Tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh viện vừa điều trị cho 1 bệnh nhân nữ mắc lupus ban đỏ hệ thống. Đáng nói, bệnh nhân này mắc bệnh đã 3 năm, rụng hết tóc, tốn tiền đi cấy tóc mà không đi khám để được chẩn đoán bệnh.
Bệnh nhân là chị Hoàng Thị D. (trí tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Bệnh nhân cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, chị thấy trong người hay mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau cơ khớp nhiều.
Từ tháng 4/2022, chị thấy tóc ngày càng rụng nhiều, thậm chí rụng cả mảng, gần đây nổi ban đỏ khắp vùng mặt. Nóng lòng muốn che phủ những vùng tóc thưa, hở trắng đầu, chị đã tìm hiểu về dịch vụ cấy tóc trên mạng.
Chị đã chọn 1 cơ sở thẩm mỹ gần nhà để được cấy tóc. Chị đã tốn 11 triệu đồng để cấy tóc và mua thuốc uống hỗ trợ. Tiền đã nộp, thuốc cũng đã mua, chị D đã thực hiện 2 trên tổng số 3 buổi cấy nhưng không thấy tóc có sự cải thiện.
Nhân viên cơ sở thẩm mỹ cho biết phải làm cả 3 buổi mới thấy tóc phát triển tốt. Tuy nhiên, thấy mặt càng ngứa và nổi ban đỏ hơn, chị D quyết định vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để khám.
Tại bệnh viện, các kết quả xét nghiệm cho thấy chị D mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Các bác sĩ cũng cho biết, tình trạng rụng tóc của chị là do lupus ban đỏ gây ra nên việc chị sử dụng dịch vụ cấy tóc sẽ không mang lại hiệu quả.
"Tôi thực sự hối hận vì suốt 3 năm mắc bệnh mà không đi khám. Vì không đi bệnh viện nên tôi đã mất 11 triệu cấy tóc vô ích. Số tiền đó tương đương với gần 1,5 tấn tóc chứ ít đâu. Tôi đã phải cấy cầy, dành dụm mãi mới có số tiền đó", chị D buồn rầu.
Sau gần 1 tuần điều trị lupus ban đỏ hệ thống tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tình trạng ban đỏ cánh bướm vùng mặt của chị D đã được cải thiện rõ rệt.
TS, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn mạn tính, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể, trong trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống có rối loạn đáp ứng miễn dịch. Khi các tác nhân nhiễm trùng hoặc các yếu tố ngoại lai như ánh nắng, hóa chất, thuốc tác động lên các tế bào của cơ thể khiến chúng bị biến đổi và trở thành “lạ” đối với chính cơ thể mình.
Lupus ban đỏ là loại bệnh không thể tự điều trị tại nhà vì bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn, phải theo dõi và làm xét nghiệm hàng tháng. Do đó, bệnh được quản lý và điều trị tại các cơ sở y tế trực thuộc tuyến Trung ương, nơi có đội ngũ bác sỹ chuyên khoa Da liễu.
"Khi thấy có những dấu hiệu bất thường về da, như: rụng tóc, nổi ban đỏ ở mặt, da dưới ánh nắng có những biểu hiện nhạy cảm về ánh sáng… nên đến các cơ sở ý tế có phòng khám chuyên khoa da liễu để được khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Người bệnh không nên tự ý đến các cơ sở không đủ uy tín, không có bác sỹ chuyên khoa sẽ khiến việc điều trị không hiệu quả, tốn kém về kinh tế mà còn mất cơ hội bỏ qua giai đoạn đầu điều trị khiến tình trạng bệnh nặng hơn", bác sĩ Hoài khuyến cáo.