Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc bằng 2 quả bom nguyên tử do người Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, và nhất là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, bán đảo Triều Tiên chia thành 2 quốc gia, gồm CHDCND Triều Tiên (từ đây xin gọi tắt là Triều Tiên) và Đại Hàn dân quốc (hay còn gọi là Hàn Quốc), trong đó Triều Tiên được sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc và một phần từ Liên Xô, còn Hàn Quốc chủ yếu do nước Mỹ hậu thuẫn.
Nhận thức được sức mạnh của vũ khí hạt nhân trong việc bảo vệ lãnh thổ và răn đe kẻ thù, ba năm sau – năm 1956 – dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Nhật Thành, các nhà khoa học Triều Tiên bắt đầu tiến hành việc nghiên cứu nhằm làm chủ công nghệ mới mẻ ấy. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, một số cán bộ kỹ thuật Triều Tiên sang Moskva để học hỏi những kiến thức cơ bản.
Năm 1958, trước việc người Mỹ triển khai tên lửa Honest mang đầu đạn hạt nhân và lực lượng pháo hạt nhân 280mm đến Hàn Quốc, Triều Tiên và Liên Xô lập tức ký một thỏa thuận hợp tác, theo đó phía Liên Xô sẽ giúp Triều Tiên xây dựng Trung tâm hạt nhân Yongbyon, nằm ở Nyongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng 90km về phía bắc, bao gồm một nhà máy chế tạo nhiên liệu, một cơ sở tái chế nhiên liệu cùng các lò phản ứng Magnox công suất 5MW (MegaWatt), sử dụng chất Urani làm nhiên liệu.
Năm 1962, các lò phản ứng ở Nyongbyon đạt được công suất 2MW rồi đến năm 1974, được nâng lên thành 4MW. Trong khi đó, từ năm 1970, Triều Tiên bắt đầu khai thác quặng Urani ở một số mỏ nằm gần tỉnh Sunchon và Pyongsan.
Sau khi nắm được những công nghệ cơ bản về chế tạo vũ khí hạt nhân, song song với việc triển khai các lò phản ứng, từ năm 1980 đến 1985, Triều Tiên tiến hành xây dựng thêm một nhà máy ở Trung tâm hạt nhân Yongbyon để tích lũy Urania (hay còn được gọi là “Bánh Vàng” – Yellowcake).
Đây là loại Uranium thu được trong quá trình xử lý quặng Urani. Nó là loại bột màu vàng, có mùi hăng, không tan trong nước, chứa khoảng 80% Oxit Uranium. Sau đó, chất bột này được làm giàu (nghĩa là nâng thành phần Urani325 trong bột lên đến mức có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử). Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Liên Hiệp Quốc (IAEA), các lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon đã đạt đến sức mạnh 8 MW.
Năm 1985, tuy Triều Tiên ký “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” (NPT) nhưng vẫn lặng lẽ nghiên cứu và hoàn thiện cách chế tạo loại công cụ hủy diệt hàng loạt này, mặc cho nhiều biện pháp ngăn cản, trừng phạt, bao vây cấm vận của Liên Hiệp Quốc cùng một số quốc gia khác như Mỹ, Anh, Pháp… Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng không đồng ý để các thanh sát viên IAEA đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân của mình.
Mãi đến năm 1992, lần đầu tiên Triều Tiên mới cho phép một nhóm chuyên gia IAEA đến Trung tâm hạt nhân Yongbyon. Kết quả kiểm tra đã phát hiện nhiều mâu thuẫn, trái ngược với những tuyên bố của Bình Nhưỡng, rằng họ phát triển công nghiệp hạt nhân chỉ nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu dân sự. Hans Blix, người đứng đầu IAEA nghi ngờ Triều Tiên đang bí mật sử dụng lò phản ứng và cơ sở tái chế ở Yongbyon để biến nhiên liệu đã qua sử dụng thành Plutonium. Tiếp theo, các thanh tra IAEA tìm thấy thêm bằng chứng, chứng tỏ Triều Tiên đã cố tình che giấu mức độ sản xuất chất phóng xạ này.
