Dân Việt

Sẽ bỏ quy định mỗi môn học phải có từ 2-6 tín chỉ trong đào tạo nghề

Theo Lao Động 07/05/2023 10:42 GMT+7
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về thời gian khoá học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng nghề, trong đó điều chỉnh và bổ sung mới nhiều nội dung đào tạo nghề so với Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH.
img

Thực hành sửa chữa ôtô trong đào tạo nghề. Ảnh: Minh Hạnh

Về yêu cầu đối với chương trình đào tạo nghề, dự thảo Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp hơn như: các nội dung chuyên môn phải xác định rõ những nội dung chính, cốt lõi của nghề nghiệp, những nội dung bổ trợ, tự chọn để người học lựa chọn phù hợp nhu cầu của bản thân; chương trình phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Bỏ quy định về trình tự thực hiện các môn học/mô đun để đảm bảo tính linh hoạt của chương trình, phù hợp với việc tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun/tín chỉ. Bỏ quy định yêu cầu về cơ sở vật chất và giáo viên do đã được quy định tại các văn bản khác có liên quan.

Về cấu trúc của chương trình đào tạo, dự thảo điều chỉnh, bổ sung một số nội dung gồm: thay đối tượng tuyển sinh thành điều kiện đầu vào. Bổ sung yêu cầu giới thiệu về chương trình/mô tả ngành, nghề đào tạo; bổ sung bảng tổng hợp các năng lực yêu cầu của ngành, nghề (căn cứ theo chuẩn đầu ra). Quy định rõ các nội dung môn học/mô đun bắt buộc, tự chọn trong chương trình.

Quy định về thời gian khóa học và thời gian trong chương trình, dự thảo bổ sung quy định thời gian khóa học không bao gồm thời gian của các nội dung học tập được miễn trừ hoặc bảo lưu do đã học.

Bên cạnh đó, bỏ quy định mỗi môn học/mô đun có khối lượng từ 2-6 tín chỉ do không cần thiết và không phù hợp với đặc thù trong đào tạo nghề. Bổ sung quy định việc quy đổi giờ ra tín chỉ đối với 06 môn học chung để tính khối lượng học tập toàn khóa được quy đổi theo tổng số giờ của cả 06 môn học do số lượng giờ học của từng môn nhỏ, khó thực hiện việc quy đổi ra tín chỉ, nhất là việc quy đổi giờ lý thuyết, thực hành, thảo luận…

Bỏ quy định về việc mỗi tuần học không quá 40 giờ thực hành hoặc 30 giờ lý thuyết vì quy định về tổ chức thực hiện chương trình trong Thông tư này là không phù hợp mà phải quy định trong các văn bản khác…