Dân Việt

Lớp học đặc biệt của phụ nữ vùng biên giới Quảng Trị

Đăng Đức 09/05/2023 06:55 GMT+7
Những lớp học được mở để dạy chữ cho phụ nữ đồng bào Pa Kô, Vân Kiều vùng sơn cước Quảng Trị đã ‘quên chữ’ hoặc chưa từng học tiếng Việt.

Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Đồn Biên phòng và các địa phương khai giảng lớp xóa mù chữ tại 2 xã biên giới Ba Tầng và Hướng Lập.

Ngày lên rẫy, tối đến lớp học chữ

Ba Tầng là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa 50km về phía Nam, chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều sinh sống.

Với mục tiêu giúp phụ nữ người dân tộc trên địa bàn xã Ba Tầng biết chữ, căn cứ kết quả điều tra lại tỉ lệ phổ cập giáo dục; đồng thời căn cứ theo nhu cầu học lớp xóa mù chữ của bà con nhân dân, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ xã Ba Tầng tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ năm 2023.

Lớp học đặc biệt của phụ nữ vùng biên giới Quảng Trị - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ khai giảng tại Ba Tầng, huyện Hướng Hóa.

Lớp học xóa mù chữ được mở tại xã Ba Tầng với 20 học viên, trong đó có 3 học viên nam, 17 học viên là nữ, độ tuổi từ 21-46. Đặc biệt, có 3 người Lào (một trường hợp đã nhập quốc tịch) cũng tham gia lớp học.

Các học viên chủ yếu là người Vân Kiều, đa số chưa từng đi học hoặc đã đi học nhưng do nghỉ giữa chừng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình, nay tái “mù”. Hiểu được ý nghĩa của việc học chữ nên các học viên đều hào hứng và quyết tâm sẽ đọc và hiểu được tiếng Việt.

Theo yêu cầu, lớp học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ sẽ giúp học viên trang bị các kỹ năng cơ bản về: Nghe, nói, đọc, viết chữ quốc ngữ và làm tốt một số phép tính cơ bản.

Cùng với đó, ngoài việc dạy xóa mù, lớp học còn lồng ghép những nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Lớp học đặc biệt của phụ nữ vùng biên giới Quảng Trị - Ảnh 2.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga tặng quà cho các học viên tham gia lớp học.

Bà Y Theo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa) cho biết, nhận thấy hiệu quả từ những lớp học xóa mù chữ thời gian qua trên địa bàn, Hội phụ nữ xã đã vận động chị em phụ nữ đăng ký tham gia lớp học để biết chữ và nâng cao hiểu biết của mình.

“Những lớp học được tổ chức tại địa phương vừa qua đã giúp cho nhiều phụ nữ biết chữ, biết viết tên mình, ký tên vào các văn bản, giấy tờ nên nhiều chị em rất phấn khởi. Năm nay, biết về kế hoạch mở lớp học xóa mù chữ, không chỉ phụ nữ ở thôn Măng Sông, mà nhiều chị em ở thôn Ba Tầng, Ba Lòng (xã Ba Tầng) cũng đăng ký tham gia lớp học”, chị Y Theo cho hay.

Lớp học tổ chức tại thôn Măng Sông do Thiếu tá Hồ Văn Hai - Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ba Tầng; bà Hồ Thị Meng- Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã cùng các thầy giáo: Nguyễn Hữu Trực, Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Ba - Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng trực tiếp tham gia giảng dạy.

Muốn chính tay mình viết tên...

Quanh năm quần quật với nương rẫy, làm bạn với cuốc, gùi, rựa, nên bàn tay các mẹ thô ráp, chai sần. Nay những bàn tay thô cứng ấy chập chững uốn nắn theo từng nét chữ, đối với các phụ nữ miền núi trở nên khó nhọc vô cùng. Bởi vậy, không phải ai cũng đủ kiên trì cho đến khi biết đọc thành thạo và viết được tên, tính được những phép tính cơ bản.

Lớp học đặc biệt của phụ nữ vùng biên giới Quảng Trị - Ảnh 3.