Trước những cáo buộc ấy, tháng 3/1993, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước NPT. Đến tháng 12, Tổng Giám đốc IAEA Hans Blix thông báo “IAEA không dám bảo đảm là Triều Tiên sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân”.
Sau nhiều vòng đàm phán, ngày 12/10/1994, Mỹ và Triều Tiên đã ký một thỏa thuận khung, trong đó Bình Nhưỡng đồng ý đóng băng chương trình sản xuất Plutonium để đổi lấy xăng, dầu, lương thực cùng 2 nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ, phục vụ cho sinh hoạt dân sự. Đổi lại, Triều Tiên sẽ tháo dỡ các cơ sở hạt nhân hiện có, và các thanh nhiên liệu Urani trong các lò phản ứng sẽ được đưa ra khỏi Triều Tiên dưới sự giám sát của IAEA. Tuy nhiên, ông Hans Blix, Tổng Giám đốc IAEA nói với Bộ trưởng Ngoại giao Anh quốc hồi ấy rằng: “IAEA hoàn toàn không vui với bản “thỏa thuận khung” vì nó mang lại cho Bình Nhưỡng quá nhiều thời gian để họ có thể đối phó với việc thanh sát…”.
Quả đúng như vậy. 2 năm sau đó – ngày 18/3/1996, một lần nữa Hans Blix lại thông báo với Triều Tiên là nước này vẫn chưa thực hiện kê khai số lượng Plutonium mà họ có theo như yêu cầu trong bản thỏa thuận khung. Ngày 31/8/1998, Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa Paektusan-1, mang theo vệ tinh thăm dò thời tiết Kwangmyongsong. Các nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng vụ phóng vệ tinh chỉ là nhằm che giấu việc thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo tầm xa (ICBM). Tên lửa này đã bay qua vùng lãnh hải Nhật Bản, khiến Chính phủ Nhật rút lại 1 tỷ USD – là tiền viện trợ xây dựng 2 lò phản ứng nước nhẹ dân sự cho Bình Nhưỡng.
Từ đó đến năm 2002, Triều Tiên vẫn tiếp tục nghiên cứu, chế tạo vũ khí nguyên tử cho dù 2 nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ phục vụ dân sinh đã bắt đầu được xây dựng bởi Tổ chức phát triển năng lượng Hàn Quốc, cũng như phớt lờ những cảnh báo của Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Đến ngày 13/12, Bình Nhưỡng yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA loại bỏ con dấu niêm phong và tháo gỡ thiết bị giám sát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Khi IAEA từ chối, Triều Tiên “tự xử” một mình đồng thời tiến hành đưa các thanh nhiên liệu đến nhà máy Yongbyon để phục vụ cho việc sản xuất Plutonium. Theo IAEA, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 1.000 thanh nhiên liệu được chuyển đến các lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.
Ngày 27/12/2002, Bình Nhưỡng ra lệnh trục xuất các thanh sát viên IAEA đồng thời chính thức công bố kế hoạch mở lại một nhà máy tái chế để có thể bắt đầu sản xuất bom Plutonium trong vòng vài tháng! Ngày 10/1/2003, một lần nữa Bình Nhưỡng lại tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT.
Suốt cả năm 2003, nhiều cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc, Mỹ, IAEA với Triều Tiên đã diễn ra nhưng hầu như không đạt được kết quả đáng kể. Trong một thông điệp liên bang hàng năm, Tổng thống Bush cáo buộc Triều Tiên “đã lừa dối tất cả về tham vọng hạt nhân của mình. Nước Mỹ và thế giới sẽ không thể bị hăm dọa”. Đáp trả lại, Bình Nhưỡng nói rằng bài phát biểu của ông Bush “là một tuyên bố ngụy tạo nhằm xâm lược để lật đổ hệ thống chính trị của CHDCND Triều Tiên…”.
