Trong cuốn hồi ký của mình, ông Nguyễn Cao Kỳ cho thấy sự gắn bó của ông với bầu trời và những chiếc máy bay sâu đậm như thế nào, dù ông chẳng nhắc gì đến chuyện lái máy bay đi mua gà hay đá gà tận những tỉnh miệt vườn sông nước Cửu Long. Có lẽ ông thấy nó chẳng hay ho gì nhưng với dân mê gà thì chuyện ông Kỳ lái may bay, từ kiểu lái làm phi công Mỹ vãi hồn đến kiểu lái tầm thấp tránh rađa để đi… cáp độ gà, đều được "tôn" lên hàng giai thoại. Giai thoại vẫn là giai thoại và không có một tài liệu nào đủ thuyết phục là câu chuyện đó đúng hay sai.
Ông Kỳ kể trong hồi ký: “Thường thì tôi không có phương tiện trợ lực điều hành, không có thiết bị tự động giúp đỡ, mà phải bay theo quyết đoán của mình, giữa biết bao nguy hiểm và mối nguy hiểm càng tăng khi gặp các trận bão tố hoặc cuồng phong miền nhiệt đới. Những lúc ấy, chúng tôi khó mà biết được ngay một cách chính xác vị trí của sân bay gần nhất để hạ cánh. Thời đó rất ít khi chúng tôi được những người ngồi ở đài kiểm soát dưới mặt đất cho biết phải bay theo đường nào, hoặc với cao độ, hay tốc độ là bao nhiêu”.
Năm ông 30 tuổi, vừa hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Sài Gòn sau một chuyến bay đêm, ông Kỳ gặp một người lạ mặt đang chờ ông. Ông kể: “Tôi còn nhớ lúc mới gặp tôi nghĩ ông ta trông giống như một sinh viên hiền lành thứ thiệt, song ý nghĩ đó nhanh chóng chấm dứt khi tôi phát hiện cặp mắt ở đằng sau đôi kính kia không lúc nào đứng yên, mà luôn luôn liếc qua liếc lại để quan sát mọi cử chỉ và mọi người chung quanh. Ông ta tự giới thiệu một cái tên chẳng có nghĩa gì với tôi cả: William E.Colby”. Người đó, Colby, chính là Cục trưởng Cục Tình báo CIA Mỹ. Cuộc gặp gỡ lúc ông 30 tuổi ấy khiến sau này “đã có nhiều tờ báo Mỹ tố cáo rằng tôi đã làm việc cho CIA. Nhưng tôi không khi nào làm việc cho CIA cả”.
Colby có vẻ không tin tưởng lắm vào khả năng của phi công Sài Gòn nên Nguyễn Cao Kỳ đã biểu diễn một kiểu bay mạo hiểm trong chuyến chở Colby ra Đà Nẵng và nói trước khi bay: “Này ông Colby, tôi sẽ biểu diễn cho ông thấy chúng tôi bay thấp điêu luyện đến mức nào”. Và ông đã lái máy bay vượt ra biển với cao độ số 0. “Mười phút sau, tôi nhìn lại Colby và các bạn của ông ở phía sau thì thấy mặt của Colby đã trở thành gần như màu xám xịt lúc máy bay của tôi là là cách ngọn sóng chỉ có 5 bộ. Mãi khi đáp xuống Đà Nẵng, ông ta mới nở một nụ cười e thẹn. Thế rồi, khi rời máy bay, mặt ông ta trở nên hơi hồng hơn và quay lại phía tôi, nói: “Kỳ à, lần tới mà ông cho chúng tôi bay khá sát mặt nước như thế thì nên cho chúng tôi biết trước để mang cần câu cá theo nhé”.