Trong suy nghĩ của những chị em phụ nữ Vân Kiều, niềm khát khao học chữ luôn thôi thúc các chị tìm đến lớp học.

Lớp học được tổ chức dạy vào buổi tối, khi những phụ nữ ấy đã qua một ngày tất bật với nương rẫy, đã lo toan xong việc nhà… mới yên tâm đi tìm con chữ riêng cho mình. Hơn 18h30 tối, các mẹ, các chị, các em đội chiếc đèn pin lên đầu rồi ra khỏi nhà sàn, nhìn về đầu thôn, cuối thôn, í ới gọi nhau để cùng đến lớp xóa “mù”.

Chị Hồ Thị Ngưm, học viên lớp xóa mù chữ chia sẻ: Nhiều năm qua tôi không biết chữ, khi đến trụ sở xã làm giấy tờ đều phải lăn tay. Vì không biết chữ nên chị cũng chậm nắm bắt các chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của xã và hội phụ nữ so với nhiều chị em khác.

“Bao nhiêu năm nay tôi luôn ao ước được đi học để biết con chữ. Muốn chính tay mình viết tên bản thân, tự kí tên khi làm thủ tục, giấy tờ vì xưa nay chỉ toàn lăn tay, điểm chỉ. Cả nhà ai cũng biết chữ, các con đều học giỏi và có giấy khen. Mình làm mẹ không biết chữ thì con cái ngại với bản làng lắm. Chính vì thế, từ khi cán bộ vận động, nhà trường mở lớp học xóa mù chữ tôi rất mừng và đã đăng ký tham gia ngay”, chị Ngưm nói.

Nỗi niềm của chị Ngưm cũng là tâm tư, nguyện vọng của rất nhiều phụ nữ miền núi. Chính vì vậy, những con chữ góp phần mở ra cánh cửa tương lai, tiếp cận các thông tin, kiến thức về xóa đói giảm nghèo, về đời sống văn hóa... Tuy vậy, những con chữ các chị học trên lớp được đánh đổi bằng những đêm băng rừng, vượt dốc trong ánh đuốc, ánh đèn… giữa đại ngàn.

Nâng cao chất lượng xóa mù chữ

Tại xã Hướng Lập - địa bàn đặc biệt khó khăn nằm ở phía Bắc huyện Hướng Hóa. Lớp xóa mù chữ cũng được khai giảng cuối tháng 4/2023 với 21 học viên, độ tuổi 27-39.

Hàng năm, huyện Hướng Hóa đều xây dựng các chính sách với kỳ vọng gia tăng số người biết chữ. Theo số liệu thời điểm tháng 11/2022, toàn huyện Hướng Hóa có số lượng nữ giới mù chữ mức độ I là 521 người, mù chữ mức độ II là 1.543 người, tái mù 5 người.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, việc tổ chức các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng năm nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ba Tầng. Đồng thời, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân trên địa bàn tuyến biên giới phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Lớp học đặc biệt của phụ nữ vùng biên giới Quảng Trị - Ảnh 4.

Lớp xóa mù chữ tại xã Hướng Lập được khai giảng cuối tháng 4/2023 với 21 học viên, độ tuổi 27-39.

Trước khi tổ chức lớp xóa mù chữ, các trường trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại số lượng người chưa biết chữ. Sau đó các trưởng thôn, trưởng bản, các ban ngành, đoàn thể sẽ thông tin, tuyên truyền về kế hoạch mở lớp tới người dân. Tiếp theo là điều tra nhu cầu và lập danh sách học viên mong muốn học xóa mù, trình Ban Chỉ đạo PCGD, XMC huyện để tiến hành các bước mở lớp.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, hàng năm huyện Hướng Hóa đều quan tâm, bố trí nguồn kinh phí duy trì công tác xóa mù chữ theo nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được UBND huyện phân bổ và nguồn huy động xã hội hoá giáo dục của các xã. Kế hoạch đặt ra mục tiêu duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã đạt được trong năm 2022 và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các độ tuổi trong năm 2023.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC huyện Hướng Hóa thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chính gồm: Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng giáo dục; công tác điều tra và cập nhật dữ liệu; công tác kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.