Dân Việt

Áp lực của lứa học sinh sinh năm 2006: Phải làm sao nếu thi lại?

Theo Mai Quỳnh Anh 07/05/2023 15:12 GMT+7
Lứa học sinh 2006 là lứa cuối cùng học theo chương trình sách giáo khoa cũ. Vì vậy, nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng rằng nếu phải thi lại vào năm sau thì sẽ gặp khó khăn vì chương trình học mới.

Băn khoăn của học sinh sinh năm 2006

Chương trình sách giáo khoa mới được đưa vào áp dụng từ năm học 2022-2023 với học sinh các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Với ba bộ sách "Cánh diều", "Chân trời sáng tạo" và "Kết nối tri thức với cuộc sống", học sinh có thể quyết định chương trình học của mình sao cho phù hợp với sở thích, nguyện vọng, nhu cầu cá nhân.

Chương trình sách giáo khoa mới có sự thay đổi về hình thức trình bày cũng như sắp xếp nội dung kiến thức so với bộ sách giáo khoa lưu hành trước đó. Điều này tạo nên áp lực với lứa học sinh 2006 - lứa cuối cùng theo học chương trình sách giáo khoa cũ. Một vấn đề được đặt ra, liệu các học sinh 2006 có mong muốn đi thi cùng với khóa sau có phải "học lại từ đầu" theo chương trình sách giáo khoa mới?

Áp lực của lứa học sinh sinh năm 2006: Phải làm sao nếu thi lại? - Ảnh 1.

Sách giáo khoa mới được thiết kế với nhiều màu sắc và hình ảnh minh họa, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập (Ảnh: Quỳnh Anh).

Đó cũng là băn khoăn của bạn Trần Ngọc Linh (học sinh lớp 11G, trường THPT chuyên Ngoại ngữ). Ngọc Linh cho hay: "Mình cũng thấy khá e ngại vì khi bước vào kì thi tốt nghiệp THPT đã là cả một áp lực to lớn, hơn thế nữa cơ hội để thử sức lại trong năm tiếp theo cũng không cao như trước. Đây cũng là một trong những khó khăn của các bạn có nhu cầu gap year (tạm ngừng học tập để trải nghiệm cuộc sống)".

Tuy nhiên, Ngọc Linh cũng cho rằng các phương thức xét tuyển đại học hiện nay khá rộng mở. Bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn có nhiều phương án khác để lựa chọn như xét học bạ, xét các loại chứng chỉ… Ngọc Linh chia sẻ, bạn đã chuẩn bị ngay từ bây giờ để có hành trang vững chắc cho kỳ thi quan trọng vào năm tới.

Áp lực của lứa học sinh sinh năm 2006: Phải làm sao nếu thi lại? - Ảnh 2.

Với Ngọc Linh, việc là khóa cuối cùng học theo chương trình sách giáo khoa cũ không phải vấn đề quá lớn (Ảnh: NVCC).

"Hiện tại mình cũng đã có những chuẩn bị cơ bản cho kỳ thi đại học, tìm hiểu một số ngành mong muốn để chọn tổ hợp môn thi, cũng như tìm hiểu yêu cầu xét tuyển của một số trường đại học trong nước và nước ngoài.

Về kế hoạch ôn luyện, mình đang cố gắng lấy một số chứng chỉ Ngoại ngữ như IELTS, DSD II (chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Đức B2-C1) và lên kế hoạch tập trung học các môn trong tổ hợp thi", Ngọc Linh cho hay.

Bạn Yến Nhi (học sinh lớp 11B2, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT Hòa Bình) bày tỏ sự lo lắng khi đề cập đến vấn đề trên. Theo Yến Nhi, chương trình sách giáo khoa mới có nhiều thay đổi so với chương trình sách mà các học sinh khóa 2006 đang theo học.