Năm 1963, khi cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm nổ ra, Nguyễn Cao Kỳ đã khống chế đại tá tư lệnh không quân thời ấy là Huỳnh Hữu Hiền và ra lệnh cho máy bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất quần đảo uy hiếp lực lượng phòng vệ của tổng thống: “Tôi ra lệnh bắn một vài hỏa tiễn xuống thành lớn của bộ binh gần dinh Tổng thống. Sau khi bắn, chỉ có hai tên lửa, quân giữ thành của Diệm đầu hàng”.
Mười ngày sau cuộc đảo chính, Nguyễn Cao Kỳ lái máy bay đưa tướng Dương Văn Minh đi dự một cuộc lễ ở vùng ngoại ô Sài Gòn, bước xuống máy bay, Dương Văn Minh quay lại cười và đột ngột nói: “Kỳ à, tôi đã quyết định bổ nhiệm anh làm tư lệnh không quân”. Quyết định thăng cấp ấy đã mở đầu một giai đoạn mới trong đời ông và dẫn đến nhiều thay đổi bất ngờ sau đó, nhưng điều không thay đổi vẫn là sự gắn bó của ông với những đường bay…
Trước giải phóng, các lò gà độ nổi tiếng ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), Bến Lức (Long An) đều nhẵn mặt ông tướng cao bồi chịu chơi Nguyễn Cao Kỳ. Có lần, ông tướng tự lái trực thăng từ Sài Gòn bay phành phạch xuống sân bay Cần Đốt (TX.Tân An, Long An). Cánh máy bay còn chưa kịp ngừng hẳn, người dân đã nhốn nháo khi thấy mấy chiếc xe nhà binh từ Tân An rú ga chạy ầm ầm về lộ Đốc Tơ (cách sân bay Cần Đốt chừng 10km). Xe dừng ngoài quốc lộ, đám lính chạy rầm rập vô nhà ông Tám H (ông nội của chủ lò Út T bây giờ – vua gà chọi, chuyên cung cấp gà chọi từ Nam chí Bắc). Lúc này, nhà ông Tám H đang nuôi giấu cán bộ, tưởng bị giặc bố ráp nên các đồng chí nhanh chân thoát ra phía sau. Vợ chồng ông Tám H lật đật cầm dao chặt dây võng (giăng cho cán bộ nằm nghỉ), ông Tám ôm đóng võng nhảy ùm xuống ao rồi đạp mớ võng xuống bùn “phi tang”.
Vào tới sân, đám lính xếp thành hàng nghiêm chỉnh, viên sĩ quan chỉ huy bước ra trước dõng dạc chào và đòi gặp ông Tám H. Khi ông mình mẩy ướt nhẹp lội dưới ao lên, người chỉ huy mới nói gặp ông là để… mua gà nòi cho ông Nguyễn Cao Kỳ. Thì ra, nghe ông Tám H có con gà nòi đá đâu thắng đó, ông Kỳ muốn mua đem về “nhân bản” với bầy gà chiến hàng trăm con của ông. Không muốn bán, ông Tám bèn đưa ra cái giá “trên trời” là “100.000 đồng không bớt một xu”. Không ngờ, viên sĩ quan lệnh cho anh lính xách giỏ tiền ra đếm và trả đủ rồi nhắn: “Chỉ cần gà hay, giá bao nhiêu ông Kỳ cũng mua!”. Nghe nói, con gà này sau khi vô tay tướng Kỳ đá thắng rất nhiều trận, ngay trận đầu đã dư sức “gỡ vốn” nên sau đó “tướng râu kẽm” tiếp tục mua thêm của ông Tám H một “chiến kê” khác mà không cần trả giá…
Những người mê đá gà kể lại, kiểu đá độ của ông tướng này cũng rất lạ: Đối phương muốn cáp độ bao nhiêu cũng được, ông sẵn sàng đem con gà trị giá cả chục cây vàng để “đá bắt xác”, miễn gà đá hay là được. “Mọi người cứ đồn đoán ông nội tôi có quan hệ mật thiết với nhóm sư kê của tướng Kỳ để bàn luận với họ về cách nuôi gà, cách huấn luyện gà chiến. Kỳ thực là không có, bởi gia đình tôi vốn có truyền thống cách mạng, mình không muốn liên quan với tướng lĩnh chế độ Việt Nam Cộng hòa vì sợ mang tiếng. Hồi đó, bán mấy con gà là trong tình thế chẳng đặng đừng, phải mấy năm sau mới dám kể lại chứ không dám cho hàng xóm biết vì sợ họ chê cười. Ông nội tôi bảo, ông hét giá là để khỏi bán, chứ không phải vì tiền, dè đâu tướng Kỳ giá nào cũng mua, lúc đó mà không bán thì chết với họ…”, ông Út T kể lại.
