Đóng góp vào những thắng lợi đó, công tác ngoại giao có vai trò cực kì quan trọng: từ Hiệp định Sơ bộ năm 1946 đến Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973, là những bước tiến lớn của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp, nền độc lập non trẻ của dân tộc Việt Nam đứng trước muôn vàn thử thách hiểm nghèo…
Cùng với giặc đói và giặc dốt, giặc ngoại xâm là hiểm họa lớn nhất. Ở miền Bắc Việt Nam, 20 vạn quân Tàu Tưởng vượt biên giới Việt - Trung tiến vào tước khí giới quân Nhật, đem theo nhiều tổ chức Việt gian. Tại miền Nam, theo chân quân Anh vào giải giáp quân Nhật, nhiều đơn vị quân Pháp tiến vào Sài Gòn. Quân Pháp manh động khiêu khích, tấn công vào một số vị trí trọng yếu của chính quyền cách mạng, giết hại thường dân. Tình thế càng hiểm nghèo khi ngày 9/10/1945, Anh đã ký với Pháp một hiệp định, chính thức công nhận quyền dân sự của Pháp tại Đông Dương và ngày 1/1/1946, Anh ký hiệp định trao quyền cho Pháp giải giáp quân đội Nhật từ phía Nam vĩ tuyến 16 trở vào. Ngoài những hiểm họa trên, trong thời gian Nhật chiếm đóng Đông Dương, Pháp vẫn duy trì 50.000 quân tại Đông Dương. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, trên lãnh thổ Việt Nam còn có khoảng 60.000 quân Nhật chờ giải giáp.
Như vậy thời điểm đầu năm 1946, trên lãnh thổ Việt Nam có hơn 300.000 quân của nước ngoài với những lợi ích, âm mưu khác nhau nhưng đều có chung mục đích tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ. Để đối phó với thù trong giặc ngoài, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã phân tích, chỉ đạo triệt để lợi dụng những mâu thuẫn, khó khăn của Pháp, Tưởng để kéo dài thời gian hòa bình, củng cố chính quyền cách mạng.
Ngày 5/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển thông điệp sẽ ký kết với phía Pháp thỏa ước chấp nhận một số quân Pháp được vào miền Bắc Việt Nam để thay thế 20 vạn quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Tối 5/3/1946 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Sainteny, đại diện chính phủ Pháp và họp đến quá nửa đêm nhưng vẫn không đạt được thỏa thuận. Vấn đề mấu chốt là nền độc lập của Việt Nam bị phía Pháp kiên quyết khước từ. Đến rạng sáng 6/3/1946, văn bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp vẫn chưa được hoàn thành; đồng thời quân đội Tưởng - Pháp cũng chưa đạt được sự thỏa thuận về việc thay quân theo Hiệp ước Hoa - Pháp (ký kết tại Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 28/2/1946).
Qua phân tích tình hình, Bác Hồ nhận định: Phải tránh để Việt Nam phải đối đầu với cả quân Pháp lẫn quân Tưởng. Kẻ thù chính lúc này của Việt Nam là thực dân Pháp, nhưng 20 vạn quân Tưởng là một mối họa lâu dài, còn nguy hiểm hơn. Khi gặp Sainteny vào đầu giờ chiều 6/3, Người đã đề nghị thay cụm từ "độc lập" bằng "tự do" trong bản dự thảo Hiệp định Sơ bộ. Vậy là, vấn đề mấu chốt, vô cùng nhạy cảm đã được thỏa thuận. Nội dung Hiệp định Sơ bộ có những điểm chính sau:
Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có Chính phủ, có Quốc hội, có Quân đội, có tài chính của mình, là thành viên của Liên hiệp Pháp và của Liên bang Đông Dương. Về hợp nhất ba kì, Chính phủ Pháp cam đoan thừa nhận những quyết định của nhân dân Việt Nam thông qua trưng cầu dân ý. Việt Nam chấp thuận cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân Trung Quốc (Quốc dân Đảng) giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp sẽ rút hết trong hạn 5 năm, mỗi năm rút 1/5...
