Dân Việt

Sau vụ ba ca ngộ độc botulinum: Nguy hiểm khi cạn kiệt thuốc hiếm

Bạch Dương 18/05/2023 13:36 GMT+7
Hai lọ thuốc giải độc tố botulinum cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được sử dụng cho 3 bé ngộ độc botulinum sau khi ăn giò lụa bán rong. Hiện cả nước không còn lọ thuốc giải độc độc tố botulinum nào.
Sau vụ ba ca ngộ độc botulinum: Nguy hiểm khi cạn kiệt thuốc hiếm - Ảnh 1.

Ba bệnh nhi ngộ độc botulinum đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BVCC

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đang xúc tiến các thủ tục, gửi công văn khẩn cấp đến Bộ Y tế để tiến hành mua thuốc giải độc thuộc loại rất hiếm BAT (Botulism antitoxin heptavalent). Động thái này là vô cùng tối khẩn vì đến thời điểm này, cả nước nói chung, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng, không còn lọ thuốc BAT nào để dự phòng.

Hai lọ thuốc BAT được chuyển khẩn từ Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Quảng Nam về Bệnh viện Nhi đồng 2 tối 16/5 là hai lọ thuốc giải độc tố botulinum cuối cùng của cả nước. Đây là 2 lọ còn lại trong số 5 lọ BAT được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến Quảng Nam để hỗ trợ chữa trị chùm 10 ca ngộ độc botulinum do ăn cá muối ủ chua, trong đó một người tử vong,

TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 3 ca ngộ độc botulinum lần này đều là trẻ em nên 2 lọ thuốc được chia ra vừa đủ liều lượng để cứu các em. Sau 2 ngày được được truyền thuốc giải độc BAT, hiện sức khỏe cả 3 bệnh nhi có cải thiện, đang được tiếp tục theo dõi sát.

"Ngay trong ngày 17/5, chúng tôi đã khẩn cấp gửi công văn ra Bộ Y tế để xin phép mua thêm thuốc BAT. Hai lọ thuốc vừa dùng đã là 2 lọ cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy rồi. Đây là thuốc giải độc thuộc loại hàng hiếm. Ngộ độc botulinum chỉ có thể cứu được bằng thuốc BAT. Trường hợp bây giờ xảy ra thêm vụ ngộ độc tương tự nữa thì không có thuốc giải độc. Phương pháp cuối cùng là chỉ điều trị theo triệu chứng", BS Thức nhấn mạnh.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Đơn vị Hồi sức chống độc kiêm Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển. Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp và tử vong.

Theo BS Nguyễn Tri Thức, khu vực miền Nam hiện đã hết sạch thuốc hiếm BAT, thông thường Việt Nam không dự trữ loại thuốc này hoặc cả nước chỉ có vài lọ. Đây là thuốc cực hiếm, giá thành cũng rất cao, khoảng 8.000USD/lọ.

Bác sĩ Thức cũng nhắc lại đề xuất của Bệnh viện Chợ Rẫy về việc cần phải có quy định dự trữ thuốc hiếm mang tính quốc gia. Trong đó, cần lưu trữ sẵn sàng các loại thuốc hiếm (như BAT, thuốc giải độc rắn…) do Bộ Y tế quản lý và điều phối để sẵn sàng cứu người khi có ca bệnh.

Sau vụ ba ca ngộ độc botulinum: Nguy hiểm khi cạn kiệt thuốc hiếm - Ảnh 3.

Hiện không còn thuốc giải botulinum dự trữ. Ảnh: BVCC

Các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc giải độc đang bị thiếu bởi các thuốc này thường thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Thuốc này cũng không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới mặc dù hiệu quả rất tốt.

Nhiều cơ sở y tế đang thiếu thuốc giải độc thuộc nhóm thuốc hiếm như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia; thuốc giải độc cho người bị ngộ độc botulinum, asen, thủy ngân... Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế nhưng thời gian điều trị dài hơn và hiệu quả không cao.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc hiếm là thuốc ít phải sử dụng, giá trị thường lớn, nếu lưu trữ lâu mà không có bệnh nhân sẽ hết hạn phải tiêu hủy. Tình huống này dễ bị quy về việc lãng phí. Do đó, cần có quy chế rõ ràng về việc lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia.

Sau 4 ngày điều trị tích cực, sức khoẻ của 3 bệnh nhi là anh em ruột bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán rong trên đường đã có những biến chuyển khả quan. Bé N.Đ (13 tuổi) bị nặng nhất, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản thở máy, hiện vẫn đang tiếp tục thở máy thông số thấp nhưng đã thực hiện được theo y lệnh, kích thích đau đáp ứng, sức cơ cải thiện 3/5.

Hai bé N.H (14 tuổi) và N.X (10 tuổi) tri giác tỉnh, sức cơ 4/5, tiếp tục được theo dõi sát.