Ngày 5/2/2003, Triều Tiên cho biết họ đã kích hoạt lại các cơ sở hạt nhân và mọi hoạt động bắt đầu diễn ra bình thường. Điều ấy phù hợp với những ghi nhận của vệ tinh do thám Mỹ, chứng tỏ rằng Triều Tiên đang tiến hành chế tạo một quả bom nguyên tử. Đến tháng 6 Bình Nhưỡng công khai tuyên bố họ sẽ xây dựng một “lực lượng răn đe hạt nhân” trừ khi Chính phủ Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với họ.
Bước sang năm 2004, Triều Tiên đồng ý cho phép một nhóm các chuyên gia Mỹ – trong đó có nhà khoa học hạt nhân hàng đầu là Tiến sĩ Siegfried Hecker – thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon. Trở về Mỹ, ông Siegfried Hecker nói trước Quốc hội Mỹ rằng việc Triều Tiên làm giàu Plutonium là có nhưng ông không nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự chế tạo một quả bom hạt nhân.
Tuy nhiên, ngày 28/9, Bình Nhưỡng tự nhìn nhận là họ đã thành công trong việc làm giàu Plutonium từ 8.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Choe Su-hon, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên nói: “Vũ khí hạt nhân là cần thiết để tự vệ, chống lại mối đe dọa từ phía Mỹ”.
Năm 2005 trôi qua với những sự nhùng nhằng. Lúc thì Bình Nhưỡng tuyên bố đình chỉ tham gia vô thời hạn các cuộc hội nghị về chương trình hạt nhân, lúc lại nói đã đóng cửa lò phản ứng Yongbyon để tìm kiếm viện trợ lương thực, phân bón, điện năng từ Hàn Quốc.
Trải qua nhiều cuộc đàm phán tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, một tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên được công bố ngày 19/9/2005, trong đó Triều Tiên đồng ý từ bỏ tất cả các hoạt động hạt nhân của mình, đồng thời tái gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, ngay hôm sau, Bình Nhưỡng lại cho biết sẽ không bỏ chương trình hạt nhân cho đến khi có được một lò phản ứng hạt nhân dân sự.
Quả bom nguyên tử đầu tiên
Ngày 26/6/2006, một báo cáo của Viện Khoa học và An ninh quốc tế ước tính rằng thời điểm ấy, lượng Plutonium dự trữ của Triều Tiên đủ để chế tạo từ 4 đến 13 quả bom hoặc đầu đạn hạt nhân.
Ngày 4/7, Triều Tiên phóng thử nghiệm 6 tên lửa, trong đó có một tên lửa tầm xa Taepo Dong-2. Hôm sau, họ phóng tiếp một tên lửa nữa với lời tuyên bố “sẽ tiếp tục phóng”, bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ cộng đồng quốc tế.
Ba tháng sau, ngày 3/10, Đài BBC, Anh quốc đưa tin Triều Tiên đã thông báo kế hoạch thử nghiệm một loại bom nguyên tử, mà nguyên nhân là do chính sách thù địch của nước Mỹ. Ngay lập tức, một đặc sứ Mỹ lên tiếng đe dọa: “Triều Tiên có thể có tương lai hoặc có thể có vũ khí hạt nhân nhưng không thể có cả hai”. Vị đặc sứ này cũng cho rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm thử nghiệm vũ khí hạt nhân sẽ được xem như là một hành động khiêu khích cao độ”.
Ngày 6/10, vệ tinh tình báo Mỹ ghi nhận có một vụ nổ xảy ra tại khu vực thử nghiệm Hwaderi, gần thành phố Kilju. Ngay lập tức, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố: “Hội đồng Bảo an kêu gọi CHDCND Triều Tiên không tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân để tránh gây thêm căng thẳng trong việc giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình, thông qua các nỗ lực ngoại giao…”.