Theo quy định hiện hành, 107 trường phổ thông ngoài công lập được tự quy định mức học phí cấp THPT dựa theo các chương trình học cụ thể và điều kiện cơ sở vật chất hiện có. Tính đến ngày 30/04/2023, 63/98 trường tư thục (và 4/9 trường công lập tự chủ về tài chính) ở Hà Nội đã công bố với các phụ huynh học sinh về mức học phí lớp 10 THPT (năm học 2023-2024), dao động từ thấp nhất là 7 triệu và cao nhất là 359 triệu.
AN NINH THỦ ĐÔ xin giới thiệu chi tiết các loại phí phải đóng (khi nhập học và cho cả năm lớp 10) để phụ huynh có thể tham khảo, cân nhắc lựa chọn cho con em của mình trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2023-2024 này.
Mức học phí chính khóa dựa theo chương trình học
Theo quy định để được công nhận tốt nghiệp THPT tại Việt Nam, học sinh cần hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định. Bên cạnh đó, nhiều trường tư thục đã chủ động đầu tư thêm cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để giảng dạy bổ sung thêm các chương trình hoặc môn học tăng cường cho học sinh theo kịp với yêu cầu của xã hội.
Trong đó có thể gồm các nội dung: kiến thức chuyên sâu hơn về từng môn học (theo phân ban hoặc tổ hợp môn tự chọn), kiến thức và kỹ năng cần thiết chuẩn bị chuyển tiếp lên các bậc học kế tiếp (du học nước ngoài, đại học, cao đẳng, trung cấp), chương trình học bằng song ngữ (cho một số môn) hoặc đào tạo song song hai chương trình THPT của Việt Nam và tú tài quốc tế (hệ song bằng). Đây là lợi thế của các trường ngoài công lập do được tự chủ về tài chính và nguồn vốn đầu tư.
Phụ huynh cần lựa chọn chương trình học phù hợp theo năng lực và nguyện vọng của học sinh. Trong đó yếu tố tài chính (đặc biệt là mức học phí) cũng rất quan trọng để quyết định, hoàn toàn khác với ở các trường THPT công lập. Mức học phí này chưa bao gồm các khoản phí khác phải đóng cho cả năm học do từng trường có quy định riêng.
Mức học phí thấp nhất và phổ biển nhất là chương trình giáo dục cơ bản theo quy định của Bộ GD&ĐT, thường dao động từ 7 đến 30 triệu đồng cho cả năm lớp 10 (tương đương 700.000 đến 3.000.000 đồng /tháng).
Mức học phí thứ hai từ trên 30 đến 70 triệu /năm học đối với các chương trình tăng cường và sẵn sàng cho kỳ tuyển sinh vào các ngành nghề khác ở bậc đại học (tương đương hơn 3 triệu đến 7 triệu đồng /tháng).
Mức học phí thứ ba từ trên 70 đến 90 triệu /năm học đối với các chương trình tiêu chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh đi du học ở nước ngoài (tương đương hơn 7 triệu đến 9 triệu đồng /tháng). Mức học phí thứ tư khoảng từ 100 đến 300 triệu /năm học đối với các chương trình học bằng song ngữ tiếng Việt và ngoại ngữ với một số môn (tương đương từ 10 đến 30 triệu đồng /tháng).
Nếu học sinh có đủ năng lực về ngoại ngữ có thể theo học chương trình đào tạo song bằng học đồng thời bằng cả tiếng Việt (nhận bằng tốt nghiệp THPT) và tiếng nước ngoài (nhận bằng tú tài quốc tế). Đa số các trường này (11 trường) dạy song bằng với tiếng Anh thuộc hệ trường Cambridge, cấp bằng tú tài Anh quốc A-Level. Các trường còn lại cấp bằng tú tài theo chuẩn của Mỹ (2 trường), Úc (1 trường) và Hàn Quốc (1 trường).
