Cái nắng như nung ở Siem Reap kéo dài trong khoảng 10 giờ đồng hồ từ 7 giờ sáng tới 16 giờ chiều, như thử thách ý chí, nghị lực, sự kiên định của mỗi VĐV, thành viên ban tổ chức, du khách và giới truyền thông. Chúng tôi không nhớ là mình đã uống bao nhiêu chai nước khi dõi theo bước chạy của các VĐV marathon và đi bộ 20km. Chỉ biết rằng, điện thoại, máy ảnh đều nóng bỏng, áo đẫm mồ hôi có thể vắt ra nước như khi vừa giặt xong.
Nhưng sự nhọc nhằn, vất cả của các VĐV và các phóng viên xem ra cũng chẳng thấm là bao nếu chứng kiến cảnh lênh đênh trên Biển hồ Tonle Sap của gần 400 hộ gia đình gốc Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia với rất nhiều câu chuyện cảm động mà có lẽ chỉ có niềm tin, sứ mệnh làm một điều gì đó có ích cho đời mới giúp những người như cô giáo Cao Thị Tuyết Mai có đủ bản lĩnh vượt qua tất cả, trụ vững ở Biển hồ Tonle Sap.
Những câu chuyện khác nhau ở một nơi không khí SEA Games 32 vô cùng sôi động như Phnom Penh và ở một nơi "không có SEA Games" như Biển hồ Tonle Sap (Siem Reap) đã được phóng viên Dân Việt đang tác nghiệp tại Campuchia ghi lại một cách chân thực nhất trong ký sự: "Tôi đi tìm "Vàng mười" SEA Games 32.
9 giờ sáng ngày 5/5/2023, ngay trước ngày diễn ra 2 nội dung thi đấu đầu tiên của môn điền kinh là marathon và đi bộ 20km, qua một đồng nghiệp TTXVN đang thường trú tại Campuchia, phóng viên Dân Việt đặt vé xe khách VET Express từ Phnom Penh đi Siem Reap. Trải qua 6 giờ di chuyển với quãng đường 315km, chúng tôi đến nơi và cảm giác đầu tiên là: "Trời ơi sao mà nắng gắt thế! Mình đứng yên còn như… say nắng, không biết các VĐV sẽ thi đấu thế nào…"
Hành trình di chuyển 6 giờ đồng hồ từ Phnom Penh đi Siem Reap của chúng tôi có thể coi là khá dài nhưng chính thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhà xe đã giúp chúng tôi có cảm giác thời gian trôi đi cũng tương đối nhanh.
Giá vé cho một hành trình như vậy là 14 đến 15 USD (khoảng 300 nghìn VNĐ). Trạm nghỉ giữa đường cũng rất sạch sẽ không thua gì… khách sạn và giá cho bữa trưa vào khoảng 3-4 USD/người.
Cơ sở hạ tầng của Campuchia vẫn chưa phát triển so với Đông Nam Á. Con đường được coi là huyết mạch của Campuchia từ Phnom Penh đi Siem Rep nhỏ tương tự như quốc lộ 1A cũ của Việt Nam. Điều làm chúng tôi đặc biệt ấn tượng là dọc hai bên đường, người dân trồng rất nhiều cây thốt nốt.
Campuchia có 97% dân số là người Khmer, và cây thốt nốt không những tượng trưng cho tâm hồn, tính cách, mà còn cả văn hoá của người dân Khmer.
"Cây thốt nốt biểu trưng cho tính nhẫn nại, chịu khó của người Khmer. Dù đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây thốt nốt vẫn vững vàng đứng vững, mang trái ngọt cho đời.
Cây thốt nốt có cây đực, cây cái. Cây đực có vòi, có thể lấy nước làm đường. Cây cái đơm hoa, ra quả uống. Thân cây thốt nốt có thể làm thuyền, lá cây thốt nốt để lợp mái nhà, đan rổ, làm quạt, đan nón…", anh Hên Văn – một người Campuchia gốc Việt Nam đang làm nghề dẫn tour du lịch, có thể nói tốt 4 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Anh và Trung Quốc chia sẻ cùng chúng tôi.
SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia vào tháng 5, đúng vào thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất. Và phải chăng, "hàm ý" của nước chủ nhà muốn các VĐV phải chứng minh ý chí, nghị lực, bản lĩnh của mình trong cái nắng nung người ở Siem Reap, trước khi có thể bước lên bục cao nhất, mang vinh quang, niềm tự hào về cho Tổ quốc? Tôi đặt vấn đề và Anh Hên Văn chỉ cười ý tứ. Sau này, khi được cùng anh đi khám phá Siem Reap tôi mới hiểu ý nghĩa của nụ cười bí ẩn ấy…
Ngồi kế bên tôi trên chuyến xe từ Phnom Penh đi Siem còn có một vị khách nước ngoài. Chị Sarah (người Anh) tới Siem Riep với mục đích đi du lịch nhưng qua câu chuyện giữa chúng tôi, chị đã biết tới SEA Games 32 và khẳng định sẽ tới khu vực Angkor Wat để chứng kiến các VĐV marathon, đi bộ 20km so tài.
