Ba con nói "không được 9 hoặc 10 thì đừng về nhà"
Khi bố mẹ "cuồng" điểm số, lập tức thái độ, kỳ vọng đó sẽ phản chiếu ngay lên đứa trẻ. Chúng sẽ canh cánh, vui hay buồn, sung sướng hay lo âu đều từ điểm số
Đứa trẻ có thể chân cò chân sáo khi đạt mức điểm mà chúng biết rằng sẽ được ngợi khen. Ở trạng thái ngược lại, khi nhận mức điểm biết rằng sẽ bị chê bai, trách phạt, thậm chí đánh đập đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn.
Niềm vui, nỗi buồn của nhiều đứa trẻ trong học tập hóa ra là niềm vui, nỗi buồn theo điểm số chứ không phải là trải nghiệm hành trình lớn lên về nhận thức, tư duy.
Không ít đứa trẻ khi biết điểm thi, chúng đã không dám trở về nhà... Ngôi nhà có bố mẹ "cuồng" điểm số đã trở nên mất an toàn với chúng.
Chị Nguyễn Diệu Ngoan, có con học tiểu học ở Dĩ An, Bình Dương kể, lần đó chị đến trường đón con trễ, khi đó học sinh đã về gần hết, chị vào lớp con, thấy bé gái là bạn học của con ngồi khóc ở bục giảng.
Chị hỏi han mới biết, một môn bé đạt 8 điểm. Bé nói trong nước mắt: "Ba con nói nếu không được 9 hoặc 10 thì đừng về nhà".
Sau đó, chị Ngoan phải nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm để cô trao đổi với ba mẹ của bé.
"Đến nay tôi vẫn nghĩ mãi về hình ảnh bé gái khóc ở bục giảng không dám trở về nhà hôm đó. Đứa trẻ đó đạt 8 điểm mà kể không phải 8 điểm đi nữa, sao người lớn lại đẩy con vào nỗi sợ hãi như vậy được", chị Ngoan đau đớn chia sẻ.
Cách đây không lâu, một nam sinh ở quận 8, TPHCM sau khi có nhận điểm thi đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Trước đó, em từng nghe bố mẹ đe dọa "mai mốt điểm thấp thì sẽ thấy cái cảnh này". Khi bỏ nhà ra đi, trên vai cậu học trò vẫn đeo cặp sách nhưng chân không đi dép, không có tiền trong người...
Trước đó, một nữ sinh nhà ở Hoàn Kiếm, Hà Nội khi nhận điểm thi lớp 10 đã bỏ ăn, viết thư chào tạm biệt gia đình, bỏ nhà đi. Cô gái không mang theo tiền, giấy tờ, điện thoại và xóa toàn bộ tài khoản trên mạng xã hội.
Cũng tại Hà Nội, một nữ sinh khác ở Hà Đông sau khi bị bố mẹ mắng về kết quả học tập đã bỏ nhà đi. Gia đình em đã tổ chức tìm kiếm khắp nơi trong vô vọng... Đến tận hai tháng sau, gia đình mới biết cháu ở cùng một người bạn quen trên mạng xã hội ở tận Sơn La.
Nhiều, nhiều lắm những trường hợp học trò sau khi biết điểm đã bỏ nhà đi. Áp lực phải đối mặt với bố mẹ, với những lời mắng mỏ từ họ với nhiều đứa trẻ còn đáng sợ hơn mọi thứ lạ lẫm, nguy hiểm ngoài kia.
"Con xin lỗi ba má..."
Đau lòng hơn, những đứa trẻ không dám trở về sau khi có điểm không chỉ mang nghĩa đen "bỏ nhà đi bụi" mà là những quyết định tận cùng đau đớn.
Cái chết của nam sinh lớp 10 ở TPHCM cách đây không lâu gây ám ảnh và đau đớn cho bất kỳ ai. Sinh ra trong một gia đình hiếu học, em là học sinh giỏi, điểm tổng kết kỳ gần nhất là 8.9.
Trước khi nhảy lầu ngay trước mắt bạn bè, thầy cô, em để lại bức thư nói về áp lực học tập và áp lực từ gia đình muốn em phải đạt điểm số tốt hơn để đạt học sinh giỏi. Em đi, để lại lời chào: "Con xin lỗi ba má, con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má".
Lời chào của em, phải nói cũng là tiếng kêu khóc của không ít đứa trẻ.
Trước đó, cũng tại TPHCM, một học sinh lớp 9 rơi vào trầm cảm nặng sau khi bị điểm 3 môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm - môn học em giỏi và tự tin nhất. Cuối cùng, em nhảy từ tầng cao chung cư xuống...
Ở Hà Nội cũng từng xảy ra trường hợp tận cùng nỗi đau trên trần gian khi một em học sinh trường chuyên nhảy lầu ngay trước mắt bố.
Các em đã lựa chọn dại dột, tiêu cực nhưng đó cũng là cảnh tỉnh nhìn nhận về những áp lực điểm số, thành tích mà những đứa trẻ đang phải gồng gánh. Đã có những đứa trẻ chọn cái chết để buông bỏ những áp lực... Những áp lực đó có thể đến từ chương trình, từ sự kỳ vọng lẫn ánh mặt thất vọng của chính người sinh thành...
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng công bố trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.
Một bác sĩ tâm lý tại TPHCM cho hay, thanh thiếu niên ngày nay chịu rất nhiều áp lực đến từ gia đình, thời đại, xã hội. Trong khi khả năng thích nghi, kỹ năng ứng phó không theo kịp hoàn cảnh, nhất là khi các em lại khó nhận được sự hỗ trợ từ xung quanh.
Ông nhấn mạnh, đối với mọi vấn đề của trẻ vị thành niên, yếu tố gia đình là quan trọng nhất. Được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ, cư xử phù hợp sẽ tăng khả năng chống chọi của trẻ trước mọi vấn đề, mọi khó khăn.
"Mùa công bố điểm, mùa thi rồi, chúng ta hãy nói với con nếu điểm thấp cứ về với bố mẹ, hãy ôm lấy con và nói yêu con. Đừng để điểm số, thành tích, kỳ vọng của mình đẩy con ra xa mình", vị bác sĩ nhắn nhủ.