Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công cho 1 cụ bà 104 tuổi bị thoát vị bịt.
Bệnh nhân là cụ T.T.L, 104 tuổi, là người dân tộc Sán Dìu, trú tại phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả. Người nhà cho biết, cụ bà ở nhà thỉnh thoảng đau bụng, nghỉ ngơi thì tự khỏi, đôi khi lẫn do sa sút trí tuệ tuổi già.
Sáng 29/4, cụ bà bị đau dữ dội nên được các con đưa vào bệnh viện tuyến dưới theo dõi, những cơn đau quặn ngày càng tăng dần và nhiều hơn trước. Kết quả chụp cắt lớp ổ bụng phát hiện bệnh nhân bị thoát vị nghẹt do ruột non chui vào lỗ bịt bên trái.
Vì bệnh nhân cao tuổi, già yếu lại bị bệnh hiếm gặp nên các bác sĩ tuyến dưới đã liên hệ hội chẩn từ xa và lập tức chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để phẫu thuật.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa Ngoại, Gây mê hồi sức đánh giá, bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp (104 tuổi) bị thoát vị bịt, lú lẫn, tuy nhiên không có bệnh lý nội khoa cấp tính, chức năng tim phổi còn ổn định. Vì vậy, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu xử trí khối thoát vị bịt và đặt lưới nhân tạo phủ lỗ thoát vị, kịp thời cứu người bệnh thoát khỏi nguy cơ hoại tử ruột.
Ca mổ do bác sĩ Bùi Văn Dũng – khoa Ngoại cùng kíp gây mê hồi sức phối hợp thực hiện. Phẫu thuật viên tiến hành đưa dụng cụ nội soi qua vết rạch vào ổ bụng kiểm tra thấy khối thoát vị là một quai ruột non chui qua và bị nghẹt ở lỗ bịt bên trái.
Sau khi giải phóng ra khỏi lỗ thoát vị, kiểm tra thấy đoạn ruột vẫn hồng hào, thông tốt. Phẫu thuật viên khéo léo phẫu tích túi thoát vị bịt, tiến hành đặt một tấm lưới nhân tạo nhằm che phủ và tăng cường độ chắc chắn cho vùng sàn chậu.
Ca mổ thành công sau 1 giờ phẫu thuật. Dù có tuổi song cụ bà sau mổ phục hồi tích cực, hết đau bụng, ăn uống bình thường, có thể nhanh chóng xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, thoát vị bịt là một bệnh lý hiếm gặp, chiếm dưới 1% trong số các loại thoát vị, nguy cơ tử vong cao nhất trong các loại thoát vị thành bụng. Thoát vị lỗ bịt xảy ra ở ống bịt hay còn gọi là ống dưới mu. Bệnh xảy ra khi các thành phần trong ổ bụng chui qua chỗ khuyết của lỗ bịt để đi vào ống bịt.
"Bệnh lý này thường xuất hiện ở nữ giới lớn tuổi, thể trạng gầy, đã sinh con nhiều lần và đi kèm với các bệnh khác. Như trường hợp của cụ L. là một ví dụ điển hình. Bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp lại bị bệnh lý cấp tính gây đau bụng dữ dội, tình trạng này nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ phải cắt bỏ ruột do hoại tử, đe dọa tính mạng, nhất là với bệnh nhân tuổi cao sức yếu", bác sĩ Hùng phân tích.
Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân của thoát vị bịt được cho là sự lỏng lẻo của sàn chậu đi kèm với tuổi cao, thể trạng gầy, lượng mỡ của cơ thể giảm có thể làm rộng lỗ bịt. Ngoài ra còn do tình trạng táo bón kéo dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cổ trướng hoặc do bất thường trong cấu trúc bẩm sinh làm tăng áp lực ổ bụng gây thoát vị bịt.
Thoát vị bịt khó phát hiện do triệu chứng đau vùng bẹn nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, việc thăm khám thông thường có thể phát hiện từ dấu hiệu đau co một chân bên bị thoát vị do khối thoát vị chèn vào thần kinh lỗ bịt.
Phương tiện tốt nhất để chẩn đoán khi nghi ngờ căn bệnh này là chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Thoát vị bịt có nguy cơ nghẹt cao do lỗ thoát vị nhỏ, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ hoại tử ruột, nhiễm trùng, sốc đe dọa tính mạng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để duy nhất với các loại thoát vị thành bụng nói chung.
"Trước kia, các trường hợp thoát vị thành bụng đều được chỉ định mổ mở để điều trị. Phương pháp truyền thống này có nhược điểm là thường chỉ xử trí được một loại thoát vị (ví dụ như thoát vị bẹn), không phát hiện được các thoát vị ẩn kèm theo, ít có yếu tố thẩm mỹ, bệnh nhân đau đớn và thời gian hồi phục kéo dài.
Hiện nay, thoát bị bịt có thể mổ bằng phương pháp nội soi, mở ra cơ hội điều trị tối ưu cho người bệnh với các ưu điểm vượt trội như đánh giá tổn thương tốt, xử lý cùng lúc nhiều thoát vị với một đường mổ, ít đau đớn, hồi phục nhanh và tính thẩm mỹ cao", bác sĩ Hùng cho biết thêm.
"Thoát vị thành bụng xảy ra khi một tạng (như mạc nối, ruột ...) trong bụng không ở vị trí thông thường mà chui ra một điểm yếu trên thành bụng có thể là ở vùng bẹn (thoát vị bẹn) hoặc ở mặt trước đùi (thoát vị đùi).
Hiếm gặp hơn, tạng thoát vị có thể chui vào lỗ bịt (còn gọi là ống dưới mu) gây ra thoát vị bịt. Tùy thuộc vào tạng thoát vị mà khối phồng có kích thước to hay nhỏ, có thể thấy bằng mắt thường hoặc cảm nhận được khi bác sĩ kiểm tra bằng tay, gây cảm giác đau ít hoặc đau nhiều.
Thoát vị nghẹt là tình trạng tạng thoát vị không thể chui ngược lại vào ổ bụng, cần được can thiệp bằng phẫu thuật sớm trong vòng 6 tiếng tránh để tạng thoát vị có thể bị hoại tử, nhiễm trùng.
Chẩn đoán thoát vị bẹn và thoát vị đùi khá đơn giản, tuy nhiên đối với thoát vị bịt thì phức tạp hơn nhiều vì biểu hiện của tình trạng này thường không đặc hiệu. Đa phần các trường hợp này được phát hiện khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tắc ruột hay đau bụng, đau vùng bẹn"
Bác sĩ Phạm Việt Hùng