Dân Việt

Viện Pasteur TP.HCM có vaccine dịch vụ trở lại, vaccine tiêm chủng mở rộng vẫn cạn kiệt

Bạch Dương 19/05/2023 13:17 GMT+7
Sau hơn một năm hết toàn bộ các vaccine, hiện Viện Pasteur TP.HCM đã cơ bản cung cấp gần đầy đủ các loại vaccine dịch vụ.
Viện Pasteur TP.HCM có vaccine dịch vụ trở lại, vaccine tiêm chủng mở rộng vẫn cạn kiệt - Ảnh 1.

Viện Pasteur TP.HCM đã có hầu hết các loại vaccine. Ảnh: B.D

Đưa cậu con trai 2 tháng tuổi đến tiêm các mũi 6 trong 1, phế cầu và uống rotavirus sáng 19/5, chị Lê Thị Lành (quận 3) cho biết, chị biết thông tin thiếu vaccine từ năm trước và luôn lo lắng sợ con không được tiêm đúng hẹn. Khi biết Viện Pasteur TP.HCM có thuốc trở lại, chị lập tức đưa con đến tiêm.

ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc, điều hành Phòng khám tiêm chủng, Viện Pasteur TP HCM cho biết, cuối năm 2021, Viện bắt đầu hết một số loại vaccine do hết thầu. Đến khoảng giữa năm 2022, Viện hết toàn bộ vaccine dịch vụ.

Đến thời điểm này, sau thời gian rà soát để thực hiện đấu thầu theo đúng quy định, Viện đã cơ bản cung cấp gần đầy đủ các loại vaccine phục vụ nhu cầu người dân, trong đó có những loại vaccine ngừa bệnh truyền nhiễm quan trọng của trẻ em như vaccine 6 trong 1 (ngừa bạch hầu- ho gà- uốn ván-bại liệt- bệnh do HIB- viêm gan B); vaccine thủy đậu; sởi-quai bị-rubella; viêm não nhật Bản B; não mô cầu A,C,W,Y; thương hàn; HPV; viêm gan A, B…

Riêng vaccine cúm và 2 loại huyết thanh kháng dại, kháng uốn ván tạm thời chưa có, Viện sẽ tổ chức đấu thầu sớm nhất trong thời gian tới.

Người dân đến tiêm trở lại tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 19/5. Clip: B.D


Trong khi các loại vaccine dịch vụ đã có gần như đầy đủ thì chương trình tiêm chủng mở rộng đang đứng trước tình trạng cạn kiệt.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đến hết ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và vaccine 3 trong 1 DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ). 

Bên cạnh đó, các loại vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm như: vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT) và vaccine sởi và rubella (MR).

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vaccine, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, ngày 3/4/2023, Bộ Y tế có ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. 

Theo đó, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine nêu trên.

Viện Pasteur TP.HCM có vaccine dịch vụ trở lại, vaccine tiêm chủng mở rộng vẫn cạn kiệt - Ảnh 4.

Trẻ tiêm vaccine sáng 19/5. Ảnh: B.D

"Sở Y tế đã chuẩn bị nguồn lực và xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM năm 2023. Tuy nhiên, đến ngày 12/5/2023, Sở Y tế TP.HCM lại nhận được công văn hỏa tốc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc lập dự trù vaccine Chương trình tiêm chủng mở rộng trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước. Sở Y tế đã lập danh sách nhưng đến nay vẫn chưa nhận được vaccine", PGS.TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần gửi văn bản "cầu cứu" các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế phân bổ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, việc cấp vaccine cũng theo tình trạng "nhỏ giọt" khiến công tác tiêm chủng không đáp ứng được nhu cầu của người dân khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ ở TP.HCM mới chỉ đạt trên 70%.