Ngay từ những bước đi đầu tiên trong hành trình tác nghiệp tại Siem Reap, giới truyền thông Việt Nam đã phải đối diện thử thách, như cách các thành viên đội tuyển điền kinh Việt Nam xuất trận.
5 giờ sáng chúng tôi thức dậy, không kịp ăn sáng để nhanh chóng lên xe tuk tuk di chuyển khoảng 6km từ nơi ở tới địa điểm thi đấu bên ngoài khu vực Angkor Wat. 6 giờ sáng, trời đã bắt đầu nắng nóng và nhiệt độ tang theo thời gian, tăng theo từng km chạy của các VĐV.
Qua 20km đầu tiên, nam VĐV người Trung Quốc nhập tịch Campuchia Piseth Yang đã phải bỏ cuộc vì sốc nhiệt. Hoàng Nguyên Thanh (HCV SEA Games 31) chỉ có thể về đích thứ 3, giành HCĐ, xếp sau Agus Prayogo (Indonesia), Arbois (Philippines). "Cô bé hạt tiêu" Lê Thị Tuyết giành HCB marathon nữ.
Hình ảnh gây xúc động nhất là những bước chạy về đích của nữ VĐV Odekta Naibaho (Indonesia), hai cánh tay chị giơ cao ăn mừng HCV, sau đó từ từ đổ gục xuống. Các thành viên đội điền kinh Indonesia lập tức phải vào đường chạy đỡ Naibaho, dùng xe lăn đưa cô ra khỏi đường đua, sơ cứu, cho thở ô-xy và lập tức lên xe cấp cứu đến bệnh viện hồi sức.
Chụp những tấm hình Odekta Naibaho nôn khan sau khi vắt kiệt sức trên đường đua, mọi phóng viên trong đó có tôi đều cảm thấy xót xa và khâm phục. Không ai có thể biết những gì Odekta Naibaho đã phải đối mặt, vượt qua, những hình ảnh nào đã xuất hiện trong suy nghĩ của họ…trong suốt 42,195km chạy dưới cái nắng như thiêu đốt.
Trong rất nhiều hình ảnh ấy, có lẽ hình ảnh gia đình, người thân và màu cờ Tổ quốc là đậm nét nhất. Odekta Naibaho đã khóc khi đứng nghiêm chào cờ như một chiến binh trong lễ trao HCV marathon nữ.
Và nếu muốn tìm một người "hiểu" Odekta Naibaho nhất trên đường chạy marathon nữ SEA Games 32 thì có lẽ đó chính là cố gáiq quê Bắc Giang Nguyễn Thị Ninh – VĐV điền kinh Việt Nam năm nay mới 18 tuổi và cũng đã ngất xỉu khi về đích với thời gian 3 giờ 46 phút 44, xếp thứ 8/9:
"Ở đoạn cuối cuộc đua, tôi phải cố lết đôi chân mình đi vì lúc đó tôi chỉ muốn nằm xuống và không đứng dậy nữa… Cơ thể tôi hoàn toàn kiệt quệ bởi thời tiết nắng nóng bào mòn nhưng ý chí tôi chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, dừng lại. Có chết tôi cũng phải về đích. Ở những mét cuối, tôi đã dùng ý chí để đưa mình về vạch đích. Sau khi băng qua vạch đích tôi hoàn toàn bất tỉnh và không còn biết gì nữa", Nguyễn Thị Ninh bộc bạch cùng báo chí như bày tỏ nỗi lòng của các VĐV marathon đã chinh phục thành công đường đua SEAGames 32.
Với chúng tôi, dù không thể giành huy chương nhưng với ý chí của mình, Nguyễn Thị Ninh đã giành được "HCV trong lòng người hâm mộ". Tấm "huy chương" ấy, có thể đặt bên cạnh tấm HCV đi bộ 20km nữ của Nguyễn Thị Thanh Phúc, HCB marathon nữ của Lê Thị Tuyết, HCĐ marathon nam của Hoàng Nguyên Thanh. Tất cả cùng cộng hưởng, tôn nhau lên, cùng khích lệ tinh thần thi đấu của điền kinh Việt Nam nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung trong những ngày thi đấu sau đó…
(Còn tiếp... Kỳ 2: "Bí mật ngôi mộ cổ")