Sau đời ông Tám H, cha ông Út T cũng nuôi gà chiến. Tuy nhiên, do mới giải phóng, kinh tế còn khó khăn, mọi người lo tăng gia sản xuất chẳng còn mấy ai chơi gà độ, thành ra nuôi gà chiến chỉ để thỏa đam mê, thỉnh thoảng Tết nhất, lễ lạt thì cáp độ đá văn nghệ văn gừng chứ chẳng tiền bạc gì. Tới thời ông Út T, nhà có đến 10 anh em nhưng rốt cục chẳng ai theo nghiệp đá gà, chỉ duy nhất mình ông, hồi nhỏ lẽo đẽo theo ông nội nên ngấm máu “mê gà” từ lúc mới bi bộ tập nói. “Con tôi bây giờ đi học, chẳng đứa nào mê gà và cũng chẳng biết gì về gà. Coi như nghiệp nuôi gà sắp tới sẽ thất truyền. Thôi thì tôi còn khỏe, cứ nuôi cho thỏa đam mê”, ông Út T nói.
Khi lên làm phó tổng thống, mỗi sáng, ông Nguyễn Cao Kỳ vẫn tự lái một chiếc trực thăng từ nhà riêng của mình ở Tân Sơn Nhất đảo một vòng quanh Sài Gòn rồi đáp xuống bãi cỏ trước dinh Độc Lập…
Về sau, ông tướng râu kẽm đã dùng “tài” lái máy bay không phải để đi chiến đấu mà… đi đá gà(?). Nhiều tay mê gà kể lại, có lần ông Kỳ về Cao Lãnh để làm việc nhà binh chi đó, xong việc ông hỏi ngay về gà đá. Như gãi đúng chỗ ngứa, mấy ông sĩ quan cấp tá ở Cao Lãnh huyên thuyên nói về gà, rồi bàn luận chuyện cáp độ. Họ kể ở quận Chương Thiện (tỉnh Hậu Giang ngày nay) có những bổn gà rất hay, đang làm mưa làm gió trên đấu trường, làm ông Kỳ ngồi nghe không chớp mắt. Chiều hôm đó, binh lính dưới quyền cứ nháo nhác khi không thấy chủ tướng đâu, liên lạc về Sài Gòn và nhiều căn cứ không quân khác, vẫn không thấy tin tức tướng Kỳ. Đến chập choạng tối, máy bay trực thăng của ông Kỳ mới phành phạch bay về Sài Gòn. Thì ra, khi nghe nói gà Chương Thiện đá hay, ông tướng đã “lén” lái máy bay về đó xem thử thực hư.
Về sau, nhiều lần ông lấy trực thăng chở gà xuống Chương Thiện cáp độ. Người ta kể, nhiều lần ông Kỳ đi đá gà ở vùng “giáp ranh”, ông phải bay sát ngọn dừa vì sợ rađa của cả hai phe (Cách mạng và Việt Nam Cộng Hòa) phát hiện, nhỡ bắn một phát thì tiêu tùng. Sau này, ông mới hú vía khi nghe thuộc cấp báo lại nhiều chiến sĩ bên “Giải phóng” không cần rađa vẫn có thể bắn hạ máy bay bằng… súng trường.