Hiệp định Sơ bộ là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam: Dù chưa được Pháp cũng như thế giới công nhận, nhưng đại diện Chính phủ Pháp đã ký với Chủ tịch Hồ Chí Minh một bản Hiệp định, qua đó mặc nhiên thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thực thể chính trị, một chính quyền đại diện của nước Việt Nam; nước Việt Nam từ vị thế thuộc địa của Pháp, không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng được công nhận là "một quốc gia tự do, có Quốc hội, có Quân đội, có tài chính của mình".
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.
Đến đầu năm 1954, sau nhiều thất bại trên chiến trường tại Việt Nam, thực dân Pháp hiểu rõ không thể giành được thắng lợi quân sự và buộc phải tính kế đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu", ngày 8/5/1954, Hội nghị Genève bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương. Ông Bidault, Ngoại trưởng Pháp mở đầu bài phát biểu bằng giọng hụt hơi vì xúc động, thông báo "Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ". Mặc dù thông tin này đã được lan truyền qua báo chí, song nó vẫn gây hai trạng thái tâm lý trái ngược với hai phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là người đại diện phái đoàn Pháp, Ngoại trưởng Bidault đề nghị thực hiện một cuộc "tổng ngưng chiến" trên toàn Đông Dương…
Qua gần hai tháng rưỡi (từ 8/5/1954 đến 20/7/1954), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các bên liên quan đã xúc tiến nhiều cuộc đàm phán gay cấn. Cuối cùng, ba hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cao Miên (Campuchia) được ký kết. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam có 6 loại điều khoản, với 47 điều, gồm một số nội dung chính như sau:
Quy định về giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự. Trong đó quy định Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc vĩ tuyến 17, quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến tạm thời này; thời hạn di chuyển hai bên không vượt quá 300 ngày…
Ngoài ra, còn có những nội dung căn bản như quy định về nguyên tắc thi hành hiệp định; cấm đưa thêm quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược mới, lập căn cứ quân sự... Một nội dung cực kỳ quan trọng, nguyên văn: "Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7/1956; kể từ ngày 20/7/1955, hai bên sẽ gặp gỡ để thương lượng vấn đề đó".
Theo trình tự, việc đàm phán Hiệp định Sơ bộ năm 1946 diễn ra trong khoảng 30 giờ đồng hồ, Hiệp định Genève diễn ra 72 ngày thì Hiệp định Paris kéo dài kỷ lục, khoảng gần 5 năm: hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ gặp nhau chính thức tại Paris ngày 13/5/1968 đến khi ký kết Hiệp định là 27/1/1973.
Đúng như Bác Hồ nhận định: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn". Quá trình "vừa đánh, vừa đàm" kéo dài gần 5 năm trời và Mỹ chỉ nhượng bộ khi chịu thêm những thất bại về quân sự ở Việt Nam; đặc biệt sau trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972, thì Mỹ hầu như chấp nhận bản dự thảo Hiệp định đã được thống nhất trước đó và các bên chính thức ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
Nội dung cơ bản của Hiệp định Paris như sau: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu; triệt thoái hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam; Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do; Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị…
Hiệp định Paris đã tạo ra thay đổi căn bản về tương quan lực lượng chính trị và quân sự ở miền Nam Việt Nam. Với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đây là những mục tiêu cơ bản đặt ra trong quá trình đàm phán; và đây cũng là những nội dung mấu chốt mà phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cương quyết không nhượng bộ trong quá trình đàm phán. Việc quân Mỹ rút hết, quân Sài Gòn không còn chỗ chống lưng, trong khi lực lượng chính trị, quân sự của ta vẫn giữ nguyên tại chỗ, đã đưa tới những thắng lợi to lớn tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
Như vậy, từ Hiệp định Sơ bộ năm 1946, ta phải chấp nhận 15.000 quân Pháp vào miền Bắc, đến Hiệp định Genève năm 1954, quân Pháp rút đi thì lực lượng kháng chiến cũng phải rút về phía Bắc vĩ tuyến 17, đến Hiệp định Paris thì những thắng lợi căn bản và toàn diện trên bàn đàm phán đã báo trước ngày "Đất nước trọn niềm vui" vào mùa Xuân năm 1975.