Ngoài ra ở Hà Nội đang có 15 trường phổ thông đã công bố học phí chương trình tú tài quốc tế (toàn bộ giáo trình bằng tiếng nước ngoài) dành cho cả học sinh người Việt Nam và người nước ngoài đang sống tại Hà Nội. Các chương trình tú tài nước ngoài đang được giảng dạy này là của Anh Quốc (A-Level), Mỹ, Canada, Pháp và các chương trình quốc tế (IB, AP) với mức học phí từ 195,3 triệu đến 795,5 triệu /năm học lớp 10.
Ma trận của các khoản phí tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập
Theo quy định, các trường THPT công lập phải tuyển sinh thông qua kỳ thi vào lớp 10 của thành phố còn các trường ngoài công lập tuyển sinh lớp 10 theo các hình thức xét tuyển tự chọn. Nếu nhu cầu đăng ký xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải xét tuyển sàng lọc học sinh bằng nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau.
Đối với các phụ huynh, đây là thời điểm bắt đầu làm quen với các loại phí phải đóng cho tới khi học sinh chính thức được nhập học. Giai đoạn đầu tiên là Phí tuyển sinh gồm phí cho việc Đăng ký ghi danh (hoặc Hỗ trợ tuyển sinh); Đánh giá năng lực (kiểm tra hoặc phỏng vấn) và cuối cùng là phí Đặt cọc giữ chỗ (tạm thu sau khi học sinh đã được xét tuyển).
Ba mức phí này được mỗi trường sẽ quy định khác nhau, trong đó Đặt cọc giữ chỗ là loại phí đang gây tranh cãi nhất hiện nay trong xã hội. Các phụ huynh thường lo lắng về khả năng con không trúng tuyển vào được trường THPT công lập đúng nguyện vọng nên đã dự phòng đăng ký sớm đồng thời vào một số trường ngoài công lập.
Nhưng hầu hết các trường đã quy định sẽ không hoàn lại khoản tiền phí đã đóng này nếu học sinh không đăng ký nhập học vào trường bởi bất kỳ lý do nào. Số tiền khoảng từ 2 triệu đến 10 triệu đồng của loại phí này cũng không hề là nhỏ đối với mức sống của nhiều gia đình. Trong trường hợp này, nếu các trường có thể hoàn lại số tiền này cho các học sinh có giấy báo trúng tuyển vào THPT công lập thì sẽ hợp lý và tâm lý hơn rất nhiều.
Giai đoạn tiếp theo là các khoản phí phải đóng khi học sinh chính thức đăng ký nhập học vào lớp 10, bao gồm: Học phí chính khóa (tùy theo chương trình học); Học phí bổ trợ tùy chọn (tăng cường theo môn học); Khoản tạm thu đầu năm cho nhiều hạng mục (hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, hoạt động và sự kiện trải nghiệm, tham quan dã ngoại, các kỳ thi tăng cường) và cho bản thân học sinh (đồng phục, sách giáo khoa, học phẩm và học liệu); Khoản thu hộ theo quy định (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, khám sức khỏe, quỹ đoàn thể, quỹ hội cha mẹ học sinh, quỹ khen thưởng) và Phí dịch vụ chăm sóc học sinh (liên lạc điện tử, xe đưa đón, bữa ăn bán trú hoặc nội trú, quản lý học sinh bán trú hoặc nội trú, phòng ở ký túc xá). Một số trường còn có thêm khoản Phí bảo lãnh nhập học cho 3 năm THPT (được hoàn trả vào cuối năm lớp 12). Ngoài phần học phí chính khóa phải nộp, các khoản phí còn lại cũng rất đáng kể và được từng trường quy định khác nhau cả về số tiền cũng như phương thức đóng tiền (có ưu đãi nếu nộp sớm).
Vẫn còn 40 trường THPT ngoài công lập chưa công khai học phí
Trong số các trường đã được Sở GD&ĐT duyệt chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT ngoài công lập năm 2023-2024 vẫn còn 35 trường tư thục và 5 trường công lập tự chủ về tài chính chưa công khai mức học phí theo quy định trong thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (ban hành từ ngày 28/12/2017).