Sáng 13/5, tại ngôi nhà trên phố Thành Công, quận Hà Đông (Hà Nội), đã xảy ra vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm, một người bị thương. Hiện trường vụ cháy là ngôi nhà 3 tầng, 1 tum và phần mặt tiền của căn nhà được lắp kín bằng những khung sắt gây cản trở việc cứu hỏa, cứu nạn.
Hiện trường ngôi nhà xảy ra vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội. Clip: Gia Khiêm
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cháy tại những ngôi nhà "chuồng cọp", gây khó khăn cho công tác cứu hỏa, cứu nạn. Việc lắp đặt lồng sắt (hay còn được gọi là "chuồng cọp") nhằm mục đích bảo vệ an ninh trở nên phổ biến ở các đô thị. Nếu như nhiều năm trước việc này chủ yếu xuất hiện ở những khu chung cư, tập thể cũ thì hiện nay trở nên phổ biến ở ngay cả những ngôi nhà liền kề hay nhà dân trong các ngõ nhỏ ở Hà Nội.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại các quận nội thành Hà Nội như Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm,… dân cư tập trung đông. Nhiều khu ngõ sâu hun hút chật hẹp nhưng xung quanh nhà được xây dựng chuồng cọp, khung sắt rất kiên cố.
Tại nhiều ngõ dọc đường Nguyễn Trãi, Hà Nội chúng tôi ghi nhận hình ảnh những căn nhà mặt phố cũng được quây kín bởi hệ thống "chuồng cọp" nhằm phòng trộm. Tuy nhiên, việc này vô tình đã bịt kín lối thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn.
Bà Nguyễn Thị T. (một người dân sinh sống ở ngõ Triều Khúc) cho biết, căn hộ của bà rộng 40m2 xây 5 tầng. Vì sợ trộm cắp nên nhà bà đã hàn khung sắt các tầng rất kiên cố.
"Gia đình tôi dựng 'chuồng cọp' để đảm bảo an ninh. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều làm như vậy. Qua mấy vụ việc gần đây thiệt hại người, tài sản, tôi cũng biết là tiềm ẩn nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ nhưng nếu không làm kiên cố nhỡ mất mát tài sản cũng lo sợ", bà T. nói.
Không phủ nhận việc xây dựng "chuồng cọp" bên cạnh mục đích mở rộng diện tích sinh sống, đây cũng là nhu cầu cần thiết của người dân nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng trong bối cảnh tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng vô hình chung nó lại trở thành "con dao hai lưỡi" khi xảy ra sự cố bởi căn nhà chỉ có một lối thoát duy nhất.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liện quan đến việc không có lối thoát hiểm do "chuồng cọp" bị quây kín gây hậu quả đáng tiếc, như: Vụ hỏa hoạn tại khu tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) mới đây làm 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương xảy ra rạng sáng ngày 21/4/2022; vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội 4 người tử vong ngày 4/4/2021, vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào năm 2016 làm 13 người thiệt mạng; cháy nhà ngõ 41 phố Vọng (Hai Bà Trưng) năm 2017 làm 2 người thiệt mạng…
Trao đổi với PV Dân Việt, đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho rằng, những vụ việc hoả hoạn vừa xảy ra đều để lại những hậu quả hết sức đau lòng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.
Qua quan sát vụ hoả hoạn nhà dân ở phường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), đại tá Xiêm đánh giá có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thương vong lớn trong vụ việc trên.
Thứ nhất, khói độc theo cầu thang, lan nhanh lên các tầng phía trên khiến các nạn nhân không còn đủ tỉnh táo để thoát nạn, thậm chí nhanh chóng lịm đi rồi tử vong. Kết cấu căn nhà với cầu thang hở, do vậy khói sẽ lan nhanh lên, trước khi lửa kịp bùng lên. Theo nghiên cứu, những đám cháy trong nhà và phòng kín, vì hàm lượng oxy cung cấp không đủ nên đám cháy sinh ra nhiều khí độc, trong đó đặc biệt là cacbon monoxit (CO). CO là 1 khí độc không màu, không mùi, không vị. Đây chính là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn những hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.
