Vì sao chuyên gia khoan hơn 40.000 lỗ trên lăng mộ Tần Thủy Hoàng?
PV
11/05/2023 15:40 GMT+7
Nằm ở Thiểm Tây, Trung Quốc, lăng mộ Tần Thủy Hoàng ẩn giấu nhiều bí mật chờ đợi các chuyên gia giải mã. Trong số này, họ đã khoan hơn 40.000 lỗ trên gò đất chôn cất Tần Thủy Hoàng và phát hiện nhiều manh mối quan trọng.
Năm 1974, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Theo đó, các chuyên gia đã tiến hành các cuộc khai quật nhằm giải mã bí ẩn về nơi chôn cất của ông hoàng nổi tiếng lịch sử này.
Trong số các khám phá tại lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy đội quân đất nung gồm hàng ngàn tượng binh sĩ có kích thước tương đương người thật.
Số tượng binh sĩ đất nung này được đặt ở vong ngoài của lăng mộ. Đến nay, các chuyên gia mới chỉ khai quật được một phần nhỏ trong khi chưa thể tiếp cận cung điện nằm sâu hàng chục mét dưới lòng đất được cho là nơi đặt thi hài của Tần Thủy Hoàng.
Điều này khiến các chuyên gia càng tò mò hơn về cung điện này. Tương truyền, Hạng Vũ từng ra lệnh cho khoảng 300.000 binh sĩ khai quật lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.
Mặc dù đào được lối vào nhưng sau đó đội quân của Hạng Vũ liên tiếp rơi vào các cạm bẫy được bố trí bên trong lăng mộ. Điều này khiến lực lượng của Hạng Vũ tổn thất lớn. Ngay cả Hạng Vũ cũng rơi vào bẫy nhưng may mắn thoát chết.
Do không thể tiến sâu vào bên trong lăng mộ nên Hạng Vũ quyết định cho người thiêu rụi nơi an nghỉ ngàn thu của Tần Thủy Hoàng. Từ đây, một số lời đồn xuất hiện cho rằng hành động của Hạng Vũ khiến lăng mộ của Vua Tần trống rỗng.
Trước những đồn đoán này, các nhà khảo cổ đã sử dụng một số phương pháp để kiểm tra xem lăng mộ của Tần Thủy Hoàng có rỗng ruột bên trong không. Trong số các phương pháp, họ đã khoan hơn 40.000 lỗ xung quanh gò đất cao 76m rồi đưa máy dò xuống khu vực chôn cất Tần Thủy Hoàng.
Theo đó, các chuyên gia không phát hiện bất cứ dấu vết nào cho thấy nơi an nghỉ ngàn thu của Tần Thủy Hoàng có dấu hiệu từng bị lửa thiêu rụi. Thêm nữa, họ tìm thấy các bức tường đất bao quanh cung điện ngầm có độ dày từ 4 - 5m.
Cung điện ngầm sâu nghi là nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng có chiều cao hơn 30m và chiều dài hơn 300m. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện các "dòng sông" thủy ngân mô phỏng các dòng sông, biển lớn trên mặt đất của Trung Quốc thời cổ đại.
Từ những phát hiện này, các chuyên gia tin rằng, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng còn gần như nguyên vẹn, chưa phát hiện dấu hiệu bị xáo trộn do có người đột nhập vào bên trong. Vì vậy, họ hy vọng các cuộc khai quật trong tương lai sẽ giúp giải mã những bí mật về Tần Thủy Hoàng cũng như cái chết của ông.