"Mình đã xuống thư viện xem qua và thấy chương trình sách giáo khoa mới có độ khó cao hơn, hàn lâm hơn, có cả một số kiến thức được đưa từ bậc Đại học xuống. Các em khóa dưới được tiếp xúc với kiến thức nâng cao từ sớm, học trước nhiều kiến thức hơn so với lứa chúng mình. Các thầy cô có nhắc nhở chúng mình về vấn đề này nhưng không nhiều. Chính vì vậy, mình khá là lo lắng, quan ngại vì nếu chúng mình muốn thi lại thì sẽ gặp nhiều khó khăn", Nhi cho hay.

Bạn Vi Thảo (học sinh lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) chia sẻ, các thầy cô vẫn luôn nhắc nhở học sinh sinh năm 2006 về việc sách giáo khoa có sự thay đổi ở khóa sau nhưng cũng không quên động viên, lên kế hoạch ôn tập chi tiết cho các em.

"Theo mình, lứa 2006 có áp lực nhưng cũng không hẳn là thiệt thòi nếu như biết tận dụng lợi thế. Nếu như các bạn có hướng đi rõ ràng trong học tập, tập trung ôn luyện theo các dạng đề mà các anh chị khóa trước đã để lại, cộng với sự tận tình chỉ bảo của các thầy cô thì mọi thứ vẫn sẽ ổn", Thảo nói.

"Sẽ luôn có những phương án phù hợp để hỗ trợ các bạn và không ai bị bỏ rơi"

Là một giáo viên chủ nhiệm lớp 11, thầy Phạm Đình Mẫn (giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) cho hay, đáng lo lắng nhất là các thí sinh trượt tốt nghiệp và phải thi lại - sự thay đổi của chương trình sách giáo khoa có thể là một khó khăn cho các bạn.

Áp lực của lứa học sinh sinh năm 2006: Phải làm sao nếu thi lại? - Ảnh 3.

Giáo viên cho rằng chương trình sách giáo khoa mới tuy có thay đổi, song về nội dung cơ bản không khác nhiều so với sách giáo khoa cũ (Ảnh: Quỳnh Anh).

Thầy Mẫn nhận xét: "Điều mà tôi lo là nếu các bạn trượt tốt nghiệp thì sẽ phải học lại, thi lại. Nếu các bạn thi trượt thì có thể Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ cho bảo lưu kết quả và các bạn chỉ cần thi những môn chưa đạt thôi. Sẽ luôn có những phương án phù hợp để hỗ trợ các bạn và không ai bị bỏ rơi.

Về bản chất, chương trình sách giáo khoa mới chỉ khác về thứ tự nội dung, kiến thức thì tương tự nhau và thêm một số phần mới nhưng không nhiều. Tôi cũng thường xuyên nhắc học sinh rằng, khóa cuối cùng là một điều may mắn nhưng cũng là một thử thách. May mắn là chương trình thi dành cho lứa học sinh sinh năm 2006 chưa thay đổi, các thầy cô vẫn quen thuộc với các phương pháp ôn tập để hướng dẫn các bạn. Tuy nhiên, nếu không may thi trượt thì rất có thể các bạn sẽ loay hoay, lúng túng khi thi cùng khóa sau".

Giải đáp cho những băn khoăn trên của các học sinh sinh năm 2006, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng quyền tuyển sinh thuộc về các trường đại học. Các cơ sở giáo dục sẽ công bố phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức. Nếu các thí sinh học chương trình cũ muốn thi lại vào các năm sau thì phải chấp nhận "cuộc chơi" khi khóa sau được giảng dạy theo phương pháp mới, được tiếp cận theo năng lực nhiều hơn.

Đồng thời, bà Thủy cũng khuyên học sinh không nên quá lo lắng vì nội dung chương trình sách giáo khoa mới và cũ không có nhiều khác biệt. Ngoài ra, các trường đại học hiện nay cũng kết hợp rất nhiều phương thức xét tuyển chứ không chỉ riêng xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các học sinh sinh năm 2006 nên cố gắng ngay từ bây giờ để có kết quả như ý ngay từ lần thi đầu tiên.