Theo Independent, muối ăn, hay còn gọi là natri clorua, chứa khoảng 40% natri. Đây được xem là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
Pippa Hill, chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập The Weight Loss Guru, cho biết: “Muối không phải để tạo mùi vị mà là thứ cần thiết để ăn. Chỉ với một lượng nhỏ, natri giúp dẫn truyền các xung thần kinh, co cơ và thư giãn, đồng thời duy trì sự cân bằng của nước và khoáng chất. Thiếu muối có thể dẫn đến chuột rút cơ bắp, buồn nôn, mệt mỏi và choáng váng”.
Tuy nhiên, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (Anh) NHS, người trưởng thành tiêu thụ nhiều hơn 6 gram muối/ngày, tương đương một thìa cà phê, so với khuyến nghị có thể gây hại cho sức khỏe.
Olivia Burley, chuyên gia dinh dưỡng, người làm việc trong Chương trình Phòng chống Bệnh tiểu đường của NHS, chia sẻ: “Việc ăn nhiều muối sẽ phá vỡ sự cân bằng natri tự nhiên trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến tăng huyết áp. Tình trạng này khiến huyết áp luôn tăng cao theo thời gian, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và tuần hoàn”.
Trên thực tế, trừ khi xem rất kỹ nhãn thực phẩm, không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ bản thân đang ăn bao nhiêu gram muối trong một ngày.
Thực phẩm chứa nhiều muối có thể là cá hoặc thịt gia cầm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh như thịt tẩm bột, hạt muối, đậu đóng hộp, thịt muối, súp và bánh mì.
Ngoài ra, bà Burkey khuyến cáo nếu bạn đang gặp phải bất kỳ hoặc tất cả triệu chứng dưới đây, bạn nên đi khám bác sĩ.
Mất nước do ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến đau đầu dữ dội. Theo bà Hill, những cơn đau đầu có xu hướng nặng hơn, tạo cảm giác nhói khi các mạch máu đang mở rộng. Chúng thường xuất hiện trong khoảng một hoặc 2 giờ sau khi ăn do nồng độ natri tăng lên trong cơ thể.
Thêm vào đó, cơn đau đầu có thể đến nhanh hơn nếu bạn bị huyết áp cao hoặc đau đầu mạn tính nói chung. Tuy nhiên, tình trạng này có thể giải quyết bằng cách bù nước.
“Khi mức nước của bạn bị mất cân bằng, việc uống nhiều nước hơn có thể giảm thiểu và thoát khỏi cơn đau đầu”, bà Hill chia sẻ.
Tình trạng này còn được biết là phù nề, sưng ngón tay, mắt cá chân hoặc bàn chân. Nó có thể là phản ứng chậm đối với lượng natri tăng đột biến.
Bà Burley giải thích: “Khi tiêu thụ quá nhiều muối, cơ thể sẽ giữ lại lượng natri dư thừa và làm tăng chất lỏng bên ngoài tế bào. Điều này khiến thận bị suy giảm chức năng, loại bỏ ít nước hơn, từ đó làm tăng huyết áp”.
Sưng có thể xuất hiện nhiều hơn khi ngồi quá lâu hoặc trong những chuyến đi dài.
“Đây không phải là phản ứng xảy ra tức thì sau khi ăn. Nhưng nếu bị sưng tấy ở những vùng này trong 24 giờ sau khi ăn thức ăn mặn, đây có thể là lý do. Tốt nhất là bạn cần đi khám nếu điều này đang diễn ra, vì nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn”, bà Hill nói thêm.
Bà Hill cảnh báo muối là nguyên nhân lớn nhất gây ra bệnh cao huyết áp. Chỉ trong vòng 30 phút, ăn quá nhiều muối sẽ gây ra phản ứng cơ thể đối với các mạch máu.
Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.
Bà Hills bổ sung: “Nếu sau khi ăn một chế độ ăn mặn, bạn có các triệu chứng gồm mờ mắt, đau ngực như cảm giác thắt chặt, đánh trống ngực, khó thở hoặc đột ngột chảy máu cam, điều đó có nghĩa là bạn bị tăng huyết áp”.
Ngoài ra, theo bà Burley, tăng huyết áp thường không có triệu chứng và cách duy nhất để biết huyết áp của bạn là theo dõi bằng máy.
Bà Burley cho hay khát nước quá mức là phản ứng phổ biến khi ăn thức ăn mặn. Theo một cách tự nhiên, điều này dẫn đến tăng tiêu thụ chất lỏng, gây đi tiểu nhiều.
Bằng cách gửi tín hiệu bạn cần uống nhiều chất lỏng, cơ thể sẽ loại bỏ lượng muối dư thừa bị tích tụ. Mặc dù uống nhiều nước để đáp ứng với sự gia tăng lượng muối là một trong những lý do chính khiến đi tiểu thường xuyên, đó có thể là triệu chứng của các tình trạng khác như đa niệu.