Kỳ thi vào lớp 10 THPT 2023-2024 năm nay, theo quyết định của Sở GDĐT Hà Nội, học sinh sẽ thi 3 môn: Ngữ văn và Toán (120 phút) theo hình thức tự luận, Tiếng Anh (60 phút) theo hình thức trắc nghiệm. Trong đó, môn Ngữ văn là môn thi đầu tiên, lại là môn được coi là "khó" và "khổ" với nhiều học sinh.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Trần Thị Thúy Ngần, giáo viên trường THCS Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội đã có những lời khuyên hữu ích. Cô là giáo viên dạy giỏi cấp Quận môn Ngữ văn nhiều năm, đạt giải Nhì trong kì thi giáo viên giỏi cấp thành phố môn Ngữ văn năm học 2017-2018, dày dạn kinh nghiệm dạy và luyện thi cho học sinh vào lớp 10.
Đề thi của Sở trong những năm gần đây thường kết cấu hai phần:
- Phần I : (khoảng 6,0 hoặc 6,5 điểm)
Phần này đề thường cho một đoạn ngữ liệu nằm trong một văn bản trong chương trình Ngữ văn 9, học sinh đọc ngữ liệu rồi trả lời 4 câu hỏi. Trong đó có 3 câu hỏi nhỏ và một câu viết đoạn văn nghị luận văn học (khoảng 12-15 câu), có kèm theo yêu cầu tiếng Việt khi viết đoạn văn, gạch chân, chú thích các yếu tố tiếng Việt đó.
- Phần II : (khoảng 3,5 đến 4,0 điểm)
Phần này đề thường cho một đoạn ngữ liệu nằm ngoài chương trình, học sinh đọc ngữ liệu để trả lời 3 câu hỏi. Trong đó có hai câu hỏi nhỏ và một câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2/3 trang giấy thi) học sinh trình bày ý kiến của mình về một vấn đề nào đó.
Bám sát cấu trúc đề thi cùng kiến thức học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 nói riêng và THCS nói chung, học sinh cần xây dựng kế hoạch ôn tập trên cơ sở chia ra các dạng câu hỏi.
Với văn bản thơ, học sinh chú ý các dạng câu hỏi sau:
Các dạng câu hỏi nhỏ (đọc – hiểu văn bản): Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ bài thơ; Xác định thể thơ; Mạch cảm xúc của bài thơ; Ý nghĩa nhan đề bài thơ; Nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình của bài thơ; Giải nghĩa từ ngữ đặc biệt; Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ; Giọng điệu, kết cấu bài thơ có gì đặc biệt; Cảm nhận về một hình ảnh, một câu thơ; Thông điệp, triết lý tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ...
Dạng câu viết đoạn văn có dạng viết đoạn văn phân tích một đoạn thơ (có thể một hoặc một vài khổ thơ). Đối với dạng bài này, học sinh cần tuân thủ phân tích từ nghệ thuật đến nội dung, bám sát từng câu thơ với từng từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để làm rõ nội dung của đoạn thơ thể hiện điều gì. Học sinh không được sa vào diễn xuôi thơ, cần có những từ ngữ lập luận, bình giá cho thật sâu sắc, thể hiện đúng bản chất của văn nghị luận.
Dạng viết đoạn văn phân tích một hình tượng xuyên suốt bài thơ hoặc chủ đề của bài thơ. Đối với dạng bài này, học sinh cần bám sát toàn bộ bài thơ, tìm ra và phân tích đúng các câu thơ, đoạn thơ thể hiện cho hình tượng (hoặc chủ đề) nghị luận chứ không cần phân tích cả bài thơ. Học sinh không được sa vào diễn xuôi thơ, cần có những từ ngữ lập luận, chọn điểm nhấn bình giá cho thật sâu sắc, thể hiện đúng bản chất của văn nghị luận.
Với văn truyện, học sinh chú ý các dạng câu hỏi sau:
Các dạng câu hỏi nhỏ (đọc – hiểu văn bản) cần nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của truyện; Ý nghĩa nhan đề truyện; Nêu tình huống và ý nghĩa của tình huống truyện; Xác định ngôi kể, nhân vật kể chuyện và tác dụng; Giải nghĩa từ ngữ đặc biệt; Nêu hoàn cảnh sống, công việc của nhân vật và nhận xét; Nhân vật làm gì, nói với ai, nói trong hoàn cảnh nào?; Nhận xét về hành động, việc làm, lời nói của nhân vật (Qua hành động, việc làm, lời nói ta hiểu được nhân vật là người như thế nào); Rút ra thông điệp, ý nghĩa gì từ câu chuyện.
