Dự Đại hội có bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương; bà Sái Thị Yến, Bí thư Thị uỷ Kinh Môn cùng các đại biểu là lãnh đạo UBND thị xã, các phòng, ban, ngành của thị xã. Đặc biệt về dự đại hội có 175 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 32.000 hội viên nông dân trong toàn thị xã Kinh Môn.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, hội viên nông dân đã giúp công tác hội và phong trào nông dân thị xã nhiệm kỳ qua đã có bước phát triển nhanh và chuyển biến tích cực, đạt kết quả đáng phấn khởi trên các mặt công tác, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết Đại hội lần thứ X đã đề ra.
Khi đề cập đến những hạn chế còn tồn tại của nhiệm kỳ qua, bà Tâm nhấn mạnh "Với tinh thần trách nhiệm cao trước giai cấp nông dân, tôi đề nghị đại hội tiếp tục thảo luận sâu về những hạn chế, yếu kém; phân tích rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan để tìm giải pháp khắc phục, nhằm đưa công tác hội và phong trào nông dân hiệu quả thực chất hơn trong thời gian tới".
Bên cạnh việc nhất trí với những giải pháp mà Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hải Dương còn đề nghị, các cấp hội của thị xã cần quan tâm, chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động hội để xây dựng tổ chức hội thực sự vững mạnh. Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân. Đây là vấn đề không mới nhưng đòi hỏi các cấp hội phải tiếp tục làm tốt hơn nữa, việc xác định nội dung hoạt động phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của từng đối tượng hội viên, phải hướng vào giải quyết những vấn đề thiết thực với nông dân. Phải bám sát chủ trương nghị quyết của Thị ủy, định hướng của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh để cụ thể hóa phù hợp với nhiệm vụ của hội.
Đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển đổi số trong công tác hội và phong trào nông dân; tích cực thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động của hội như: Sử dụng chữ ký số, gửi, nhận văn bản tài liệu thông qua hệ thống quản lý văn bản điện tử. Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn, gắn tem truy xuất nguồn gốc quảng bá giới thiệu và tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ hỗ trợ nông dân; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn vay giúp nông dân phát triển sản xuất; gắn việc cho vay vốn với tổ chức tốt hoạt động hỗ trợ dịch vụ và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể các công ty doanh nghiệp cung cấp thông tin thị trường giá cả hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa và vận động liên kết thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn khoa học kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Chủ động lựa chọn đăng ký phần việc cụ thể với cấp ủy chính quyền trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tích cực vận động nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.
Quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức hội, xây dựng đội ngũ cán bộ hội nông dân có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác hội, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn cao hơn. Có phương pháp làm việc khoa học, gần gũi cơ sở, hiểu biết sâu sắc chính sách pháp luật, có năng lực thuyết phục, vận động xã hội chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
Tăng cường công tác phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, phát hiện và giới thiệu những hội viên tiêu biểu thông qua các phong trào, các mô hình kinh tế, các hoạt động hội để lan tỏa đến cộng đồng.
Trước đó, trong phần trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Hội Nông dân thị xã Kinh Môn cũng đã nêu bật nhiều kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đó là, các cấp hội luôn quan tâm chú trọng việc phát triển tổ chức hội theo hương nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng cơ sở, chi, tổ Hội. Do đó chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở hội đã được nâng lên rõ rệt. Nhiệm kỳ qua, toàn thị xã đã kết nạp được 3.871 hội viên mới, đưa tổng số hội viên của toàn thị xã lên 31.646 hội viên. Hàng năm có từ 95% đến 100% cơ sở Hội đạt vững mạnh, không có chi Hội yếu kém.
Các cấp Hội nông dân thị xã Kinh Môn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp hội viên, nông dân theo hướng phù hợp với từng đối tượng ngành nghề, nhu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Mở rộng đẩy mạnh phát triển thành lập chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, nông dân. Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân thị xã đã chỉ đạo thành lập và ra mắt 5 hợp tác xã "Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch an toàn", 4 chi hội nghề nghiệp.
Các nguồn quỹ của Hội được các cơ sở Hội quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và có bước phát triển tốt. Hàng năm, Ban Thường vụ HND thị xã giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ sở Hội, có kế hoạch bổ sung quỹ từ các nguồn: hội viên đóng góp, lao động xây dựng quỹ, tổ chức làm dịch vụ, công tác xã hội hóa. Kết quả 100% cơ sở Hội và chi hội đều tăng trưởng quỹ, trong đó trên 90% số cơ sở hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao. Tổng số tiền quỹ hội hiện nay là 4 tỷ 850 triệu đồng (tăng 1 tỷ 695 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, vượt 11,8% chỉ tiêu Đại hội X.
Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tiếp tục phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực quan trọng giúp nông dân thiếu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, quỹ HTND ở cả 2 cấp đều tăng cao và phát triển bền vững, đạt 3 tỷ 744 triệu đồng (tăng 1 tỷ 744 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Ngoài ra có 108 hộ ở 12 cơ sở được vay quỹ HTND Trung ương và tỉnh với tổng số tiền 5,1 tỷ đồng. Quỹ HTND được quản lý và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích theo nguyên tắc, điều lệ.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh, bình quân hàng năm có trên 12.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình trang trại tổng hợp thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay toàn thị xã đã có 25 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3,4 sao như trứng đà điểu, bột sắn dây nguyên chất Thành Nhàn, Ổi Thất Hùng, Rượu đông trùng hạ thảo, tói mật, siro tỏi, mật ong rừng An Sinh, vang tỏi đen, tỏi đen, rượu sâm sắn dây, trừng gà thảo mộc…
Trước đó, ngày 17/5, trong ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân thị xã khóa XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với 19 người. Đáng chú ý, tại phiên họp thứ nhất, Ban chấp hành Hội Nông dân thị xã khóa XI đã bầu ông Hoàng Minh Côi, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kinh Môn khóa X đã tái đắc cử Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kinh Môn khóa XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đồng thời, Đại hội đã bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hải Dương lần thứ X gồm 18 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết.