Ngang hàng Lưu Bị, Tôn Quyền, vì sao Tào Tháo cả đời không xưng đế?
PV
08/05/2023 08:30 GMT+7
Lưu Bị, Tôn Quyền và Tào Tháo là 3 thế lực lớn hình thành nên thế chân vạc thời Tam quốc. Trong khi hai đối thủ lần lượt xưng đế, Tào Tháo đến lúc chết cũng không muốn lên ngôi vua. Vì sao lại vậy?
Tào Tháo nổi tiếng là người lắm mưu nhiều kế, đa nghi, gian xảo. Ông cũng là người vô cùng thông minh, biết cách nhìn người và trọng dụng nhân tài.
Chính vì vậy, Tào Tháo từng bước trở thành đại thần nắm trong tay quyền lực lớn nhất của nhà Hán, áp chế cả nhà vua. Vào năm 196, Tào Tháo ép Hán Hiến đế phải dời đô về huyện Hứa, đổi hiệu thành Kiến An. Năm 208, Tào Tháo trở thành Thừa tướng, nắm trọn đại quyền.
Đến năm 213, Hiến đế xuống chiếu, đem mười quận Hà Đông sách phong Tào Tháo là Nguỵ công. Một năm sau, ông bắt đầu hưởng thụ đãi ngộ của tước vương. Năm 215, Hiến đế cho Tào Tháo quyền phân phong chư hầu, nắm quyền lực thái thú và quốc tướng.
Vào năm 216, Hán Hiến đế phong cho Tào Tháo là Nguỵ vương, chức vụ thừa tướng Nguỵ quốc đổi thành tướng quốc. Không những vậy, Tào Tháo còn được hưởng những nghi lễ dành riêng cho hoàng đế như mũ có 12 chuỗi ngọc.
Trên thực tế, Tào Tháo nắm trọn đại quyền trong tay không khác gì hoàng đế. Thế nhưng, ông nhất quyết không xưng đế. Điều này hoàn toàn trái ngược với 2 kỳ phùng địch thủ của Tào Tháo là Lưu Bị và Tôn Quyền.
Sau khi nắm trong tay quyền lực lớn và gây dựng được nền móng vững chắc, Lưu Bị và Tôn Quyền lần lượt xưng đế sau khi lập ra nhà Thục Hán và Đông Ngô. Từ đây, nhiều người thắc mắc vì sao Tào Tháo không dám đăng cơ lên ngôi hoàng đế như 2 đối thủ "nặng ký". Theo một số chuyên gia, Tào Tháo làm như vậy là vì mưu trí sâu xa cũng như có nỗi khổ tâm không dám nói.
Bởi lẽ, trước đó, Tào Tháo đã dựa vào cái gọi là “hưng nghĩa binh, trừ bạo loạn, phò tá thiên tử, vương thất”. Ông đã chỉ huy lực lượng đánh Đổng Trác, Viên Thuật, giết Lã Bố, dụ hàng Trương Tú, đánh Viên Thiệu... với danh nghĩa tôn Hán, giương cao ngọn cờ đánh đuổi nghịch tặc.
Sau khi để Hán Hiến đế dời đô, Tào Tháo luôn mạnh miệng tuyên bố là làm theo lệnh thiên tử, kêu gọi những nhân tài muốn phục hưng nhà Hán đi theo. Nhờ vậy, Tào Tháo có thể hiệu triệu thiên hạ, thu phục lòng dân.
Do đó, nếu Tào Tháo lật đổ Hán Hiến Đế và lên ngôi hoàng đế thì sẽ đánh mất lòng dân và bị đối thủ lấy đó làm điểm yếu tấn công. Lúc ấy, Tào Tháo sẽ trở thành kẻ cướp nước và bị nhiều người quay lưng.
Vậy nên, đến lúc chết, Tào Tháo cũng không soán ngôi của nhà Hán. Dù không có danh xưng hoàng đế nhưng Tào Tháo nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, lấn át vị vua "bù nhìn" là Hán Hiến Đế.