Dạng câu viết đoạn văn có dạng viết đoạn văn phân tích một hoặc vài đặc điểm của nhân vật. Đối với dạng bài này, học sinh cần bám sát đề bài để viết chính xác từ câu chủ đề đến việc tổ chức phân tích làm rõ đặc điểm của nhân vật. Chú ý, cần nêu ngắn gọn hoàn cảnh của nhân vật rồi mới đi vào phân tích các chi tiết dẫn chứng làm rõ cho đặc điểm của nhân vật. Chi tiết dẫn chứng đưa ra cần chọn lọc, chính xác, phù hợp với đặc điểm của nhân vật. Lời văn phân tích cần có từ ngữ lập luận, chỉ ra đặc sắc nghệ thuật cùng lời bình giá sâu sắc đi cùng chi tiết dẫn chứng. Tránh trường hợp đoạn văn sa vào kể lể về nhân vật hoặc quên không phân tích nghệ thuật thì đoạn văn không được đánh giá cao, học sinh sẽ bị mất nhiều điểm trong điểm viết đoạn văn.
Dạng viết đoạn văn phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật, học sinh cần nêu ngắn gọn hoàn cảnh của nhân vật rồi mới đi vào phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật. Khi phân tích cần bám sát văn bản để phân tích tuần tự những biểu hiện diễn biến tâm lý của nhân vật từ đầu đến cuối. Lời văn phân tích cần có từ ngữ lập luận, chỉ ra đặc sắc nghệ thuật cùng lời bình giá sâu sắc đi cùng chi tiết dẫn chứng. Tránh trường hợp đoạn văn sa vào kể lể về nhân vật hoặc quên không phân tích nghệ thuật thì đoạn văn không được đánh giá cao, học sinh sẽ bị mất nhiều điểm trong điểm viết đoạn văn.
Dạng viết đoạn văn phân tích một đoạn lời nói của nhân vật. Đối với dạng bài này, học sinh cần nêu ngắn gọn hoàn cảnh của nhân vật và hoàn cảnh lời nói rồi mới đi vào phân tích đoạn lời nói. Khi phân tích, cần bám sát từng câu nói, đan xen phân tích nghệ thuật và ý nghĩa của lời nói thể hiện cho đặc điểm nào của nhân vật. Tránh nhắc lại, diễn xuôi lời nói hoặc quên không phân tích nghệ thuật thì đoạn văn không được đánh giá cao, học sinh sẽ bị mất nhiều điểm trong điểm viết đoạn văn.
Với văn bản nghị luận, học sinh chú ý các dạng câu hỏi sau:
Các dạng câu hỏi nhỏ (đọc – hiểu văn bản): Phương thức biểu đạt (chú ý câu hỏi hỏi phương thức biểu đạt chính hay phương thức biểu đạt chung của văn bản); Giải thích một chi tiết, một hành động nào của ai đó trong văn bản; Rút ra thông điệp, bài học từ văn bản (cần làm gì, nên làm gì?...)
Lưu ý: Với văn bản nghị luận thì chỉ khai thác câu hỏi rồi đi vào viết đoạn văn nghị luận xã hội chứ không đặt ra yêu cầu nghị luận văn học từ đây.
Với đoạn văn nghị luận xã hội: Học sinh cần xác định rõ hai dạng bài nghị luận xã hội và nắm chắc phương pháp làm đối với từng dạng bài.
Dạng bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống. Bước làm:
+ Câu mở đoạn: Nêu sự việc, hiện tượng đời sống cần nghị luận
+ Thân đoạn: Lần lượt giải thích khái niệm (nếu có); Nêu thực trạng của sự việc, hiện tượng đang diễn ra trong đời sống; Phân tích hậu quả, nguyên nhân; Đề ra giải pháp; Liên hệ bản thân; Rút ra bài học nhận thức và hành động
Câu kết đoạn: Nhắc lại sự việc, hiện tượng đời sống vừa nghị luận và bài học chung cho mọi người.
Dạng bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý. Bước làm:
+ Câu mở đoạn: Nêu vấn đề tư tưởng, đạo lý cần nghị luận
+ Thân đoạn: Giải thích nội dung nghị luận (từ khái niệm đến cả nội dung, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng (nếu có); Nêu biểu hiện của vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng dẫn chứng thực tế; Nêu các ý nghĩa của vấn đề tư tưởng, đạo lý; Bàn luận mở rộng, đưa ra phản đề (mặt trái của vấn đề); Liên hệ bản thân; Rút ra bài học nhận thức và hành động
+ Câu kết đoạn: Nhắc lại vấn đề tư tưởng, đạo lí vừa nghị luận và rút ra bài học chung cho mọi người.
Học sinh nên học theo dạng bài và có phương pháp làm bài, luyện kỹ năng trình bày, diễn đạt tốt thì sẽ tránh tình trạng học vẹt, phát huy được tư duy và chắc chắn các em sẽ tự tin bước vào phòng thi và làm tốt mọi dạng câu hỏi của đề thi.
Chúc các em học sinh thật bình tĩnh, tự tin, đạt thành tích cao môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm hoc 2023-2024!".