. Ở nhóm dễ bị tổn thương, ngay cả một đợt nhiễm trùng hô hấp nhẹ cũng có thể khiến tình trạng sức khỏe tiềm ẩn trở nên tồi tệ. Ngoài ra, mọi người cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ, rửa tay thường xuyên.