"Ở thời gian đầu, khí CO không gây khó chịu nên người hít phải rất khó phát hiện. Tuy nhiên khi ngọn lửa bùng phát mạnh, với nồng độ CO là 0,32%, nạn nhân có thể bị tử vong chỉ từ 30 phút tiếp xúc. Thậm chí mức độ nặng hơn là 1,28% CO, nạn nhân có thể bất tỉnh trong 2-3 hơi thở, tử vong chỉ sau 3 phút. Chưa kể, vụ cháy trong nhà dân ở đô thị còn kèm theo nhiều khí độc khác khi lửa lan vào sơn tường, vật dụng …", đại tá Xiêm thông tin.
Cũng theo đại tá Xiêm, thứ hai, người bị nạn là trẻ nhỏ và người già nên sức chống chịu và kỹ năng thoát nạn kém. Kể cả vụ 3 nữ nhân viên tử vong ở quán bar tại Hải Phòng chạy lên tầng 4 để thoát ra ngoài nhưng không kịp và bị ngạt khí.
"Trong một sự cố bên cạnh việc ứng xử an toàn thì người gặp nạn cần kỹ năng ứng xử thông minh để nhanh chóng tìm được phương án thoát nạn. Rất tiếc, với người già và trẻ nhỏ thì việc này khó có thể thực hiện. Từ hình ảnh hiện trường, một nguyên nhân nữa là từ tầng 2 đến tầng 3 được lắp khung sắt bảo vệ.
Về bản chất, đây là việc người dân phòng chống trộm cắp nhưng vô tình làm khung, lồng tự nhốt mình khi xảy ra hỏa hoạn. Khi xảy ra vụ cháy vào sáng 13/5, 4 nạn nhân đều ở 2 tầng này do vậy đây được đánh giá là nguyên nhân khiến việc tìm lối thoát và cứu nạn, cứu hộ gặp khó khăn. Hàng xóm cố ném quả nổ chữa cháy lên tầng 2-3 nhưng bất thành", ông Xiêm nêu.
Về giải pháp lâu dài, đại tá Xiêm cho rằng việc phổ biến kiến thức thoát nạn và phòng cháy là yếu tố then chốt cần thực hiện. "Có 3 yếu tố gây cháy, thứ nhất là chất cháy ở nhà nào cũng có, thứ 2 là oxy cũng có mặt ở mọi nơi, chỉ có cái thứ 3 là nguồn nhiệt chúng ta có thể kiểm soát được", ông Xiêm nói và cho biết kiến thức về việc kiểm soát, cách ly nguồn nhiệt cần được lực lượng cơ sở phổ biến rộng rãi hơn tới người dân đặc biệt thời điểm hè nắng nóng nguy cơ cháy nổ rất cao, đôi lúc do các nhà dân, cơ sở sử dụng nguồn điện lớn gây quá tải dễ chập cháy.
Trao đổi với PV Dân Việt, thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay, thời gian đầu hè nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.
Thượng tá Quyến khuyến cáo người dân không nên để xe đạp, xe máy trong nhà. Sau khi sử dụng xong phải khoá lại bình gas, không nên lắp chuồng cọp, nếu có lắp phải mở cửa nhỏ khi cần thiết để thoát nạn.
"Nếu có điều kiện thì lắp hệ thống báo cháy, trang bị hệ thống điện thường xuyên kiểm tra, tránh quá tải. Không để vật liệu cháy nổ sát hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện. Cửa nếu có điều kiện sợ quên chìa khoá thì thay bằng khoá vân tay để dễ mở thoát nhanh nhất. Nếu muốn an toàn tôi cho rằng nên bỏ chuồng cọp. Nếu không đảm bảo an toàn sợ trộm cắp người dân có thể thay thế các cửa bằng vật liệu chống đột nhập như cửa sắt, khoá nhưng có điều kiện để ra ngoài trong. Nếu triệt tiêu được những vấn đề trên thì gia đình luôn luôn an toàn", thượng tá Quyến nhấn mạnh.